Chương Thị Kiều: 'Khổ quen rồi nhưng phải cố vì gia đình'

Rời nhà từ năm 12 tuổi lên TP HCM đá bóng, Chương Thị Kiều siêng năng tập luyện, nỗ lực từng ngày vì đây là con đường duy nhất giúp cuộc sống của cô và gia đình tốt hơn.

Chương Thị Kiều, sinh năm 1995, lên tuyển quốc gia từ năm 16 tuổi, nhiều lần giành HC vàng SEA Games hay chức vô địch Đông Nam Á nhưng cho đến cuối năm nay, trung vệ của CLB TP HCM 1 mới được người hâm mộ biết đến nhiều. Hình ảnh cô gái cao lớn với một bên đùi rướm máu vẫn nỗ lực chơi hết 120 phút trận chung kết gặp Thái Lan để lại ấn tượng mạnh với người hâm mộ, bên cạnh những nữ tuyển thủ kiên cường khác của đội tuyển Việt Nam.

Trở về sau thành công ở Philippines, Chương Thị Kiều cảm nhận rõ sự quan tâm của người hâm mộ so với trước đây. Dù đi lại khó khăn vì ảnh hưởng của chấn thương, cô gái quê Kiên Giang vẫn dành thời gian chia sẻ với Ngoisao.net, đáp lại tình cảm người hâm mộ đã dành cho cô và đội tuyển nữ Việt Nam.

Chương Thị Kiều nén đau đá trận chung kết SEA Games 30. Ảnh: Lâm Thỏa.

- Chấn thương chị gặp phải trong trận chung kết SEA Games đến nay thế nào rồi?

- Không đáng ngại đâu, chỉ hơi đau nhức và đi lại bất tiện một chút. Phần trầy xước đang khô dần và tôi chỉ gặp khó khăn trong việc mặc quần dài. Vài hôm nữa có lẽ sẽ khỏi hẳn.

- Ở trận chung kết chị chảy máu rất nhiều, những cầu thủ khác cũng hụt hơn, chuột rút... điều gì giúp mọi người có thể vượt qua 120 phút căng thẳng?

- Thường con gái bị chấn thương, xước xát như thế là không chịu nổi. Nhưng cầu thủ chúng tôi đau như thế đã quen rồi, có nặng hơn nữa cũng có thể mạnh mẽ vượt qua.

- Chị bắt đầu đá bóng từ bao giờ?

- Bố mẹ hay anh chị tôi đều chơi đá bóng ở quê. Nhưng lúc nhỏ tôi lại tập bơi. Có người chị gần nhà lên TP HCM tập, một lần về quê chơi đã rủ tôi lên thành phố đi tập chuyên nghiệp. Chị ấy thấy gia đình tôi khó khăn nên mới rủ. Cha tôi không cho phép đi vì ở nhà chưa biết Sài Gòn thế nào, lỡ người ta lừa bán thì sao. Nhưng rồi tôi và mẹ thuyết phục thì cha mới đồng ý, vì khi đó gia đình khó khăn, không có tiền cho con ăn học, nên cuối cùng mới để tôi đi, năm tôi 12 tuổi.

- Cô bé Chương Thị Kiều lúc đó cảm thấy thế nào khi một thân một mình lên thành phố lớn?

- Tôi sợ chứ. Khi đó tôi không biết lên sẽ làm gì, chỉ biết chắc chắn không phải lo nghĩ đến cái ăn nữa. Ban đầu cũng khá khó khăn, vì tôi chưa tập đá bóng bao giờ. Nhưng nhờ các thầy cô ở trung tâm quận 1 chỉ bảo từng động tác cơ bản, lo cho chỗ ăn ở nên tôi thấy yên tâm.

Lúc lên Sài Gòn tôi không có đồng nào, không có điện thoại nên không thể liên lạc về với gia đình trong 2 năm đầu. Tôi chỉ biết tập luyện ở trung tâm, không đi đâu cả. Ở nhà không nghe tin cũng lo, cứ nghĩ mất con rồi. Sau 2 năm thì tôi mới mượn điện thoại để liên lạc về nhà, khi đó mọi người mới yên tâm hơn.

