Chuỗi liên kết nông sản: 'Chìa khóa' giúp nông dân vượt dịch

Nông dân sẽ bớt khó khăn hơn khi sản phẩm được bao tiêu thông qua chuỗi liên kết. Ảnh: MINH DUYÊN

Dịch COVID-19 khiến đầu ra tiêu thụ nông sản của người dân gặp khó. Nhưng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, bà con vẫn yên tâm sản xuất vì đã được bao tiêu thông qua chuỗi liên kết.

Bức tranh hai sắc màu

Về phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa), nông dân ở đây đang nhấp nhổm vì cây đậu phộng chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ mà không thấy thương lái thu mua. Nguyên nhân do dịch COVID-19. Theo ông Dương Quang Nhơn, một người dân ở đây, gia đình ông có 7 sào đậu phộng. Mọi năm vào thời gian này, thương lái đã đặt trước từng ruộng, tới ngày thu hoạch gọi là họ đến ngay và thanh toán luôn. Năm nay đã thu hoạch mà chưa bán được cho ai, gọi mối quen họ cũng không tới. “Gần tháng nay, tôi chỉ biết bán lẻ cho bà con quanh xóm 5kg, 10kg về ăn dần”, ông Nhơn nói.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1, cho biết: Đậu phộng là cây chuyển đổi của địa phương. Hiện nay, toàn phường có khoảng 100 hộ trồng 29ha đậu phộng, nhiều nhất trong 3 năm qua. Năm trước, bà con chỉ trồng từ 17-19ha. Vụ đông xuân vừa rồi, bà con còn bán được trung bình 15.000 đồng/kg, cuối vụ được 22.000 đồng/kg. Vụ hè thu này, chật vật lắm người dân mới bán được 13.000 đồng/kg có thể lấy được vốn, nhưng thương lái không mua. Theo tôi, phải tới khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thương bình thường trở lại thì tình hình mới bớt khó khăn.

Cũng là cây đậu phộng, nhưng ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) khác hẳn. Người trồng ở đây không lo đầu ra vì đã được HTX thu mua hết. Bà Bùi Thị Lanh vui vẻ nói: Trồng bao nhiêu HTX cũng thu mua hết để làm nguyên liệu ép dầu đậu phộng đóng chai. Tôi vừa bán được cho HTX vừa mua được dầu ăn về dùng. Gần 2 tháng nay dịch COVID-19 bùng phát, cứ tưởng HTX đình trệ sản xuất vì tiêu thụ kém thì bà con thu hoạch bán cho ai, nhưng HTX cam kết thu mua hết nên rất yên tâm.

Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước, khẳng định: Bà con trồng đậu phộng ở các địa phương khác lo không tiêu thụ được vì dịch bệnh, còn ở Xuân Phước, người trồng yên tâm vì đã có HTX thu mua. Hiện nay, vùng nguyên liệu của HTX gần 30ha, mỗi năm sản xuất hơn 2.000 lít dầu.

Tăng kênh tiêu thụ nhờ có chuỗi

Cũng theo ông Nguyễn Dư, những năm trước, HTX không tự tin về vấn đề trên, nhưng từ năm 2020 khi sản phẩm dầu đậu phộng Xuân Phước được công nhận sản phẩm làng nghề OCOP và được hạng 3 sao cấp tỉnh thì HTX đủ năng lực khẳng định. Điều này đồng nghĩa với quy trình sản xuất, chế biến đã được hiện đại hóa bằng dây chuyền khép kín. Sản phẩm có nhãn hiệu độc quyền, mã vạch hàng hóa… và được quảng bá, xúc tiến thương mại. Thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, cái tên dầu đậu phộng Xuân Phước được nhiều người tiêu dùng biết đến, vượt qua phạm vi xã.

“Nhiều năm trước nông dân trồng đậu phộng ở xã cũng luôn gặp cảnh được mùa mất giá, hay thiên tai, dịch bệnh thương lái không thu mua là không biết tiêu thụ thế nào. Nghĩ lại, do thời gian trước phụ thuộc vào một mối nên bế tắc, giờ “rộng cửa” có thể chào hàng với siêu thị, các doanh nghiệp thực phẩm hoặc bán qua các kênh thương mại điện tử…”, ông Dư bày tỏ.

Với kinh nghiệm nhiều năm tiêu thụ lúa giống và gạo, ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), chia sẻ: Hoàn thiện chuỗi liên kết nông sản đồng nghĩa với quy trình sản xuất, chế biến đủ điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, mẫu mã sản phẩm được đăng ký độc quyền, có mã vạch, xuất xứ hàng hóa… đã tạo lòng tin cho khách hàng khi sử dụng. Đối tác tiêu thụ nhờ đó cũng mở rộng từ chợ xã, chợ huyện tới nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Hơn hết, HTX chủ động tìm đối tác tiêu thụ với nhiều hợp đồng lớn hơn. Khi ấy, diện tích sản xuất của bà con chính là vùng nguyên liệu cho HTX nên việc bao tiêu nông sản nằm trong tầm tay. Hiện nay, Nhà nước và chính quyền các cấp đang tạo điều kiện để các HTX xây dựng chuỗi liên kết nông sản, trong đó có hỗ trợ máy móc, làm mã vạch, mẫu mã bao bì và cả xúc tiến thương mại. Vì vậy, các HTX nên tận dụng tối đa ưu đãi này để xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản truyền thống địa phương, vừa giúp bà con ổn định sản xuất trong mọi điều kiện vừa giúp đơn vị phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, tỉnh định hướng phát triển sản phẩm theo chuỗi nhằm tạo ra sản phẩm chủ lực, có chất lượng giá trị kinh tế cao. Trong năm qua, nhiều cá nhân, HTX được hỗ trợ thiết bị, máy móc giúp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản, từng bước hoàn thiện chuỗi để sản phẩm đạt OCOP sao. Đây là con đường hiệu quả để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261072/chuoi-lien-ket-nong-san---chia-khoa--giup-nong-dan-vuot-dich.html