'Chuối tiến vua' Đạ K'Nàng - cung không đủ cầu

Mạnh dạn chuyển đổi hàng loạt diện tích cà phê và các diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang chuyên canh giống chuối Laba (còn gọi là 'chuối tiến vua'), nhiều nông hộ ở vùng xa Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông đã thay đổi cuộc sống thu nhập của mình ngày càng khấm khá đi lên.

Đáng nói hơn so với thị trường xuất khẩu đang rộng mở sang nước Nhật thì nguồn cung “chuối tiến vua” từ vùng xa Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông và các vùng lân cận hiện vẫn chưa thể đáp ứng khối lượng lớn hàng ngày theo nhu cầu đặt hàng của đối tác.

HTX Laba Banana Đạ K’Nàng ổn định công việc sơ chế, đóng gói “chuối tiến vua” xuất khẩu cho hàng chục lao động địa phương.

HTX Laba Banana Đạ K’Nàng ổn định công việc sơ chế, đóng gói “chuối tiến vua” xuất khẩu cho hàng chục lao động địa phương.

“Chuối tiến vua” thu nhập vượt trội so với cà phê

Giữa tháng 2/2020, đến thăm vườn “chuối tiến vua” 2 ha của anh Võ Văn Huy (45 tuổi) ở khu vực Di Linh, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, phóng viên ghi nhận những kết quả khả quan. Mới hơn một năm chuyển đổi từ cây cà phê, vườn chuối anh Huy đã bước vào thu hoạch vụ đầu tiên với doanh thu vượt trội. Anh Huy phấn khởi: “Hơn mười năm trước, gia đình chúng tôi từ huyện Di Linh lên xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông lập vườn trồng cà phê trên 2 ha. Nếu hàng năm tích cực đầu tư chăm sóc thì năng suất có thể đạt đến 3 - 4 tấn nhân/ha. Do giá cà phê liên tục nhiều năm qua vẫn còn thấp và bấp bênh, nên gia đình sau thời gian suy nghĩ đã quyết định chuyển đổi hết để trồng chuối Laba…”. Theo đó, trước khi chuyển đổi trồng “chuối tiến vua”, hộ gia đình anh Huy đã nắm chắc thị trường bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra là HTX Laba Banana Đạ K’Nàng (tọa lạc tại thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng). Trong đó hợp đồng hai bên được ký kết với giá ổn định, hạch toán làm các phép tính đơn giản, anh Huy đã biết trước lợi nhuận trồng “chuối tiến vua” thu hoạch vụ đầu của mình đã tăng khá nhiều lần so với cây cà phê mười năm tuổi. Kết quả mới hơn hai tuần đầu tháng 2/2020, anh Huy đã thu hoạch hơn 4 tấn “chuối tiến vua”, được HTX Laba Banana Đạ K’Nàng thu mua nhanh với giá 5.500 đồng/kg theo thỏa thuận trước. Dự báo tổng sản lượng “chuối tiến vua” năm 2020 của gia đình Huy đạt 50 - 60 tấn/ha.

Nếu đi từ nhà xưởng của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đến vườn chuối của hộ gia đình anh Huy khoảng hơn 1 km thì khoảng cách này đối với hộ chị Kon Sơ Ka Hương (45 tuổi, dân tộc Chil) là 3 km. Cả 2 khu vườn ở đây đều được xe cơ giới của HTX đến nơi thu hoạch, vận chuyển ngay ra nơi sơ chế, đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ trong ngày. Chị Hương chia sẻ: “Trên khu vườn 1ha cà phê trồng hơn 20 năm, hộ gia đình tôi xen canh 1.000 cây chuối Laba, mới thu ban đầu hơn 3 tấn bán tại vườn cho HTX Laba Banana Đạ K’Nàng chất lên xe bốn bánh chở đi với giá 5.500 đồng/kg. Chuối Laba cùng trồng chung với cây cà tím, ớt cay, bán được thấy nhiều tiền hơn cây cà phê. Nên cuối năm 2019 vừa rồi, nhà tôi thu xong 4 tấn nhân trên 1 ha cà phê là tiếp tục chuyển đổi hết để trồng chuối Laba đó…”.

Với hộ chị Đặng Thị Phương (33 tuổi, dân tộc Dao) cho biết khi mới bắt đầu chuyển đổi 5.000 m2 cà phê để xuống giống trồng chuối Laba thì đã có người phụ trách kỹ thuật của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng trực tiếp xuống nơi chỉ cách làm. Rồi đến công đoạn tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao phủ buồng chuối để ngăn côn trùng xâm nhập, cắt buồng chuối xuống thu hoạch …cũng đều có kỹ thuật viên của HTX này đi bên cạnh hướng dẫn. “Mình cần có một diện tích đất sản xuất chuối Laba và ngày công lao động thôi. Tất cả từ nguồn giống, kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm đều được HTX Laba Banana Đạ K’Nàng lo hết. Thu hoạch đến đâu thì HTX trả tiền đến đó. Giá ổn định trong 3 năm liên tục với 5.500 đồng/kg là cao hơn nhiều lần giá thị trường các loại chuối lùn bình thường…”, chị Phương nói thêm.

Nhu cầu 1.000ha trồng “chuối tiến vua”

Phóng viên trở lại khu nhà xưởng diện tích khoảng 3.500 m2 của HTX tại thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông với công suất sơ chế, đóng gói xuất khẩu 5 tấn mỗi ngày sang nước Nhật. Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng điều hành tại nhà xưởng cho biết, các vườn “chuối tiến vua” nguyên liệu của 3 hộ anh Huy, chị Hương, chị Phương nói trên thuộc 40 hộ đang liên kết sản xuất với 50 ha đang thu hoạch. Và hiện còn 150 ha đang giai đoạn đầu sinh trưởng, dự kiến thời điểm vào đầu mùa thu hoạch lần lượt vào những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 cũng thuộc xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông và các xã Phú Sơn, Tân Hà, huyện Lâm Hà.

“Tất cả 200 ha diện tích “chuối tiến vua” liên kết sản xuất với HTX chúng tôi đều thực hành theo quy trình VietGAP. Hiện đối tác từ nước Nhật đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng gắn chip kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển các “lệnh” canh tác chuối của HTX hàng ngày theo hướng GlobalGAP, nhằm đảm bảo sản lượng chuối chất lượng cao trong năm 2021 mỗi ngày xuất khẩu sang Nhật đạt từ 15 tấn đến 20 tấn… ”, Giám đốc Nguyễn Huy Phương cho biết.

Cũng theo Giám đốc Phương, tiềm năng xuất khẩu “chuối tiến vua” của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng giai đoạn từ năm 2025 trở đi phải đạt công suất từ 70 - 75 tấn mỗi ngày, tương ứng với vùng nguyên liệu cần xây dựng ổn định lên 1.000 ha. Để đạt mục tiêu khá lớn này, ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan trong tỉnh Lâm Đồng sớm quan tâm đến việc quy hoạch, xác định những vùng sinh thái phù hợp với cây “chuối tiến vua” giúp nông dân yên tâm đầu tư chuyển đổi lâu dài…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202002/chuoi-tien-vua-da-knang-cung-khong-du-cau-2990255/