Chuỗi nhà hàng cơm bò Matsuya thử nghiệm công nghệ trồng lúa cạn

Nhà điều hành chuỗi nhà hàng Nhật Bản Matsuya Foods Holdings vừa khởi động một dự án thí điểm trồng lúa cạn, một phương pháp canh tác không cần ngập nước cho các cánh đồng.

Công ty đặt mục tiêu sử dụng loại gạo này tại các nhà hàng cơm bò gyudon Matsuya ngay trong năm 2026 và đang xem xét việc tự trồng lúa. Động thái này nhằm đảm bảo nguồn cung và chất lượng ổn định trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán ảnh hưởng đến năng suất, qua đó giảm 50% chi phí thu mua.

Nhật Bản có một nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh minh họa

Nhật Bản có một nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh minh họa

Matsuya đã hợp tác với công ty khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Newgreen và tập đoàn tài chính Fuyo General Lease trong dự án này. Trong tháng 3/2025, các đối tác đã gieo hạt trên khoảng 2 hecta đất nông nghiệp tại Kisarazu, tỉnh Chiba. Vụ mùa dự kiến sẽ được thu hoạch vào khoảng tháng 10/2025, với sản lượng ban đầu ước tính từ 8 đến 10 tấn, đủ cho 72.000 suất cơm bò gyudon cỡ tiêu chuẩn. Nếu năng suất và chất lượng đạt tiêu chuẩn, loại gạo này sẽ được đưa vào thực đơn của Matsuya bắt đầu từ vụ thu hoạch năm 2026.
Sau dự án thí điểm, Matsuya dự định sẽ bắt đầu tự trồng lúa quy mô lớn vào năm 2026. Kế hoạch ban đầu là canh tác 12 hecta cùng với Newgreen, và dự kiến mở rộng gấp 8 lần lên 100 hecta vào năm 2031. Đến thời điểm đó, sản lượng kỳ vọng là 540 tấn, tương đương gần 4 triệu suất cơm bò.

Trong bối cảnh giá gạo tăng vọt, chuỗi nhà hàng này tin rằng việc sản xuất nội bộ sẽ giúp cắt giảm khoảng 50% chi phí thu mua. Matsuya cũng có kế hoạch tận dụng các vùng đất nông nghiệp bỏ hoang hoặc bị nông dân nghỉ hưu không canh tác.

Dự án thí điểm này sử dụng nấm rễ cộng sinh (mycorrhizal fungi), loại nấm sống trong rễ cây lúa và giúp cây lúa hấp thụ nước hiệu quả hơn, từ đó cho phép gieo hạt trực tiếp trên ruộng khô mà không cần ngập nước. So với phương pháp trồng lúa nước truyền thống, công nghệ này có nhiều ưu điểm vượt trội như giảm đáng kể lượng nước sử dụng, giảm khối lượng công việc vận hành (như quản lý nước) khoảng 70% và không cần đến máy móc gieo mạ và nhà kính ươm mạ, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu khoảng 60%. Từ trước đến nay, Matsuya chủ yếu mua gạo nội địa thông qua các nhà bán buôn. Công ty chưa từng sở hữu đất nông nghiệp hay ký hợp đồng trực tiếp với nông dân. Để đối phó với giá gạo tăng, hãng đã bắt đầu pha trộn gạo nội địa và gạo nhập khẩu. Hiện tại, Matsuya đang xem xét các hợp đồng thường niên với nông dân, cũng như cung cấp phương pháp trồng lúa mới này cho họ theo dạng nhượng quyền. Trên thị trường cơm bò Nhật Bản, các đối thủ lớn khác của Matsuya đã đi trước trong việc tự chủ nguồn cung gạo. Zensho Holdings, công ty mẹ của chuỗi Sukiya, đảm bảo 100% nguồn cung gạo nội địa thông qua công ty con Zensho Rice, hoạt động chủ yếu qua các hợp đồng bao tiêu với nông dân. Yoshinoya Farm Fukushima, một đơn vị thuộc tập đoàn Yoshinoya Holdings, sở hữu trang trại lúa rộng 50 hecta tại Shirakawa, tỉnh Fukushima. Tập đoàn này cũng có kế hoạch ký thêm hợp đồng với nông dân thông qua công ty nông nghiệp Agri Yoshinoya IS, tại phường Chuo của Tokyo. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, các hợp đồng ký trước, mà người mua và người trồng thỏa thuận sản lượng trước khi gieo trồng, chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo thu mua cho vụ mùa 2024. Tuy nhiên, các hợp đồng với nhà cung cấp bữa ăn liền và chuỗi nhà hàng chỉ chiếm 1% trong tổng số. Mặc dù phân khúc này chiếm tới 30% nhu cầu tiêu thụ gạo của Nhật Bản, nông dân thường ưu tiên bán cho thị trường tiêu dùng hộ gia đình vì có giá cao hơn, tạo ra sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu, một trong những lý do chính thúc đẩy các chuỗi nhà hàng như Matsuya phải tự tìm hướng đi.

Minh Hằng/Bnews.vn/Vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuoi-nha-hang-com-bo-matsuya-thu-nghiem-cong-nghe-trong-lua-can/381641.html