'Chuối tiến vua' phiêu lưu cùng con chíp đến xứ hoa anh đào
Mấy ngày nay, Chủ nhiệm HTX chuối Laba Banana Đạ K'Nàng (Lâm Đồng) và một số hộ nông dân đứng ngồi không yên vì lo lắng việc vận chuyển quả chuối đến Nhật Bản bị gián đoạn do dịch Covid-19. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu duy nhất của giống chuối Laba, còn được gọi là 'chuối tiến vua', của vùng xa Đạ K'Nàng này. Các hộ nông dân nơi đây vừa mới đón nhận 'vị ngọt' quả chuối mang lại được hơn một tháng nay sau hơn 3 năm xoay xở khởi nghiệp.
Nhờ vào việc mạnh dạn chuyển đổi hàng loạt diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang chuyên canh giống chuối Laba (còn gọi là “chuối tiến vua”), nhiều nông hộ ở vùng xa Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã thay đổi cuộc sống, thu nhập của mình ngày càng khấm khá đi lên.
Nói về chuyện khởi nghiệp với cây chuối, anh Nguyễn Huy Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng, bùi ngùi nhớ lại đây là một quyết định táo bạo và rất chông gai mà vợ chồng anh đã mạo hiểm. Trước thời điểm chuyển sang trồng cây chuối từ cuối năm 2017, gia đình anh Phương có thâm niên 15 năm sống dựa hoàn toàn vào rẫy cà phê rộng 2 héc ta.
Thế nhưng, hạt cà phê những năm sau này liên tục rớt giá mà cứ mỗi mùa vụ thu hoạch lại không đủ chi phí tiền vốn trồng trọt và công sức bỏ ra chăm sóc. Dựa mãi vào cây cà phê không đủ sống, vợ chồng anh thử chuyển sang trồng rau trên một diện tích nhỏ, nhưng kết quả mang lại cũng không hơn cây cà phê.
“Giữa lúc tận cùng của khó khăn và gần như bị bế tắc trong suy nghĩ không biết phải trồng cây gì để sống thì lại nhìn thấy hướng đi mới ngay trước mặt mình”, anh Phương chia sẻ. Anh kể lại: nhìn thấy một số bụi chuối trồng thêm xen kẻ giữa cây cà phê cho trái chín tới, vợ chồng anh hái ra chợ bán và được giá cao, khoảng 4.000 - 5000 đồng/kg. Nhẫm tính, vợ chồng anh thấy quả chuối được giá hơn hạt cà phê, về nếu mỗi bụi chuối cho quả khoảng 15-20kg với giá thành khoảng 3.000 đồng/kg thì thành quả sẽ cao gấp đôi thu nhập từ trồng cà phê trong cùng một diện tích đất trồng.
Nhận thấy những bụi chuối trong rẫy cà phê không được chăm sóc mà vẫn cho trái tốt, lúc này vợ chồng anh Phương chỉ còn lo tìm giống chuối cho trái đẹp và hiệu quả kinh tế cao. Và xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông vùng cao nguyên tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn thích hợp với giống chuối Laba sau gần 3 tháng trồng thử 15 cây với hiệu quả cao bất ngờ. Thế là từ đây, vợ chồng anh Phương quyết định san bằng toàn bộ rẫy cây cà phê đã bắt đầu đậu trái để chuyển sang trồng chuối Laba.
“Cũng nuối tiếc lắm vì khi đó những gốc cà phê chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là có thể thu hoạch trái, nhưng cứ nghĩ đến việc tiếp tục đổ tiền và công sức vào chăm sóc mà đến khi thu hoạch, hạt cà phê rớt giá thì lại nản lòng”, anh Phương chia sẻ. Từ đó vợ chồng anh không còn quyến luyến với cây cà phê nữa. Không những thế, anh còn thuyết phục người nhà chuyển sang trồng chuối Laba, nâng tổng diện tích chuối cả gia đình anh và người thân khi đó lên thành 5 héc ta với số lượng 10.000 cây.
