Chuỗi kim cương Ấn Độ chống lại chuỗi ngọc trai Trung Quốc

Ấn Độ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu tại châu Á, nhưng họ đồng thời là đối thủ truyền thống của nhau.

Ấn Độ và Trung Quốc đang có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng rất quyết liệt.

Gần đây ngày càng có nhiều tin tức về các cuộc xung đột khác nhau: Syria, Ukraine, Israel. Nhưng có những cuộc đối đầu không thu hút nhiều sự chú ý của báo chí và người dân bình thường, bởi vì không có sự xuất hiện của vũ khí mà chỉ được tiến hành bằng phương pháp kinh tế.

Một trong số đó là sự cạnh tranh địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đã thành công trong việc này, tạo ra một vùng ảnh hưởng liên tục xung quanh “hàng xóm đối thủ” của mình. Chiến lược này được Trung Quốc gọi là “chuỗi ngọc trai”.

Tuy nhiên giờ đây Ấn Độ đang cố gắng đáp trả bằng cách thực hiện kế hoạch tăng sức ép nghẹt thở với Trung Quốc về mặt kinh tế. Chiến lược này được gọi là “Chuỗi kim cương”, vậy cụ thể nó là gì?

Năm 2015, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Seychelles để xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Assumption, được dành riêng cho hạm đội Ấn Độ và sẽ trở thành bàn đạp cho các hoạt động của New Delhi ở châu Phi. Đặc biệt nhằm cạnh tranh với hiện diện của Trung Quốc ở Djibouti và Kenya.

Năm 2016, đến lượt Tehran ký thỏa thuận với New Delhi để xây dựng một cảng biển nước sâu, qua đó Ấn Độ sẽ có quyền tiếp cận hành lang vận tải Bắc - Nam.

Ngoài ra cùng với cảng Iran, Ấn Độ còn được đảm bảo quyền tiếp cận bến cảng quan trọng nhất của Oman là Duqm bằng cách ký một thỏa thuận tương ứng trong năm 2018.

Kết quả là sau khi có được chỗ đứng ở Bán đảo Ả Rập, New Delhi đã tăng đáng kể việc nhập khẩu hydrocarbon từ Vịnh Ba Tư. Thêm vào đó, cảng Duqm nằm gần eo biển Hormuz, cho phép Ấn Độ kiểm soát một phần eo biển này.

Cũng trong năm 2018, chính quyền New Delhi đã ký một thỏa thuận với Singapore, quốc gia Đông Nam Á cam kết cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Ấn Độ, bao gồm bổ sung đạn dược và tiếp nhiên liệu. Thỏa thuận này cho phép Ấn Độ tiếp cận các vùng biển xung quanh, ít nhất là gây áp lực tâm lý đối với Trung Quốc.

Đồng thời để củng cố vị thế của mình trong khu vực ASEAN, cùng năm đó, chính quyền Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận với Indonesia, nơi các tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ có thể đồn trú để thực hiện quyền kiểm soát eo biển Malacca.

Qua tuyến đường nói trên, khoảng 40% hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua, bao gồm cả dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Cuối cùng, cũng với mục đích tương tự, kể từ năm 2020, Ấn Độ đã quân sự hóa quần đảo Andaman và Nicobar nằm ở phía Bắc eo biển Malacca.

Theo các chuyên gia, bản chất của chiến lược này là Ấn Độ cố gắng triển khai càng nhiều lực lượng ở vùng ngoại vi càng tốt nhằm đảm bảo sẽ có vị thế vững chắc hơn trong cuộc xung đột với Trung Quốc nếu viễn cảnh này nổ ra trong tương lai.

Theo Reporter

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuoi-kim-cuong-an-do-chong-lai-chuoi-ngoc-trai-trung-quoc-post662574.html