Chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Cơ hội từ mô hình Hàn Quốc, thách thức từ nội lực

Dự án cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng do Hàn Quốc hỗ trợ vừa được bàn giao cho Việt Nam, gợi mở nhiều bài học thiết thực cho mục tiêu tái cấu trúc và nâng cao giá trị ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ngày 28-4, tại tỉnh Thái Bình, Dự án "Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)" do Hàn Quốc hỗ trợ đã chính thức được bàn giao cho phía Việt Nam sau 5 năm triển khai. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến trong quan hệ hợp tác song phương.

Mô hình mẫu cho phát triển chuỗi giá trị bền vững

Dự án tại Thái Bình được triển khai từ năm 2020 với sự đầu tư bài bản vào cơ sở hạ tầng, công nghệ canh tác, chế biến sau thu hoạch và đào tạo nguồn nhân lực. Các hợp phần chính như trung tâm đào tạo nông nghiệp, khu canh tác thí điểm, khu xử lý sau thu hoạch và hệ thống nhà kính đã tạo ra nền tảng quan trọng để từng bước hình thành chuỗi giá trị lúa gạo khép kín.

Theo ông Moon Kyung Duck, Giám đốc Ban Phát triển nông nghiệp toàn cầu (MAFRA, Hàn Quốc), dự án không chỉ đơn thuần chuyển giao kỹ thuật, mà còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng gạo, gia tăng giá trị cho người nông dân, đồng thời tạo khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế.

Đại diện Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc - KRC và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp ký kết, trao văn bản bàn giao dự án. Ảnh: NN&MT.

Đại diện Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc - KRC và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp ký kết, trao văn bản bàn giao dự án. Ảnh: NN&MT.

Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đây là một dự án "kiểu mẫu" minh chứng cho chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo gắn với phát triển xanh và giảm phát thải – những mục tiêu cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu hội nhập sâu rộng.

Theo số liệu thống kê, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, với giá xuất khẩu trung bình khoảng 627 USD/tấn. Tuy nhiên, sang quý I/2025, giá gạo xuất khẩu trung bình giảm còn 522 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, giá trị bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với gạo Thái Lan (khoảng 650-700 USD/tấn) và kém xa các dòng gạo cao cấp từ Nhật Bản hay Hàn Quốc (lên tới 1.000-1.200 USD/tấn).

Thực tế, khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn thuộc phân khúc giá rẻ đến trung bình, tập trung vào thị trường châu Á và châu Phi. Trong khi đó, các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản – nơi giá trị gia tăng cao hơn – mới chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.

Nguyên nhân chính là vì chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam còn thiếu sự liên kết chặt chẽ, sản xuất manh mún, quy trình sau thu hoạch, chế biến, bảo quản còn yếu. Hiện tượng "được mùa mất giá", gạo bán dưới dạng nguyên liệu thô, thiếu thương hiệu quốc tế là những tồn tại kéo dài.

Xây dựng chuỗi giá trị hiện đại, đồng bộ

Dự án hợp tác với Hàn Quốc tại Thái Bình cho thấy nếu đầu tư bài bản, đồng bộ từ hạ tầng canh tác, quy trình chế biến, tiêu chuẩn hóa chất lượng đến marketing sản phẩm, thì ngành lúa gạo hoàn toàn có thể tăng giá trị bền vững.

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã giúp nâng năng suất lúa trung bình tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch- vốn chiếm tới 10-20% sản lượng lúa ở Việt Nam theo nghiên cứu của FAO năm 2022.

Việc vận hành khu xử lý sau thu hoạch và nhà kính giúp tăng khả năng kiểm soát chất lượng, giảm tỷ lệ hư hỏng, đồng thời tăng khả năng truy xuất nguồn gốc – một yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.

Nếu nhân rộng mô hình này, Việt Nam có thể nâng giá gạo xuất khẩu lên mức 700-800 USD/tấn, cải thiện thu nhập của nông dân thêm từ 20-30% so với hiện tại, theo ước tính của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD).

Quan trọng hơn, dự án đã hình thành được các mô hình sản xuất khép kín, liên kết đồng bộ từ canh tác đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, qua đó ổn định nguồn cung lúa gạo, hạn chế rủi ro do biến động mùa vụ và trực tiếp nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ mô hình "sản lượng lớn – giá rẻ" sang mô hình "chất lượng cao - giá trị gia tăng cao". Điều này đòi hỏi một loạt hành động đồng bộ.

Một là, đẩy mạnh liên kết chuỗi giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu. Các hợp đồng bao tiêu dài hạn, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát chất lượng phải được thực thi mạnh mẽ.

Hai là, tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp: hệ thống thủy lợi thông minh, trung tâm logistics nông sản, kho bảo quản tiêu chuẩn quốc tế. Theo Bộ NN&MT, tỷ lệ hạ tầng bảo quản lúa gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam hiện chỉ khoảng 15%, quá thấp so với Thái Lan (60%) và Nhật Bản (80%).

Ba là, phát triển thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, không chỉ ở phân khúc giá rẻ mà phải tiến tới phân khúc trung – cao cấp. Kinh nghiệm thành công từ việc xây dựng thương hiệu "Gạo ST25" - từng được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019 - cho thấy tiềm năng lớn nếu Việt Nam biết đầu tư đúng hướng.

Bốn là, khai thác tối đa công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, marketing quốc tế và phát triển thương mại điện tử nông sản. Dữ liệu số hóa về vùng trồng, quy trình sản xuất sẽ là chìa khóa mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh yêu cầu minh bạch ngày càng cao.

Việt Nam có thể "làm chủ sân chơi" nếu đi đúng hướng

Thế giới đang chứng kiến những thay đổi lớn về an ninh lương thực, xu hướng tiêu dùng gạo cao cấp, gạo hữu cơ, gạo carbon thấp. Việt Nam với lợi thế về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật canh tác đang ngày càng tốt, có đủ cơ hội để chuyển mình mạnh mẽ nếu dám đột phá.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2024 dự báo: Nếu thực hiện tái cơ cấu chuỗi giá trị hiệu quả, Việt Nam có thể nâng kim ngạch xuất khẩu gạo lên 6-7 tỷ USD/năm vào năm 2030, với tỷ trọng gạo cao cấp chiếm trên 40% tổng xuất khẩu.

Những mô hình như dự án hợp tác với Hàn Quốc chính là các "cú hích" quan trọng. Vấn đề còn lại là Việt Nam có đủ quyết tâm và hành động đủ nhanh để nhân rộng, cải tiến và gắn kết các nỗ lực này vào một chiến lược quốc gia bài bản, kiên trì hay không.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt và yêu cầu phát triển bền vững, việc tái cấu trúc chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để ngành lúa gạo Việt Nam bứt phá và giữ vững vai trò là trụ cột chiến lược của nền kinh tế.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chuoi-gia-tri-lua-gao-viet-nam-co-hoi-tu-mo-hinh-han-quoc-thach-thuc-tu-noi-luc-1106457.html