Chương Thị Kiều quyết liệt trên sân cỏ nhưng thân thiện ngoài đời.

- Chỉ bốn năm sau khi tập bóng đá, chị đã được lên đội chính của TP HCM, một năm sau lên tuyển quốc gia khi mới 17 tuổi. Đến giờ, chị đã là trụ cột của tuyển quốc gia gần 7 năm. Điều gì giúp chị có được vị trí vững chắc sớm và kéo dài thế?

- Có thể một phần do di truyền, cha mẹ tôi và các anh chị đều chơi bóng đá nên mình được thừa hưởng năng khiếu phần nào. Nhưng quan trọng là do bản thân nỗ lực, siêng tập, muốn tiến bộ từng ngày. Lúc nhỏ tôi siêng tập lắm, có khi không ăn không uống, cũng không tắm luôn, có thời gian chỉ tập thôi. Khi ngủ dậy tôi tập cùng đội đến trưa, ăn uống nghỉ ngơi rồi tiếp tục tập vào buổi chiều. Tối tôi ngủ sớm và ngày mai lại theo một lịch trình như vậy. Tôi tập trung hoàn toàn vào bóng đá. Bóng đá giống như đam mê, tôi được làm điều mình thích nên có động lực.

- Trong sự nghiệp cầu thủ đến nay, thử thách nào là lớn nhất với chị?

- Năm 2011 khi vừa được gọi lên tuyển, tôi dính chấn thương, phải phẫu thuật dây chằng và sụn. Lúc đó tôi còn trẻ, thấy nhiều người phải phẫu thuật gối có người không thể bình phục được để thi đấu đỉnh cao. Lúc đó tôi buồn nhiều lắm, cũng lo lắng. Nhưng tôi luôn quyết tâm là mình không thể đi xuống được. Tinh thần đó giúp tôi sau bốn tháng đã có thể trở lại thi đấu.

- Giành nhiều thành tích như vậy, cuộc sống của chị khác gì so với trước đây?

- Tôi có thể lo cho bản thân và phụ giúp một chút cho gia đình. Nhưng không thể nói là không khó khăn. Thu nhập mỗi tháng hơi thấp. Tôi có nhận lương CLB, tiền phụ cấp khi tập trung ở tuyển mà còn chật vật, trong khi những đồng đội khác không lên tuyển chắc chắn khó khăn hơn, đặc biệt là khi sống ở TP HCM đắt đỏ. Bóng đá nữ dù sao cũng khó khăn hơn bóng đá nam rất nhiều. Không có nhiều người đến xem chúng tôi thi đấu.

- Khó khăn nhiều như vậy, các chị xoay xở thế nào?

- Một phần là đam mê, một phần tự động viên nhau rằng những người thi đấu bóng đá đi từ khó khăn nên mới trưởng thành. Về tiền bạc, chúng tôi có nhiều xài nhiều, có ít thì xài ít.

Nhiều khi nghĩ những điều mình nhận được chưa xứng đáng với thứ mình bỏ ra, nhưng vẫn phải tiếp tục thôi. Chúng tôi vẫn phải làm công việc của mình để có thể lo được cho gia đình. Tôi luôn nỗ lực vì gia đình, mong muốn gia đình sống thoải mái hơn những ngày khó khăn lúc trước.

- Sau SEA Games, kế hoạch của chị thế nào?

- Tôi có thời gian một tuần để về thăm nhà. Sau đó sẽ trở lại tập trung đội tuyển, chuẩn bị cho các giải đấu tiếp theo. Một năm qua chúng tôi thi đấu liên tục, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

- Mục tiêu tiếp theo của tuyển nữ Việt Nam là gì?

- Chắc chắn là World Cup rồi. Đó là một giấc mơ, nhưng không dễ. Chúng tôi đã tiến rất gần mục tiêu này trong hai lần nhưng đều không thể vượt qua. Hy vọng chúng tôi có thể làm được điều đó trong tương lai.

Theo Ngôi sao

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuong-thi-kieu-kho-quen-roi-nhung-phai-co-vi-gia-dinh-20191217104537838.htm