Chuỗi cung ứng xanh: Điểm tên các thách thức của doanh nghiệp logistics Việt

Xanh hóa là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, với 90% doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ khiến việc chuyển đổi xanh không dễ.

Thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp logistics

Các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu đang ngày càng siết chặt, cùng với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và tiêu chuẩn thị trường, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nền kinh tế, phải phát triển theo hướng xanh, bền vững và có trách nhiệm. Vì vậy, “logistics xanh” không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.

Xanh hóa hoạt động vận tải, kho bãi góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Xanh hóa hoạt động vận tải, kho bãi góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Rất nhiều doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tích hợp các mục tiêu bền vững ngay từ đầu vào chiến lược kinh doanh từ đầu tư vận tải xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đến xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh đối với các doanh nghiệp logistics Việt vẫn đang đối diện với những thách thức không nhỏ. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh, cho hay, thứ nhất, đầu tư vào công nghệ xanh, như phương tiện vận chuyển tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản lý thông minh, hoặc năng lượng tái tạo, đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong bối cảnh 90% doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khiến những yêu cầu nguồn lực lớn vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh của các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn.

Thứ hai, quản lý logistics xanh đòi hỏi nhân sự có kỹ năng về công nghệ (IoT hoặc AI) và quản lý môi trường, nhưng Việt Nam thiếu hụt lao động được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về tiêu chuẩn ESG, quy định về môi trường, báo cáo phát triển bền vững và các yêu cầu từ thị trường quốc tế.

Thứ ba, các chuỗi cung ứng hiện còn rời rạc, thiếu sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, dẫn đến khó tối ưu toàn chuỗi theo hướng xanh hóa.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường cao tốc, đường thủy, và đường sắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Hệ thống đường bộ hạn chế khiến các doanh nghiệp logistics khó tối ưu hóa tuyến đường để giảm phát thải, trong khi tiềm năng vận tải đường thủy và đường sắt chưa được khai thác hiệu quả.

Thứ năm, mặc dù chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị quyết 163/NQ-CP (2022) để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững, nhưng các rào cản pháp lý, hành chính và thiếu cơ chế tài chính cụ thể vẫn cản trở doanh nghiệp.

Bàn về câu chuyện xanh hóa chuỗi logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, trên thế giới, thống kê sơ bộ cho thâýn ngành logistics, trong đó chủ yếu là ngành vận tải chiếm từ 25 - 30% lượng phát thải toàn cầu. Tại Việt Nam, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng có thể cũng đứng ở con số tương tự.

Khẳng định logistics xanh được xác định là chìa khóa, là điểm tựa để các doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường toàn cầu, tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho hay, khi tham gia quá trình xanh hóa, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức.

Trước hết là vấn đề về nhận thức. Chúng ta bàn, nói về logistics xanh nhưng chưa hiểu rõ và chưa biết bắt đầu từ đâu. Cùng với đó là thói quen trong việc sử dụng phương tiện vận tải, dịch vụ chưa phải ‘xanh hóa’. Bên cạnh đó là vấn đề về hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, ‘xanh hóa’ đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, đây là thách thức cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là vấn đề về công nghệ, doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ, thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai chuyển đổi xanh.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Logistics chính là “trái tim” của nền kinh tế - nơi kết nối sản xuất, lưu thông và phân phối. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới chuyển động mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ngành này buộc phải thay đổi để thích ứng và tồn tại.

Theo các chuyên gia, thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhiều rào cản vẫn đang tồn tại như hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, chính sách còn thiếu nhất quán, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế. Những thách thức này không của riêng ai. Do đó, cần sự phối hợp để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái logistics bền vững.

Ông Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort, cho rằng điều cốt lõi hiện nay là cần thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức, song song với việc xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất.

Các nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Ông đề xuất cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế hợp tác công - tư. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ưu đãi thuế và miễn trừ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện (EV).

“Nếu Việt Nam muốn khuyến khích sử dụng EV, thì cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng như miễn thuế đăng ký, nới lỏng thủ tục cho cả xe sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Điều này vừa thúc đẩy cung ứng, vừa tạo động lực cho thị trường”, ông phân tích.

Thị trường logistics xanh toàn cầu được dự báo đạt 1.481,5 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép là 6,1%, báo hiệu động lực kinh tế mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam theo kịp xu hướng này. Ngành logistics Việt Nam, đóng góp 13–15% tăng trưởng hàng năm cho nền kinh tế, là một lĩnh vực quan trọng để chuyển đổi xanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tích hợp logistics xanh trong doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng tất yếu, được thúc đẩy bởi 4 yếu tố then chốt: Chính sách quốc gia và cam kết tăng trưởng xanh; áp lực thị trường và nhận thức môi trường ngày càng cao; vai trò nền tảng của hạ tầng logistics; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, để chuyển hóa tiềm năng thành hành động, cần thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi, nâng cấp hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận giải pháp công nghệ và nguồn lực phù hợp để bứt phá xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi xanh cần sự chung tay của cả hệ sinh thái. Kết nối và liên kết giữa các doanh nghiệp trên toàn cầu chính là nền tảng thiết yếu để hướng tới một ngành logistics phát triển bền vững trong tương lai.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuoi-cung-ung-xanh-diem-ten-cac-thach-thuc-cua-doanh-nghiep-logistics-viet-410214.html