Với ưu điểm nhanh cho thu hoạch sau 1 năm trồng, chuối Laba là biện pháp để anh Phương “lấy ngắn nuôi dài”, phát triển nông nghiệp bền vững. Tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ dàng khi trồng chuối Laba thành sản phẩm chất lượng cao. Thời gian một gốc chuối từ lúc trồng tới ra buồng khoảng 8 tháng, từ lúc ra buồng đến thu hoạch khoảng 4 tháng nữa, là có thể thu chính vụ. Vì vậy, ở các giai đoạn của chuối, phải rất chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước… đảm bảo đúng thời điểm để chuối phát triển và đạt chất lượng tốt nhất.
Chị Võ Thị Thu, vợ anh Phương và là Phó Chủ nhiệm HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng, chia sẻ thêm: “Khí hậu mát mẻ, đất nhiều dinh dưỡng nên chuối phát triển nhanh và cho trái nhiều, trái to. Đầu tư trồng một bụi có thể thu hoạch nhiều vụ”.
Tuy nhiên, đầu ra của chuối là cả một vấn đề nan giải. Theo chị Thu, khi lứa chuối đầu tiên sắp và bắt đầu được thu hoạch, chị cùng những người thân trong gia đình phải mang nông sản đến khắp các khu chợ, vựa thu mua trái cây để chào hàng. Chị còn lên mạng internet giới thiệu loại chuối đặc sản vùng quê có hương vị thơm ngon,... Tuy nhiên, cùng thời điểm đó thông tin chuối già hương của người dân tỉnh Đồng Nai và Bình Phước không có đầu ra, giá rẻ xuống chỉ còn 1.000-đồng/kg nên nhiều nông dân đem về cho dê, bò ăn,... làm cho cả gia đình chị cũng mất ngủ theo.
Dù bị ảnh hưởng theo, nhưng chuối Laba có hình dáng đẹp (thon dài và hơi cong), thịt chuối màu vàng sánh, dẻo và có hương thơm đặc trưng, từng được cung tiến cho vua triều Nguyễn nên còn có tên là chuối “Tiến vua” vẫn được giá hơn chuối Đồng Nai.
Thị trường lúc bấy giờ có phần bấp bênh, giá bán chưa cao nhưng so với cà phê thì gia đình anh chị vẫn có được nguồn thu nhập khá hơn. Dù vậy, khi tới mùa thu hoạch, vẫn còn tình trạng chuối chín rụng mà không có người mua ổn định.
Vào giữa năm 2018, thông qua một công ty thương mại ở TPHCM, lô chuối Laba đầu tiên ở Đạ K’Nàng có cơ hội được xuất sang thị trường Nhật Bản. Phát hiện container chuối của Đạ K’Nàng có nhiều khác biệt về chất lượng, hương vị thơm ngon hơn và khá phù hợp với khẩu vị người Nhật, phía đối tác Nhật - Công ty Kurume - đã cho nhân viên tìm đến vườn của vợ chồng anh Phương để khảo sát.
“Cũng là cơ duyên, may sao phía Công ty Kurume tìm chuối trồng có độ cao cách mặt nước biển khoảng 1.000 mét, đúng với vùng đất mà chúng tôi đang canh tác”, chị Thu chia sẻ, và cho biết: “Có lẽ Laba đúng là loại chuối mà thị trường Nhật cần, và khí hậu ở Đạ K’Nàng rất khác so với các vùng mà họ từng khảo sát, nên từ đó đối tác Nhật thường xuyên cho các chuyên gia kỹ thuật qua khảo sát vườn chuối của chúng tôi và mong muốn hợp tác lâu dài với số lượng cần mua lớn”.
