Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo do căng thẳng tại Biển Đỏ
Các vụ tấn công tàu hàng tại Biển Đỏ đang làm gián đoạn tuyến vận tải huyết mạch, buộc nhiều hãng tàu quốc tế phải đổi lộ trình, kéo theo chi phí tăng mạnh và giao hàng chậm trễ. Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng bất ổn kéo dài có thể đẩy Yemen trở lại xung đột, gây hệ lụy nghiêm trọng cho an ninh khu vực.
Làn sóng tấn công mới
Tình hình an ninh hàng hải tại Biển Đỏ tiếp tục diễn biến phức tạp, khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nhằm vào tàu chở hàng quốc tế. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, ngày 6/7, tàu hàng Magic Seas, treo cờ Liberia đã bị tấn công khi đang di chuyển qua vùng biển phía Nam Biển Đỏ. Thủy thủ đoàn buộc phải rời tàu khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Cuộc tấn công được cho là sử dụng thiết bị bay không người lái mang chất nổ, kết hợp với hỏa lực mạnh, cho thấy mức độ nguy hiểm gia tăng rõ rệt.

Xuồng cao tốc của Houthi vẫn hoành hành trên tuyến hàng hải quốc tế.
Chỉ một ngày sau, tàu chở hàng Eternity C, hoạt động gần khu vực cảng Hodeida (Yemen), cũng bị tấn công bằng tên lửa và thiết bị không người lái. Vụ việc khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích và nhiều người bị thương.
Trước tình hình leo thang, các hãng vận tải biển lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đã nhanh chóng điều chỉnh tuyến hành trình, lựa chọn lộ trình vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) thay vì tiếp tục di chuyển qua kênh đào Suez - tuyến vận tải huyết mạch nối châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, phương án này khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm 10 đến 14 ngày, đồng thời làm phát sinh thêm chi phí nhiên liệu và vận hành, ước tính lên tới khoảng 1 triệu USD mỗi chuyến.
Những biến động bất ngờ tại Biển Đỏ đang tạo ra áp lực lớn lên hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa tăng trở lại khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Các chuyên gia cảnh báo việc thay đổi lộ trình vận chuyển không chỉ khiến hàng hóa giao chậm, mà còn đẩy giá thành sản phẩm lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng.

Quân đội Israel không kích nhằm vào các cảng và cơ sở do lực lượng Houthi tại Yemen kiểm soát, phía Houthi đáp trả bằng loạt tên lửa nhắm vào lãnh thổ Israel.
Nhiều mặt hàng chiến lược như linh kiện điện tử, thiết bị y tế, dược phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đang đối mặt nguy cơ khan hiếm cục bộ tại một số thị trường lớn, đặc biệt khi mùa cao điểm cuối năm đang tới gần. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các công ty bảo hiểm hàng hải đồng loạt nâng mức cảnh báo rủi ro đối với khu vực Biển Đỏ. Một số nhà bảo hiểm quốc tế đã đưa vùng biển này vào danh sách khu vực có nguy cơ chiến sự, kéo theo phí bảo hiểm tăng vọt, gây thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp vận tải và xuất nhập khẩu.
Diễn biến mới tại đây đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đảm bảo an toàn hàng hải và ổn định tuyến vận tải huyết mạch có ý nghĩa chiến lược đối với thương mại quốc tế.
Thế giới quan ngại
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ ngày càng gia tăng, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất kiểm soát an ninh hàng hải, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng các vụ tấn công nhằm vào tàu thương mại có thể làm gián đoạn nghiêm trọng tiến trình hòa bình tại Yemen.
Phát biểu ngày 7/7, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg nhấn mạnh, các hành vi tấn công tàu thương mại không chỉ đe dọa an toàn giao thương trên tuyến vận tải huyết mạch mà còn có nguy cơ làm xói mòn những kết quả tích cực đã đạt được kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn năm 2022. Ông cảnh báo, nếu không có biện pháp kiềm chế kịp thời, xung đột có thể bùng phát trở lại, kéo theo những hệ lụy khó lường cho hòa bình khu vực.
Trước diễn biến phức tạp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp khẩn để thảo luận về tình hình Biển Đỏ. Trong thông cáo đưa ra sau đó, Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, đồng thời nhấn mạnh cần thúc đẩy các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng. Theo đó, đề nghị các quốc gia có ảnh hưởng tại Trung Đông như Oman, Saudi Arabia và Iran đóng vai trò trung gian tích cực, thúc đẩy đối thoại và bảo đảm an toàn hàng hải, tránh để tiến trình đàm phán chính trị nội bộ tại Yemen bị phá vỡ.
Nguy cơ can thiệp quân sự từ bên ngoài đang có chiều hướng gia tăng, sau loạt cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu tại Yemen bị nghi liên quan đến các vụ tấn công tàu hàng. Giới quan sát nhận định, nếu tình trạng quân sự hóa Biển Đỏ tiếp tục leo thang, khu vực này có thể rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải, thương mại quốc tế và an toàn của người dân.
Theo các chuyên gia khu vực, để duy trì hòa bình bền vững tại Yemen và đảm bảo an toàn cho tuyến vận tải huyết mạch qua Biển Đỏ, cần có một chiến lược tổng thể, trong đó các biện pháp ngoại giao, an ninh và hỗ trợ phát triển phải được triển khai song song và đồng bộ.

Tàu hàng bị Houthi đánh chìm trên Biển Đỏ.
Diễn biến tại Biển Đỏ là một lời cảnh báo rõ ràng về tầm quan trọng của an toàn hàng hải đối với ổn định khu vực và sự vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi một tuyến vận tải chiến lược bị gián đoạn, những hệ quả kéo theo không chỉ dừng lại ở chi phí vận chuyển hay thời gian giao hàng, mà còn có thể làm trầm trọng thêm các xung đột khu vực, thậm chí thổi bùng bất ổn chính trị vượt ngoài biên giới một quốc gia.
Để ngăn chặn nguy cơ đó, cộng đồng quốc tế cần có hành động thống nhất và kịp thời. Việc bảo vệ an ninh hàng hải, ổn định chuỗi cung ứng và duy trì nỗ lực ngoại giao vì hòa bình tại Yemen phải được đặt trong ưu tiên hàng đầu. Trong tiến trình này, vai trò của các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và những cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu sẽ là nhân tố quyết định khả năng kiểm soát và ổn định tình hình trong thời gian tới.