Chuỗi liên kết vùng ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc rất dễ 'đứt gãy'

là vấn đề mà doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách trăn trở tại Diễn đàn 'Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020 – 2030' do VCCI tổ chức chiều ngày 20/4.

Diễn đàn "Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020 – 2030" do VCCI tổ chức chiều nay (20/4).

Chia sẻ về những hạn chế khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại Diễn đàn chiều ngày 20/4, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch CTCP Phúc Sinh cho biết, năm 2018 đơn vị này đã tiên phong đầu tư nhà máy sản xuất cà phê Arabica đầu tiên ở Sơn La. Do Phúc Sinh có trụ sở tại TP HCM nên đi lại hơi tốn kém nhưng đó vẫn là chuyện nhỏ, vấn đề căng nhất ở đây là chuyện di chuyển hàng hóa đến cảng, thông quan, xuất ra thị trường quốc tế.

Với Phúc Sinh, chỉ có thể lựa chọn vận chuyển hàng từ kho hàng ở Sơn La xuống cảng Hải Phòng, chịu chi phí logistic thêm một quãng đường hơn 8h đồng hồ vận tải. Giá thành sản phẩm vì chi phí logistic cộng chi phí thời gian mà tăng lên.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng đã lên khảo sát và tìm hiểu về lợi thế vùng nguyên liệu cà phê danh tiếng, song sau cùng họ đều rút lui trong im lặng dù Tỉnh Sơn La đã nỗ lực xúc tiến, hỗ trợ đầu tư.

Theo ông Thông, nguyên do chỉ vì đi lại quá khó khăn, chuỗi cung ứng hàng hóa tính ở khâu thô sơ đầu tiên là vận chuyển rất dễ dàng đứt gãy. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các chủ thể kinh tế tại các địa phương vùng và liên vùng còn yếu, doanh nghiệp khó có thể tìm cơ hội xây chuỗi hoặc phát huy được các lợi thế từ giá trị liên kết tiềm năng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong các mảng nông, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu…

Với ngành du lịch cũng gặp nút thắt ở vấn đề liên kết, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng (Tổng cục Du lịch), trong thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều mối liên kết vùng. Những hoạt động liên kết này đã thể hiện qua một số nội dung như chương trình xúc tiến thương mại chung, tổ chức hội chợ trung tâm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn hạn chế trong việc liên kết vùng như về cơ chế liên kết, hiện nay sự liên kết giữa các tỉnh chủ yếu theo cam kết chứ không có một quy định cụ thể, trách nhiệm rõ ràng giữa các bên cũng như quyền lợi của các bên nên nó chỉ mang tính hình thức nhiều hơn. Thứ hai liên kết chung nhưng ít các hoạt động chung vì ngân sách của mỗi địa phương khác nhau, không có một quỹ chung cho các hoạt động chung.

Do đó mỗi địa phương chỉ có một khả năng khác nhau, tham gia liên kết với mức độ khác nhau, sự xúc tiến không đồng đều. Bên cạnh đó, khi tham gia các liên kết này, các địa phương không thấy rõ được hiệu quả kinh tế xã hội giữa các mối liên kết, nên các tỉnh vẫn chưa có sự mặn mà trong liên kết vùng phát triển du lịch.

Vấn đề là làm thế nào để các địa phương thấy rằng khi liên kết sẽ có ưu thế hơn rất nhiều so với chỉ là một mình, mới có thể thực hiện mục tiêu trên, bà Hương nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban, Ban kinh tế Trung ương cho rằng, để biến một "cô gái đang ngủ trở thành hoa hậu" một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường thu hút vốn đầu tư vào vùng thu hút các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này điểm cần chú trọng đầu tiên là thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển vùng và từng địa phương ở trong vùng với tư duy chủ đạo về vùng.

Thứ hai là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng.

Thứ ba là có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư ứng dụng học công nghệ đào tạo nguồn nhân lực, liên kết phát triển vùng. Đặc biệt là cơ chế thể chế điều tiết phát triển vùng và phát triển những ngành lĩnh vực vừa đảm bảo môi trường sinh thái vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính trong đó có nguồn lực đầu tư công nguồn lực đất đai nước và rừng.

Và cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh trong vùng thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cải cách thủ tục hành chính nâng cao vai trò phát triển của hội doanh nghiệp.

Theo VCCI, trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Là một trong 06 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, vì vậy rất cần sự định hướng sát sao hơn nữa của Đảng và Nhà nước cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khánh Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuoi-lien-ket-vung-o-cac-tinh-mien-nui-va-trung-du-phia-bac-rat-de-dut-gay-post129121.html