Cuộc chiến dai dẳng và giới hạn của hy vọng

Cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang tháng thứ 41 với cường độ leo thang chưa từng có, trong khi các kênh ngoại giao mới chỉ nhích chậm một cách mong manh. Trong thế giằng co giữa đạn bom và bàn đàm phán, cả hai bên đang rơi sâu vào chiến tranh tiêu hao, còn cộng đồng quốc tế đứng trước giới hạn về khả năng can thiệp.

Hơn ba năm kể từ khi bùng nổ vào tháng 2/2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn kéo dài dai dẳng với mức độ khốc liệt chưa hề thuyên giảm. Giai đoạn đầu tháng 7/2025 chứng kiến xung đột leo thang nguy hiểm: Nga tăng cường các cuộc không kích quy mô lớn vào Kiev và nhiều thành phố Ukraine, gây thương vong dân sự ở mức kỷ lục. Song song với đó, cộng đồng quốc tế đẩy mạnh những nỗ lực hỗ trợ Ukraine về tài chính và quân sự, tiêu biểu là Hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine lần thứ tư diễn ra tại Rome (Italy) trong hai ngày 10-11/7 nhằm viện trợ tái thiết và nâng cấp hệ thống phòng không của Kiev. Đồng thời, xuất hiện một số tín hiệu đàm phán hậu trường giữa Nga và Mỹ với những “ý tưởng mới” tìm lối thoát cho hòa bình. Tuy nhiên, thực tế cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài đã và đang bào mòn nghiêm trọng tiềm lực kinh tế của cả Nga lẫn Ukraine, còn triển vọng kết thúc xung đột tiếp tục kéo dài.

Trên chiến trường, diễn biến đáng chú ý nhất trong tháng 6 và đầu tháng 7 chính là làn sóng không kích dữ dội của Nga vào các đô thị lớn. Theo Phái bộ Giám sát Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Ukraine, chỉ riêng tháng 6 đã ghi nhận 232 thường dân thiệt mạng và 1.343 người bị thương, con số cao nhất kể từ đầu cuộc chiến. Lực lượng Nga sử dụng kết hợp máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo để liên tục tập kích, khiến không khí tại các thành phố lớn như Kiev, Odesa, Kharkiv hay Lviv luôn trong trạng thái báo động cao. Các đợt tấn công không chỉ gây tổn thất về người mà còn tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng dân sự, từ bệnh viện, trường học đến nhà ở. Tư lệnh Không quân Ukraine thừa nhận, hệ thống phòng không của nước này đang quá tải nghiêm trọng khi phải đối mặt với số lượng UAV và tên lửa lên đến hàng trăm mỗi ngày. Để đáp trả, Ukraine vừa nâng cao cảnh báo phòng không, vừa vận động mạnh mẽ cộng đồng quốc tế viện trợ thêm vũ khí và thiết bị đánh chặn.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị tái thiết Ukraine tại Rome. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị tái thiết Ukraine tại Rome. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh đó, Hội nghị tái thiết Ukraine lần này trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Với sự tham dự của hơn 100 phái đoàn quốc gia và tổ chức quốc tế, hội nghị đã đạt được cam kết viện trợ hơn 10 tỷ euro cho Kiev, trong đó riêng Ủy ban châu Âu (EC) đóng góp 2,3 tỷ euro. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, các quốc gia châu Âu cũng tăng cường chuyển giao các hệ thống phòng không, trong đó có thỏa thuận giữa Anh và Ukraine về việc cung cấp hơn 5.000 tên lửa phòng không do tập đoàn Thales sản xuất. Đức và Norway đồng thời tuyên bố sẵn sàng mua và chuyển giao thêm các tổ hợp Patriot cho Ukraine, nhằm nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa tầm xa. Thỏa thuận này được coi là bước đi chiến lược, trong bối cảnh mạng lưới phòng không Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị quá tải trước các đòn tấn công dồn dập từ phía Nga.

Cùng với viện trợ vũ khí và kinh tế, một diễn biến đáng chú ý khác là việc xuất hiện các tín hiệu ngoại giao hiếm hoi giữa hai bên. Gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp kín với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio bên lề một hội nghị khu vực tại Indonesia. Trong cuộc gặp này, Moscow đã đưa ra một “ý tưởng mới” để khởi động lại đàm phán hòa bình. Dù nội dung cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng theo Ngoại trưởng Marco Rubio, đây là một tín hiệu cho thấy hai bên đang bắt đầu tìm kiếm khả năng thương lượng sau nhiều tháng leo thang. Bộ Ngoại giao Nga sau đó cũng xác nhận cuộc trao đổi diễn ra “thẳng thắn và thực chất”, đồng thời tái khẳng định sẵn sàng tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, đằng sau những cử chỉ thiện chí đó, tình thế vẫn đang bị chi phối bởi thực tế chiến tranh tiêu hao kéo dài. Về phía Ukraine, nền kinh tế đang chịu gánh nặng nợ công, lạm phát và thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Mặc dù từng phục hồi ấn tượng vào năm 2023, nhưng từ đầu năm 2025, tăng trưởng giảm sút rõ rệt trong khi vật giá leo thang. Ngân sách quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ quốc tế. Hệ thống điện, giao thông và xuất khẩu qua Biển Đen đều đang trong tình trạng dễ bị tổn thương. Nếu dòng viện trợ bị chậm trễ hoặc không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, nền kinh tế Ukraine có nguy cơ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Về phía Nga, dù ban đầu vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng và chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á, nhưng hiện nay cũng bắt đầu lộ rõ dấu hiệu suy yếu. Lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn và tâm lý tiêu dùng giảm sút đang đè nặng lên nền kinh tế. Việc các biện pháp trừng phạt tiếp tục siết chặt và việc chuyển giao công nghệ từ phương Tây bị gián đoạn kéo dài đang làm chậm lại tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc phòng. Bộ trưởng Kinh tế Nga gần đây công khai thừa nhận, nguy cơ suy thoái là “rất rõ ràng”, cho thấy ngay cả phía Moscow cũng không thể kéo dài cuộc chiến mà không trả giá.

Hòa bình cho Ukraine hiện vẫn là một mục tiêu xa vời nhưng không phải không thể đạt được. Điều quan trọng là các bên phải nhìn thấy được cái giá phải trả nếu tiếp tục theo đuổi chiến tranh đến cùng, đồng thời cộng đồng quốc tế cần đóng vai trò trung gian không thiên vị, đồng thuận về mục tiêu chung là chấm dứt xung đột trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/cuoc-chien-dai-dang-va-gioi-han-cua-hy-vong-i774548/