Chuối Laba đơm hoa kết trái trên đất Xuân Trường
Một thân lập nghiệp nơi xứ người từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Trịnh - nông dân thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) đâu ngờ rằng lại gắn bó với mảnh đất này suốt gần 28 năm. Ở nơi anh chọn làm quê hương thứ hai này, từ những giọt mồ hôi anh Trịnh cho giống chuối Laba đơm hoa kết trái.
Chạy trên chiếc xe cũ kỹ, vượt qua những con đường dốc nhỏ dẫn lên đồi, anh nông dân Nguyễn Trịnh (sinh năm 1974) nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan đồi chuối Laba rộng xanh ngát và vườn cà phê đang sai trĩu quả của gia đình. Đây là thành quả suốt mấy chục năm anh nỗ lực làm việc.
Chia sẻ về hành trình của mình, anh Trịnh kể, năm 1993, anh rời quê hương Quảng Ngãi khi vừa tròn 19 tuổi, cùng với những bước chân xa xứ, anh tìm đến vùng đất Xuân Trường lập nghiệp. Lập thân chỉ từ hai bàn tay trắng, anh bắt đầu bằng những ngày tháng ai mướn gì làm đó, bán sức đổi công lấy đất. Cũng nhờ cần cù, chịu khó, chỉ hơn một năm sau, anh có được mảnh đất nhỏ trồng cà phê của riêng mình.
Về sau, diện tích đất của gia đình đã được mở rộng thêm 2 ha để trồng rau màu, nhưng giá cả lại bấp bênh. Trong một lần gặp bạn, tình cờ biết đến chuối Laba, thấy giống chuối có giá thành cao, cho sản lượng tốt, quả to đẹp, ngon ngọt, anh tò mò tìm hiểu về giống và phương thức, kỹ thuật trồng chuối Laba.
Sau khi tìm hiểu kỹ càng, anh quyết định mang giống chuối Laba về Xuân Trường canh tác. Ban đầu, anh dành 7 sào đất để trồng chuối, nhờ chăm sóc kỹ càng, chuối Laba đợt đầu của gia đình lên xanh tốt, cho trĩu quả, nhiều thương lái cũng tìm đến thu mua với giá cao. Với hiệu quả kinh tế mà chuối Laba mang lại, dần dà anh chuyển đổi toàn bộ cây rau màu sang trồng chuối. Nhờ sự quyết đoán và chăm chỉ, đến nay, gia đình anh Trịnh đã có hơn 3 ha chuối Laba được trồng theo hướng hữu cơ với hệ thống tưới tiêu tự động, hằng năm đều cho năng suất và thu nhập ổn định.
Anh Trịnh chia sẻ, kỹ thuật trồng chuối Laba không quá khó, chỉ cần giữ mật độ trồng, khoảng cách của cây và thường xuyên theo dõi độ ẩm, nước, phân bón đúng cách. Thổ nhưỡng và khí hậu của Xuân Trường lại phù hợp với giống cây này nên cho sản lượng cao. Với diện tích chuối của gia đình, mỗi năm sản lượng đạt hơn 80 tấn chuối. “Trong thời điểm dịch bệnh, chuối Laba nhà tôi vẫn được tiêu thụ ổn định với giá 6 nghìn đồng/kg. Nếu như không có dịch, giá chuối có khi được thương lái thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg”, anh Trịnh cho biết.
Ở địa phương, anh Trịnh được biết đến là người đầu tiên mang giống chuối Laba về trồng ở đất Xuân Trường, nhiều hộ gia đình về sau thấy chuối Laba cho hiệu quả kinh tế cao cũng đã chuyển đổi cây trồng. Anh Trịnh chia sẻ: “Chuối Laba đã bén rễ ở đây, mong muốn lớn nhất hiện tại của tôi là làm sao xây dựng được nhãn hiệu chuối Laba của Xuân Trường. Khi đó, chuối Laba ở đây mới có chỗ đứng vững vàng trên thị trường, khi có được thương hiệu nhiều người sẽ biết đến hơn, giá cả, đầu ra của chuối Laba Xuân Trường cũng ổn định hơn”.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, luôn biết tìm tòi, học hỏi và phấn đấu, từ hai bàn tay trắng, anh Trịnh nay đã gây dựng được tài sản của mình với hơn 2,7 ha cà phê xen canh cây hồng, bơ cho sản lượng ổn định 40 tấn cà phê mỗi năm cùng với hơn 3 ha chuối Laba cho năng suất cao. Thu nhập trung bình của gia đình anh, trừ tất cả chi phí đạt hơn 400 triệu đồng/năm.
Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi của địa phương, anh Trịnh còn được mọi người xung quanh tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Xuân Sơn. Dù bận rộn với việc nhà nông nhưng với tính cách nhanh nhẹn, vui vẻ của mình, anh luôn tích cực tham gia các công tác xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và hết lòng chăm lo cho hội viên nông dân. Nông dân nào không có điều kiện sản xuất, trồng trọt không hiệu quả là anh lại tận tình giúp đỡ, hướng dẫn kinh nghiệm trồng trọt, làm kinh tế của mình.
Nhắc đến anh Trịnh, ông Lê Thìn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn, anh Nguyễn Trịnh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao với tinh thần hăng hái, nhiệt tình. Đặc biệt, vừa qua, trong thời gian xã Xuân Trường thực hiện giãn cách xã hội, anh Trịnh đã tích cực cùng mọi người tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch. Trong sản xuất, làm kinh tế, có thể nói anh là người có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Cứ ở đâu có hội thảo hay tập huấn hướng dẫn trồng trọt, áp dụng khoa học - kỹ thuật và giới thiệu các loại cây trồng mới là anh đều có mặt, dù bận mấy cũng đều sắp xếp việc để tham gia.
Là người có chí tiến thủ, luôn muốn phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình bền vững, anh Trịnh cho biết bản thân còn dự định sắp tới sẽ đầu tư vào cây Đương quy, hiện tại anh cũng đã xuống một ít cây con để làm giống. “Cây Đương quy thích ứng tốt với khí hậu mát, ẩm của Xuân Trường, không yêu cầu kỹ thuật canh tác cao, loại cây này cũng có giá trị kinh tế nên tôi quyết định sẽ trồng cây Đương quy. Hy vọng, đây sẽ là một lựa chọn đúng đắn”, anh Trịnh chia sẻ thêm.