Để đáp ứng được đơn hàng lớn của phía đối tác Nhật, vào tháng 10-2018 vợ chồng anh Phương thành lập HTX Laba Banana Đạ K’Nàng với 7 hộ nông dân địa phương tham gia chuyển đổi khoảng 30 héc ta cây cà phê già cỗi sang trồng chuối Laba. Ở thời điểm thành lập HTX nhiều nông hộ cũng chưa có niềm tin vào chuối Laba nên lúc khởi lập HTX, các xã viên toàn là những người thân là anh chị em của anh Phương và chị Thu đã chuyển đổi đất rẫy cà phê sang chồng cây chuối. Tiếp sau đó, HTX vận động những hộ có đất sình lầy trống và anh em, người thân làm sau khi thu hoạch thấy lợi nhuận cao, bà con nông dân từ đó mở rộng thêm diện tích trồng chuối.
Vào những ngày sau Tết nguyên đán đến nay, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đều đặn mỗi ngày xuất qua thị trường Nhật Bản khoảng 5 tấn chuối. Theo anh Phương, đây là hợp đồng được HTX ký trực tiếp với đối tác Nhật Bản nói trên ở Tokyo với thời gian thực hiện kéo dài 5 năm. Theo đó, mỗi ngày Đạ K’Nàng sẽ thu hoạch, sơ chế, đóng gói rồi cho xuất sang thị trường Nhật.
Tuy nhiên để có thể mang trái chuối qua thị trường khó tính xứ mặt trời mọc, 18 tháng qua, đều đặn mỗi tháng các chuyên gia kỹ thuật của nước này đều đến tận vườn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây. Chủ nhiệm HTX cho biết đối tác Nhật có những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cho phép sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và phải đảm bảo thời gian phun cách ly để thuốc phân giải hết trước khi thu hoạch. Về hình thức, vỏ phải trơn láng, trọng lượng quả vừa phải…, do đó phải thực hiện kỹ thuật bao buồng chuối trong vườn bằng túi nylon để tránh bị côn trùng chích hoặc bị sém nắng làm nám da,...
Một điểm đáng chú ý, là việc gắn con chíp điện tử vào mỗi bụi chuối để theo dõi “sức khỏe” và độ tăng trưởng của cây do phía đối tác Nhật đề xuất cũng làm anh Phương và các nông hộ của HTX ngỡ ngàng. Bởi lẽ ở vùng nông thôn cao nguyên có bao giờ nghe và chạm đến những công nghệ này. Thế mà cuối cùng ở mỗi gốc chuối, chủ vườn đã lắp đặt chíp điện tử sau đó kết nối với điện thoại để nắm bắt các thông số về quy trình sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm. Theo anh Phương, việc lắp đặt con chíp điện tử ở vườn chuối này để đối tác Nhật Bản theo dõi, nắm bắt thông tin về sản xuất lẫn chất lượng nông sản. Tại mỗi gốc cây, chíp điện tử được gắn trên đầu ống nhựa và có mã số riêng. Hệ thống này truyền tín hiệu đến phần mềm trong điện thoại di động của chủ vườn lẫn đối tác.
“Đây là hệ thống rất hiện đại, giúp đối tác truy xuất nhanh nguồn gốc. Dựa vào các thông tin từ chíp gửi về, họ có thể biết được cây nào phát triển tốt, cây nào phát triển kém để yêu cầu chủ vườn đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp, đảm bảo chất lượng cho đơn hàng”, anh Phương chia sẻ và cho biết chi phí lắp đặt chíp điện tử khoảng 20 triệu đồng/héc ta. Phía đối tác Nhật tài trợ chíp điện tử này cho diện tích trồng lên đến 50 héc ta.
Tương tự, ở phần thu hoạch, trái chuối sao cho vỏ không bị dập và trầy xước. Buồng chuối được treo cao, rửa sạch, tẻ nhánh, tách quả, hong khô (bằng quạt gió) rồi đóng gói theo quy cách và trọng lượng mà đối tác yêu cầu. Khâu cuối cùng là dán nhãn, đóng thùng rồi vận chuyển bằng xe lạnh xuống TPHCM để xuất khẩu.
