Chương Mỹ: Đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân

Với quan điểm 'An toàn người dân là trên hết', thực hiện phương châm '4 tại chỗ', huyện Chương Mỹ tiếp tục huy động lực lượng đắp đê ngăn lũ, chăm lo đời sống cho người dân ở nơi sơ tán, phân luồng đảm bảo giao thông, hạn chế phương tiện qua khu vực ngập úng…

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi Chương Mỹ đã tạm thời dừng bơm nước đổ ra Sông Bùi và Sông Tích để giảm tải lũ trên các sông. Tuy nhiên, tình trạng úng ngập trên nhiều xứ đồng vẫn còn tiếp diễn và cải thiện rất chậm.

Bác sĩ thăm, khám, chăm sóc sức khỏe người dân ở nơi sơ tán.

Bác sĩ thăm, khám, chăm sóc sức khỏe người dân ở nơi sơ tán.

Trước tình hình nước sông dâng cao, cộng thêm tình trạng úng ngập, với quan điểm “An toàn người dân là trên hết” và phương châm “4 tại chỗ”, Huyện đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Trong đó, huyện đã huy động tổng lực cùng các xã, thị trấn miền Bùi, miền Đáy, miền 6 của huyện đắp đê ngăn lũ, gia cố các điểm đê xung yếu, kiên quyết thực hiện sơ tán người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và di chuyển tài sản tại khu vực có địa hình trũng thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Các điểm sơ tán đã được hoạch định sẵn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân.

Chương Mỹ cũng có các phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở những vùng đã bị ảnh hưởng và có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; phương án đảm bảo an ninh chính trị, an toàn về điện; phương án phân luồng đảm bảo giao thông, hạn chế phương tiện qua khu vực ngập úng… đều được triển khai thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Toàn xã đã vận động được 687 hộ với 3.228 nhân khẩu di dời đến nơi an toàn. Các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình yên tâm ở tại các điểm sơ tán do địa phương bố trí, giữ gìn sức khỏe để cùng với các cấp ủy, chính quyền từng bước khắc phục hậu quả của bão lũ.

Cùng chịu ảnh hưởng của lũ trên sông Bùi, xã Hoàng Văn Thụ đã sơ tán 62 hộ với 282 nhân khẩu; Mỹ Lương sơ tán hơn 90 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu; Hữu Văn di dời 253 hộ với trên 1.300 nhân khẩu đến nơi an toàn; qua điều tra rà soát xã Quảng Bị có khoảng 200 hộ dân nằm trong vùng ngập úng.

Xã đã chủ động xây dựng phương án ứng phó và tuyên truyền vận động, huy động các lực lượng xung kích giúp các hộ dân bị ngập úng phải di dời khỏi nơi ở và di dời tại chỗ, từ thấp lên cao, từ tầng 1 lên tầng 2 để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho các hộ dân khi nước dâng cao. Cùng đó xã đã huy động hơn 500 người là lực lượng tại chỗ của xã và đông đảo nhân dân tập trung ra quân đắp xong hơn 1.000m đê chống tràn, quyết tâm bảo vệ hơn 400 ha lúa và cây màu của xã chuẩn bị cho thu hoạch.

Chịu ảnh hưởng của lũ trên sông Đáy, trên địa bàn xã Lam Điền hiện có 3 cầu bắc qua sông đã bị ngập. Xã đã chủ động thực hiện phương án đảm bảo an toàn, đảm bảo đời sống cho 131 hộ dân, 675 nhân khẩu ở xóm Chùa. Trong đó có 3 hộ dân bị ngập đã sơ tán lên khu nhà cao hơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lam Điền - ông Đặng Văn Hùng cho biết.

Lực lượng chức năng huyện cùng các xã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ cùng nhân dân đắp đê ngăn nước lũ.

Lực lượng chức năng huyện cùng các xã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ cùng nhân dân đắp đê ngăn nước lũ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Diệu Đào Danh Dũng: Để bảo vệ lúa và hoa màu cho nhân dân, trong 2 ngày 10 và 11/9, xã đã huy động lực lượng đắp chặn 2 điểm nước từ sông chảy ngược vào địa bàn khu dân cư thôn Bài Trượng và trạm bơm Ba Ngụ, thôn Làng Hạ.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền huyện Chương Mỹ đã chú trọng tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong khu vực cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết và chuẩn bị kỹ càng trước khi mưa lũ xảy ra. Đối với những hộ sống tại vùng có nguy cơ ngập lụt, người dân được khuyến nghị chuẩn bị sẵn thuyền, phao cứu sinh và các vật nổi để phòng tránh trong trường hợp lũ dâng cao.

Người dân cũng cần dự trữ đủ nước uống, lương thực và thực phẩm dùng cho ít nhất 7 ngày để sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khi chờ nước rút.

Trong thời gian mưa lũ, người dân được yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh. Khi có cảnh báo về lũ quét, lũ ống hay sạt lở đất, cần nhanh chóng di chuyển khỏi các khu vực nguy hiểm, không tiếp cận những nơi bị ngập lụt hoặc các vùng nước chảy xiết. Những hành vi nguy hiểm như: Đi bộ, bơi lội, đánh cá hay di chuyển qua vùng lũ cần tuyệt đối tránh xa để bảo đảm an toàn.

Cùng với khuyến cáo nêu trên, huyện cũng đưa ra các cảnh bảo an toàn sử dụng điện; kỹ năng phòng, chống đuối nước; kỹ năng phòng, chống sét… để người dân hiểu và thực hiện khi có mưa bão, lũ và ngập úng.

Mặc dù tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự đồng lòng, đoàn kết của người dân và các lực lượng chức năng, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ đang được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Minh Khuê - Lan Oanh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuong-my-dong-bo-cac-bien-phap-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lu-bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan-177345.html