Chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản
Tiếp tục chuỗi hoạt động tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản trong khuôn khổ tham dự chương trình Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản
Sáng 17/12, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên họp chính Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Phiên họp chính "Kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN-Nhật Bản" và "Tình hình thế giới và khu vực".
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo sẽ có cuộc ăn trưa làm việc "Đối tác từ trái tim đến trái tim qua các thế hệ" và "Đối tác đồng sáng tạo kinh tế và xã hội tương lai".
Sau 50 năm, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển toàn diện, năng động trên tất cả lĩnh vực: Chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. Nhật Bản tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác chính trị-an ninh khu vực; ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Hợp tác kinh tế đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản được triển khai qua nhiều cơ chế/khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP). Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 268,5 tỷ USD. Tổng FDI từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 26,7 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm trước đó.
Trước bối cảnh thế giới, khu vực có những thách thức, diễn biến mới khó lường; trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai bên và tiềm năng, cơ hội rộng mở, ASEAN và Nhật Bản đều mong muốn tăng cường hợp tác, liên kết nhằm ứng phó với những thách thức chung và cùng phát triển.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, là dịp để lãnh đạo cấp cao hai bên cùng kiểm điểm thành quả hợp tác, từ đó đề ra định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, xứng tầm với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-ASEAN, nhất là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, chiều 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Đây là cuộc hội đàm thứ 6 của Thủ tướng hai nước trong 2 năm qua và là lần thứ hai trong năm 2023.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc Nhật Bản tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida Fumio cảm ơn sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bày tỏ tin tưởng sự tham gia, đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thành công chung của hội nghị.
Trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả," hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến và nhất trí sẽ cùng phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để cụ thể hóa các nội dung tại Tuyên bố Chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới vừa được Lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua cuối tháng 11 vừa qua.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về việc cùng củng cố sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường niên qua các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời chào, lời thăm hỏi và lời mời sớm thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Nhà Vua và Hoàng Hậu, Thủ tướng Kishida Fumio và các lãnh đạo Nhật Bản; chuyển lời cảm ơn của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân về sự đón tiếp nồng hậu, thân tình và chu đáo của Hoàng gia, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản cuối tháng 11 vừa qua.
Hai Thủ tướng cũng khẳng định tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng thông qua triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
Hai Thủ tướng đánh giá cao những tiến triển tích cực trong nhiều dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước thời gian qua cũng như việc tổng giá trị vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2023 lần đầu vượt 100 tỷ yen kể từ năm 2017; khẳng định tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh kinh tế; nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của một số dự án kinh tế đang triển khai giữa hai nước, trong đó có dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ, cụm công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, y tế... tại Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may...; thúc đẩy thủ tục kiểm dịch để mở cửa thị trường đối với bưởi da xanh Việt Nam và nho Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản mong muốn hai nước cùng phát triển và đóng góp vào phát triển chung của khu vực; sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện thành công Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực Chuyển đổi Xanh, ứng phó biến đổi khí hậu... thông qua các dự án thiết thực.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải thông qua Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng "0" ở châu Á (AZEC) do Nhật Bản thành lập.
Đánh giá cao việc hai nước đã tổ chức hơn 500 hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ trong năm 2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý cấp chiến lược, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương và du lịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, nới lỏng và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định nguồn nhân lực của Việt Nam, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao và thực tập sinh kỹ năng, là không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản; bày tỏ vui mừng việc hai bên sẽ tổ chức kì thi tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định tại Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Nhật Bản tổ chức Hội nghị cấp cao Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng "0" châu Á (AZEC) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác ODA giữa hai nước gồm Công hàm trao đổi khoản vay lần thứ tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Bến Thành-Suối Tiên, Công hàm trao đổi dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS), và Công hàm trao đổi dự án Cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện K với tổng trị giá đạt khoảng 42,3 tỷ yen (gần 300 triệu USD).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản
Chiều 16/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản gồm Mitsui/MOECO, Idemitsu và IHW, qua đó thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan hai dự án đầu tư rất lớn là chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đồng thời thúc đẩy đầu tư các dự án mới.
Trước đó, trong cuộc hội đàm cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của một số dự án kinh tế đang triển khai giữa hai nước, trong đó có dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Mitsui (1947) là tập đoàn đầu tư kinh doanh và thương mại trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thiết bị, hóa chất, thực phẩm, dệt may và tài chính trên toàn thế giới. Năm 2022, Tập đoàn ghi nhận mức lợi nhuận đạt 8 tỷ USD, với hơn 46.000 nhân viên trên toàn cầu.
Công ty thăm dò dầu khí Mitsui (MOECO) là công ty con của Mitsui hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Đến nay, Công ty đã có hoạt động tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Oman, Vương Quốc Anh.
