Chuỗi cung ứng toàn cầu - Bài 1: Hiệu ứng từ sự gián đoạn
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho các nước, thu hút thêm nhiều nguồn lực cho phát triển.
Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia cũng như doanh nghiệp như phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao lợi nhuận, tăng số việc làm, thu nhập…
Tuy nhiên, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với các quốc gia cũng như doanh nghiệp vì nếu quá phụ thuộc vào một hay vài thị trường thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu xảy ra các tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...
Trong "cơn bão" dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bộc lộ những điểm yếu, nhất là với những quốc gia, ngành hàng, lĩnh vực phụ thuộc đầu vào từ các nước trong tâm dịch. Trong đó, một số lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lại những khúc mắc để toàn bộ mắt xích sản xuất kinh doanh khớp với vòng quay phát triển.
Gặp khó do quá phụ thuộc
Theo các chuyên gia, xu hướng toàn cầu hóa bắt đầu diễn ra từ năm 1990, đến nay chuỗi cung ứng toàn cầu cũng hình thành với vai trò quan trọng ngày càng tăng, góp phần vào sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia cũng như các doanh nghiệp trên thế giới.
Hiện tại, sự lan rộng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra những thiệt hại đáng kể cho kinh tế thế giới. Không ít quốc gia cũng như doanh nghiệp đã không chuẩn bị phương án ứng phó toàn diện và kịp thời cho những tình huống bất ngờ xảy ra dù đây không phải là lần đầu tiên họ "gặp nạn” xuất phát từ sự phụ thuộc nặng nề vào một hay vài thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo giới phân tích, các doanh nghiệp đã không có sự chuẩn bị tương xứng và dự đoán cẩn trọng về những rủi ro liên quan tới việc phụ thuộc vào một thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi họ thực hiện các chiến lược kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí. Nhiều doanh nghiệp chỉ tích trữ lượng hàng trong kho đủ dùng trong thời gian ngắn mà không dự phòng các tình huống bất ngờ xảy ra như thiên tai, dịch bệnh…
Không ít doanh nghiệp lớn trên thế giới đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc – quốc gia mà họ coi là “công xưởng của thế giới” và thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện đóng góp 15-20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu…, trong khi chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu khoáng sản toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Caroline Bain của Capital Economics nhận định, sự bùng phát dịch COVID-19 đã dẫn tới tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hoạt động trao đổi hàng hóa. Khoảng 90% hoạt động thương mại thế giới diễn ra trên tuyến vận tải đường biển và Trung Quốc là nguồn cung ứng hàng lớn của ngành hàng hải thế giới. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng Trung Quốc đã khiến nhiều công ty sản xuất lao đao. Các doanh nghiệp lớn như Hasbro, Versace… đang gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Trong khi đó, nhà phân tích Peter Sand của Hiệp hội giao nhận quốc tế BIMCO cho biết, việc đóng cửa trung tâm sản xuất của thế giới ảnh hưởng đến việc vận chuyển container vì Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy quan trọng của chuỗi cung ứng trong châu Á và trên toàn cầu. Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19 bằng cách đóng cửa các nhà máy và yêu cầu người dân ở nhà - điều sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp và hạn chế nhu cầu vận chuyển hàng container.
Dịch COVID-19 càng kéo dài thì hoạt động vận tải, thương mại, kinh tế trên toàn cầu càng đình trệ. Các công ty vận tải lớn như Maersk, Hapag-Lloyd và CMA-CGM cho biết đã giảm số lượng tàu trên các tuyến nối Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) với Ấn Độ, Canada, Mỹ.
Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang “phá vỡ” chuỗi cung ứng hàng may mặc của Đông Nam Á, ảnh hưởng tới kế hoạch dự trữ hàng hóa của các thương hiệu quốc tế như Uniqlo, Gap và Nike. Sự đóng góp của các nhà cung cấp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Campuchia và Myanmar ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu thời trang toàn cầu. Tuy vậy, các nhà cung cấp hàng may mặc này vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu thô. Ông Ken Loo, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc tại Campuchia, cho biết hơn 60% nguyên liệu thô ngành may mặc của nước này đến từ Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, các công ty toàn cầu ngày càng dựa vào Trung Quốc, không chỉ với vai trò một trung tâm sản xuất quốc tế mà còn là thị trường tiêu dùng lớn vào loại hàng đầu thế giới. Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu khi người dân nước này ở nhà, trong khi các cửa hàng của nhiều thương hiệu bán lẻ lớn như Levi Strauss, Ikea, H&M, Nike và Starbucks vẫn đóng cửa để tránh dịch bệnh lan rộng. Điều này có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu khi Trung Quốc hiện chiếm khoảng 11% lượng hàng hóa nhập khẩu trên thế giới.
Khó tránh hệ lụy
Theo tài liệu của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), sự bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã tác động đến hoạt động chế tạo và xuất khẩu dược phẩm, thiết bị điện tử, sản phẩm dệt may và hóa chất của Ấn Độ do Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất các loại hàng hóa trung gian, đạt giá trị 30 tỷ USD/năm.