Hiện sau khi thu hoạch, chuối được chuyển đến kho sơ chế của HTX để tuyển lựa, rửa sạch và đóng gói. Tại đây, chuối được phân nhỏ thành các chùm 3-5 trái với trọng lượng từ 0,6-0,7kg rồi cho vào các túi nylon để hút chân không và đóng vào thùng lớn chuyển cho đối tác. Ngoài việc vận chuyển bằng đường thủy mất từ 10-15 ngày, quả chuối đến xứ mặt trời mọc vẫn phải đảm bảo độ tươi ngon trong vòng 1 tháng ở điều kiện 13-17 độ C. Từ đó chuối Laba được phân phối rộng khắp ở các siêu thị xứ hoa anh đào.
Lãnh đạo của HTX cho biết giá thu mua của đối tác Nhật hiện đáp ứng được sự kỳ vọng của ông lẫn người trồng chuối. Để phát triển 1 héc ta chuối Laba, nông dân bỏ nguồn vốn khoảng 100-150 triệu đồng cho chi phí giống, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Mỗi bụi có nhiều cây con nên có thể duy trì vườn trong khoảng 3 năm. Chị Thu chia sẻ: trung bình, mỗi năm, một héc ta chuối cho thu hoạch 80-120 tấn trái. Với giá 8.000-9.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn có thể lãi hàng trăm triệu đồng/vụ. Với hợp đồng kéo dài 5 năm, phía đối tác Nhật còn cam kết giá thu mua về sau ít nhất là bằng mức hiện tại chứ không thấp hơn.
Theo anh Phương, hiện HTX đang liên kết với 40 nông hộ trong và ngoài xã sản xuất chuối với diện tích 165 ha. Tại vườn, ngoài mỗi bụi chuối được gắn hệ thống chip điện tử để đối tác Nhật Bản nắm bắt thông tin về quy trình sản xuất; các mô hình sản xuất tại HTX còn được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và thời gian tới sẽ chuyển sang quy trình GlobalGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhu cầu của phía đối tác Nhật Bản cần nhiều hơn, nhưng do quy mô của HTX hiện nay chỉ đáp ứng được trên dưới 5 tấn/ngày. Theo kế hoạch, đơn hàng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng thêm lên khoảng 20% vào giữa năm nay. Và dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên để đạt 15 tấn/ngày thời gian tới.
“Đối tác Nhật Bản yêu cầu chúng tôi mở rộng vùng sản xuất lên 1.000 héc ta và HTX đang lên phương án thực hiện. Trước mắt, chúng tôi sẽ phát triển lên 300 héc ta và đầu tư, mở rộng cơ sở sơ chế, kho lạnh để bảo quản sản phẩm”, anh Phương chia sẻ.
Chuối Laba của huyện Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng trước giờ đã có thương hiệu và chất lượng đã được kiểm chứng. Trải qua một thời gian gián đoạn, mai một, việc một thị trường mới và rộng như Nhật Bản tìm đến đã mở ra hướng cho HTX giữ thế mạnh của địa phương, xây dựng lại thương hiệu, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững bằng chính cây chuối.
Nhờ trồng chuối Laba xuất sang Nhật Bản mà nhiều hộ dân ở đây có nguồn thu nhập ổn định, và khả giả hơn trồng cà phê. Có gia đình thu nhập 500 – 600 triệu đồng/héc ta/năm. Đây cũng là mô hình liên kết giữa HTX với các hộ dân ở xã Đạ K’Nàng nhằm mở rộng vùng nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu chuối Laba sang Nhật.
Dù vậy, trận dịch do Covid-19 từ Trung Quốc đang lan rộng khắp thế giới, trong đó có cả Nhật Bản đang khiến lãnh đạo HTX và các nông hộ lo lắng vì thị trường xuất khẩu này của HTX chẳng may sẽ bị gián đoạn về đường vận chuyển.