Chương trình 135 thay đổi đời sống người dân

ĐBP - Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135/CP về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135), các địa phương trong tỉnh đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… góp phần cải thiện đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình cây ăn quả của người dân xã Ẳng Cang. Ảnh: Quang Long

Hiện nay, toàn tỉnh có 97 xã đặc biệt khó khăn, 2 thôn, bản đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng chính sách của Chương trình 135; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn được thụ hưởng Chương trình 135 là 39,05%. Nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn tỉnh, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn được các địa phương tập trung triển khai khi thực hiện Chương trình 135. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, chương trình đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 359 công trình, trong đó 218 công trình giao thông, 78 công trình thủy lợi, 20 công trình trường lớp học, phụ trợ; 29 công trình nhà văn hóa, 9 công trình điện sinh hoạt, 5 công trình nước sinh hoạt. Giá trị khối lượng thực hiện ước đến hết năm 2020 gần 525 tỷ đồng (đạt 95% kế hoạch). Ðến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm đạt 93,85%; tỷ lệ đường giao thông cấp huyện được cứng hóa đạt 65%; tỷ lệ đường giao thông cấp xã được cứng hóa đạt 43%.

Bà Nguyễn Thị Ðịnh, Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa là cần thiết. Chương trình 135 đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng, làm thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn vùng dân tộc, góp phần tích cực trong công tác phát triển văn hóa, giáo dục và y tế. Tạo điều kiện cho hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các xã trong vùng thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua cũng đã phát huy được hiệu quả. Các tiểu dự án đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, vật tư phân bón, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp. Từng bước thay đổi nhận thức chuyển từ sản xuất quảng canh sang hướng thâm canh, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi để khai thác thế mạnh từng vùng, phù hợp quy hoạch của tỉnh. Máy móc chế biến, công cụ sản xuất được hỗ trợ đã nâng cao năng suất lao động, chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, giải phóng sức lao động cho người và gia súc. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến nay, chương trình đã hỗ trợ trên 7.600 con trâu, bò cho gần 10 nghìn hộ; hơn 55 nghìn con gia cầm cho gần 900 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, máy móc, thiết bị sản xuất cho hàng nghìn hộ. Ðặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà. Kinh phí ước thực hiện đến hết năm 2020 gần 145 tỷ đồng.

Huyện Mường Ảng là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nguồn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huyện được bố trí là 74,4 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Từ nguồn vốn được hỗ trợ, huyện đã khởi công mới 36 công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa...; duy tu bảo dưỡng nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Huyện đã hỗ trợ trên 400 con giống, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn với trên 900 hộ được thụ hưởng. Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn của chương trình, huyện thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo; kết hợp với các chương trình, dự án giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có trên 2.500 hộ thoát nghèo; ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 27%.

Không chỉ thực hiện hỗ trợ có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm thay đổi diện mạo nông thôn, Chương trình 135 còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở thông qua các lớp tập huấn, các buổi tham quan, học tập, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tại địa phương.

“Có thể nói, thực hiện Chương trình 135 thời gian qua đã góp phần làm chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; thúc đẩy sản xuất, phát triển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; cơ sở hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố; trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi và khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì và giữ vững” - Bà Nguyễn Thị Ðịnh, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) nhấn mạnh.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/182860/chuong-trinh-135-thay-doi-doi-song-nguoi-dan