Nguồn tin từ một phòng thương mại khác của Ấn Độ cho biết nước này nhập khẩu khoảng 65-70% thành phần dược phẩm và gần 90% các loại linh kiện điện thoại di động nhất định từ Trung Quốc. Ông Daara Patel, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất Dược phẩm Ấn Độ, cho biết ngành dược của Ấn Độ đang đối mặt tình trạng giá các mặt hàng nguyên, vật liệu thô gia tăng và thiếu hụt nguồn cung. Hiện giá một số mặt hàng thuốc kháng sinh, vitamin và các loại dược phẩm khác tại Ấn Độ đã tăng 15-50%.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 18/2 nhận định dịch COVID-19 làm gia tăng sức ép lên tăng trưởng tại châu Á, với tác động được cảm nhận chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và du lịch cũng như một số lĩnh vực thông qua việc gián đoạn nguồn cung. Moody's hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ từ 6,6% xuống 5,4% cho năm 2020 và từ 6,7% xuống 5,8% cho năm 2021.
Trong khi đó, hai hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng của Đức là Adidas và Puma cho biết, việc đóng các cửa hàng ở Trung Quốc và sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đi du lịch và mua sắm tại nước ngoài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây tổn hại tới hoạt động kinh doanh của họ.
Châu Á, vốn là thị trường dẫn dắt đà tăng trưởng cho ngành sản xuất đồ thể thao toàn cầu trong những năm gần đây, chiếm tới 1/3 doanh số bán của Adidas và Puma. Khu vực này, đặc biệt là Trung Quốc còn là nơi sản xuất chủ lực nhiều mặt hàng thể thao của các hãng khác nhau.
Trong một tuyên bố ngày 19/2, Adidas cho biết, hoạt động kinh doanh của hãng này tại Trung Quốc và các vùng lãnh thổ thuộc nước này kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay đã giảm khoảng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Adidas, hãng này đối mặt với nguy cơ đóng một số lượng lớn cửa hàng trong hệ thống 500 cửa hàng chính hãng và 12.000 cửa hàng được cấp quyền đại lý kinh doanh ở Trung Quốc do ít người đến mua sắm.
Doanh số bán của Adidas tại Trung Quốc và các vùng lãnh thổ của nước này liên tục đạt mức tăng mạnh nhất so với các thị trường khác trên thế giới trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung chiếm khoảng 30% doanh thu 6,4 tỷ euro (6,9 tỷ USD) của Adidas. Hãng cho biết chưa thấy bất kỳ tác động lớn nào đến hoạt động kinh doanh của hãng ở các nước và vùng lãnh thổ khác, dù dịch COVID-19 đã lây lan sang nhiều nước khác.
Công ty dịch vụ giải trí Walt Disney cũng thông báo kế hoạch đóng cửa các công viên giải trí tại Hong Kong và Thượng Hải trong hai tháng. Giám đốc Tài chính của Walt Disney, Christine McCarthy, cho hay việc đóng cửa Shanghai Disney Resort ở Thượng Hải trong hai tháng có thể khiến lợi nhuận hoạt động của công ty giảm khoảng 135 triệu USD trong quý II/2020. Trong khi đó, Hong Kong Disneyland cũng sẽ thiệt hại khoảng 145 triệu USD lợi nhuận trong quý II/2020 sau khi gặp không ít khó khăn trước đó do tình trạng bất ổn ở Hong Kong khiến lượng du khách sụt giảm.
Linh hoạt để ứng phó hiệu quả
Tình trạng gián đoạn nguồn cung do dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế-xã hội của Trung Quốc mà còn “ảnh hưởng tiêu cực tới các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, vốn có mối quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng với nước này”.
Những ngành của Việt Nam bị ảnh hưởng bất lợi khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn là dệt may, da giày, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại… do phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm dệt may sang các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, song phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ của các dự án ở Việt Nam".
Trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, lường trước được những khó khăn về thiếu nguồn cung nguyên liệu, các doanh nghiệp sớm có những giải pháp nhập nguyên liệu từ một số nước hoặc đẩy mạnh sản xuất một số mặt hàng có thể chủ động về nguyên phụ liệu trong nước.
Theo tờ The Star ngày 17/2 của Myanmar, một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt may đang nghiên cứu nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil ể đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Trên cơ sở đó Việt Nam có thể tiếp nhận, làm quen rồi học tập những tiến bộ về kỹ thuật - công nghệ mới, hiện đại gắn liền với trào lưu thế giới.
Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với nhiều đối tác thương mại lớn trên thế giới, trong đó có EU, Mỹ, Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Trong thời quan qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước.
ại cuộc tiếp xúc với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ngày 25/2, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) Alex Feldman cho biết đoàn doanh nghiệp Mỹ với hơn 40 thành viên sẽ triển khai chương trình xúc tiến đầu tư tại Việt Nam từ ngày 3-6/3/2020. Theo chương trình, đoàn sẽ có nhiều hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ngành và làm việc với các doanh nghiệp, đối tác của Việt Nam, qua đó khẳng định tiếp tục tin tưởng vào các cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Gần đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến Ấn Độ tìm kiếm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi như vải thiều, nhãn, chôm chôm, thanh long, cá và các sản phẩm dệt may. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN và là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng trao đổi hàng hóa và dịch vụ với các đối tác nước ngoài.