Tại Việt Nam, MOECO là thành viên liên doanh các nhà đầu tư Dự án Khí Lô B – Ô Môn (với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD). Khí tự nhiên từ Lô B sẽ cung cấp cho 4 nhà máy điện gồm Ô Môn I, II, III và IV trên 20 năm. Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng, ông Hidenori Harada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOECO cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ với dự án khí Lô B; cập nhật tình hình triển khai dự án (kể từ sau lễ ký kết và triển khai dự án vào cuối tháng 10/2023, 12/13 vấn đề còn vướng mắc đã được các bên thỏa thuận xử lý theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ); và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dự án, trong đó có việc sớm sửa đổi các quy định tại 3 thông tư của Bộ Công Thương.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của MOECO và các đối tác liên doanh trong việc triển khai thực hiện Dự án Khí Lô B - Ô Môn, đây là dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kéo dài hàng chục năm. Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi ngay các quy định liên quan còn vướng mắc.
Hoan nghênh các đề xuất của MOECO nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án Khí Lô B - Ô Môn, Thủ tướng đề nghị MOECO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành để hoàn thiện các thủ tục liên quan, sớm triển khai Dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đạt được mục tiêu cuối cùng của tất cả các bên, phải có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào năm 2026.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tăng cường, mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất thiết bị. Trong đó, quan tâm đến việc hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ với các đối tác Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Trong khi đó, Idemitsu (1911) là một tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản, đang sở hữu và vận hành 7 nhà máy lọc hóa dầu tại Nhật Bản, 6.100 trạm dịch vụ xăng dầu tại Nhật Bản, và 61 văn phòng đại diện, công ty tại nước ngoài. Tổng số nhân viên của Idemitsu là hơn 14.000 người, doanh thu năm 2022 đạt hơn 51,4 tỷ USD, tổng tài sản (tính đến năm 2022) là hơn 34 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Tập đoàn đã tham gia đầu tư phát triển dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng số vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD) cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Trong cuộc gặp Thủ tướng, ông Susumu Nibuya, Phó Chủ tịch Thường trực, Giám đốc điều hành Tập đoàn đã cập nhật tình hình hoạt động tại Việt Nam, nhất là xử lý những vấn đề liên quan Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trước đó, trong tháng 11/2023, Thủ tướng đã đi khảo sát, làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, yêu cầu các đối tác Việt Nam và Nhật Bản cần tiến hành tái cấu trúc tổng thể dự án (về nguồn vốn - lãi suất, quản trị - nhân sự và các yếu tố đầu vào như dầu thô, điện…) bởi vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua (nhất là năm 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao hoạt động đầu tư hiệu quả của Tập đoàn nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt là đã tham gia đầu tư nhiều dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn (cung cấp khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam, là biểu tượng của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản và Kuwait).
Đánh giá cao những nỗ lực của các đối tác liên doanh và những chuyển biến của dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian qua, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn và các đối tác tiếp tục tái cấu trúc dự án, nâng cao hiệu quả quản trị, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, cắt lỗ càng sớm càng tốt cho dự án.
Ông Susumu Nibuya khẳng định các bên liên quan sẽ nghiêm túc hơn nữa trong triển khai tái cấu trúc dự án này.
Tập đoàn y tế hàng đầu Nhật Bản muốn xây dựng bệnh viện tại Việt Nam
IHW (International Health and Welfare) là tập đoàn y tế hàng đầu Nhật Bản, hoạt động phi lợi nhuận, bao gồm đại học y khoa, các bệnh viện, các tổ chức phúc lợi trên toàn quốc.
Ông Takagi Kuninori, Chủ tịch Tập đoàn y tế IHW, chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của IHW, thông báo về các hoạt động hợp tác tại Việt Nam, nhất là đào tạo sinh viên ngành y, kế hoạch xây dựng bệnh viện khoảng 200 giường với công nghệ hiện đại tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định hợp tác y tế, đào tạo nguồn nhân lực y tế cũng là những nội dung ưu tiên trong việc thúc đẩy, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản vừa được thiết lập.
Thủ tướng đánh giá cao tình cảm và nỗ lực của ông Takagi Kuninori trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ Việt Nam đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trong những năm qua, nhất là các dự án hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 108 và các chương trình trao tặng học bổng y tế cho sinh viên…
Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn IHW có kế hoạch triển khai dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh tiêu chuẩn Nhật Bản, chất lượng cao tại Việt Nam, đây là hướng đi đúng. Phía Việt Nam ủng hộ về chủ trương và sẵn sàng tạo điều kiện cho dự án được triển khai thuận lợi, nhất là việc tìm địa điểm phù hợp, không nhất thiết phải ở trung tâm các thành phố lớn.
Thủ tướng đề nghị IHW tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho Việt Nam và tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam tại Đại học Y tế và Phúc lợi quốc tế thuộc IHW.
Đồng thời, IHW và các đối tác có thể tham gia, triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao về y học tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam./.