Chương trình Chắp cánh ước mơ năm thứ 9: Kết nối những tấm lòng nhân ái vì trẻ em

Năm học 2024 - 2025 cũng là năm thứ 9 Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) - Báo Bắc Giang - Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức Chương trình chắp cánh ước mơ (CCƯM) cho trẻ em nghèo. Thông qua chương trình, những suất học bổng, những món quà ấm tình người đã nối dài con đường đến trường, khích lệ các em theo đuổi việc học tập và thực hiện ước mơ vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vào một buổi chiều bận rộn chuẩn bị cho chương trình năm thứ 9, bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh vẫn dành thời gian chia sẻ với phóng viên về công việc, những dự định sắp tới với sự say sưa và nhiệt huyết.

Tăng quy mô và ý nghĩa

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngay khi thành lập, Hội BVQTE tỉnh luôn tích cực tổ chức các hoạt động vì trẻ em. Cũng từ thực tế công việc, bà Lợi cùng các cộng sự luôn đau đáu với mỗi hoàn cảnh trẻ em còn thiếu ăn, thiếu mặc, gặp trở ngại trong việc học tập, đặc biệt là những trẻ đã khó khăn lại mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khi đó, Hội BVQTE đứng ra vận động các nhà tài trợ, các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập để giúp các em được đến trường song nguồn lực vận động được chưa nhiều, chưa thể tổ chức thành chương trình riêng mà vận động được đến đâu trao tặng đến đó.

 Bà Dương Thị Lợi trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình chắp cánh ước mơ năm 2023. Ảnh: Thu Thủy.

Bà Dương Thị Lợi trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình chắp cánh ước mơ năm 2023. Ảnh: Thu Thủy.

Trong mỗi chuyến về cơ sở trao quà và học bổng cho các em luôn có các phóng viên Báo Bắc Giang đồng hành đưa tin, viết bài để lan tỏa những việc làm tốt đẹp, khích lệ tinh thần và nghị lực của những tấm gương vượt khó; đồng thời qua đó kêu gọi được thêm nhiều mạnh thường quân tham gia ủng hộ. "Bắt đầu từ đây, lãnh đạo Hội BVQTE tỉnh và lãnh đạo Báo Bắc Giang trao đổi, thống nhất ý tưởng nâng tầm hoạt động này lên nhằm thu hút sự quan tâm và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa để giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn.

Được khởi xướng, thực hiện từ năm 2016, Chương trình CCƯM cho trẻ em nghèo đã nhận được sự tham gia đồng hành của hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh, trong nước, thậm chí có cả nhà hảo tâm từ nước ngoài cũng chung tay. Từ năm 2018, chương trình có sự tham gia của Hội Khuyến học tỉnh nên quy mô được nâng lên, ý nghĩa ngày càng lan tỏa, kết nối thêm nhiều tấm lòng nhân ái vì trẻ em” - bà Dương Thị Lợi nói.

Nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang - cơ quan đồng khởi xướng và tổ chức Chương trình CCƯM từ ngày đầu đến nay chia sẻ: Ban Biên tập Báo Bắc Giang luôn nhận thức sâu sắc, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của những người làm báo, coi việc chung vai gánh vác, chia sẻ với người dân gặp khó khăn, nhất là trẻ em là việc cần làm. KT-XH ngày một phát triển, đời sống mọi người, mọi nhà hạnh phúc, đủ đầy hơn thì đây đó vẫn còn những em nhỏ đang phải chịu bất hạnh, thiệt thòi do hoàn cảnh kém may mắn, gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn. Những người làm báo nhận thức sâu sắc được trách nhiệm, thể hiện tấm lòng nhân văn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chính vì vậy, khi lãnh đạo Hội BVQTE tỉnh đề xuất Báo Bắc Giang phối hợp tổ chức chương trình, Ban Biên tập đã đồng tình, tích cực tham gia. Chương trình đã nhận được sự khích lệ, ủng hộ mạnh mẽ của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Nói là làm, cán bộ, viên chức, người lao động của Báo đã ủng hộ một phần thu nhập để xây dựng quỹ. Cán bộ, phóng viên Báo hăng hái kết nối, vận động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ các cháu nhỏ. Nhờ đó, ngay cả khi khó khăn bội phần trong đại dịch Covid-19, nhiều địa phương phải phong tỏa, cách ly, hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan của dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp vốn là nhà tài trợ lâu năm thường xuyên ủng hộ chương trình gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh song vẫn sẵn lòng ưu tiên phần kinh phí đáng kể và nhiều hiện vật ủng hộ các cháu.

Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, Hội luôn quan tâm vận động nguồn lực xây dựng Quỹ Khuyến học của tỉnh. Một phần của nguồn quỹ này được sử dụng để động viên, khích lệ các học sinh vượt khó có thành tích xuất sắc trong học tập; đồng thời dành một phần đáng kể tham gia Chương trình CCƯM từ năm 2018 đến nay. Tổng kinh phí ủng hộ chương trình là 150 triệu đồng.

Những cái kết có hậu

Sau 8 lần tổ chức, Chương trình CCƯM đã hỗ trợ 1.727 lượt trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Chương trình lần thứ 9 năm nay sẽ tiếp tục có hàng trăm em được giúp đỡ. Bình quân mỗi năm có khoảng 20 em vào giảng đường đại học; khoảng 100 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và hàng chục em giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Nhiều em đã trưởng thành, có việc làm, cuộc sống ổn định tiếp tục kết nối với các cô bác làm chương trình để chia sẻ về những dự định, tình hình đời sống.

Sau 8 lần tổ chức, Chương trình CCƯM đã quy tụ được hơn 400 nhà tài trợ, nhà hảo tâm với nguồn lực vận động hơn 4,4 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy đổi) trao tặng cho 1.727 lượt trẻ em hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình trong số đó là Trần Thị Ngọc Mai (SN 1998) ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Mai mồ côi từ khi mới hơn hai tuổi, hoàn cảnh rất đáng thương. Em sống trong vòng tay che chở của ông bà nội. Khi Mai đang học lớp 9 thì ông nội qua đời. Bà nội không may bị tai nạn, cuộc sống của hai bà cháu càng chật vật hơn. Mai được chú ruột cưu mang để tiếp tục đến trường. Với ý chí, nghị lực mạnh mẽ, cô gái nhỏ luôn nỗ lực trong học tập. Nhiều năm liền, Ngọc Mai đạt học sinh giỏi và giành được giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Địa lí cấp TP, cấp tỉnh, là học sinh tiêu biểu khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Để theo đuổi ước mơ vào đại học, ngoài giờ học, Mai phụ gia đình chú bán hàng giải khát, làm việc nhà và chăm sóc bà nội. Trong thời gian học THPT, cô học trò giỏi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức và cá nhân hảo tâm, trong đó có Chương trình CCƯM với học bổng mỗi năm từ 2-3 triệu đồng. Cũng qua chương trình, các nhà hảo tâm hỗ trợ em kinh phí, dụng cụ học tập trong ba năm học. Không phụ lòng mong đợi của gia đình và những người giúp đỡ mình, với kết quả học tập xuất sắc, Ngọc Mai được tuyển thẳng vào lớp chất lượng cao Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và có việc làm, Ngọc Mai tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Năm học 2024-2025, Ngọc Mai về giảng dạy tại Trường THPT Việt Yên số 2 (thị xã Việt Yên), hạnh phúc hơn khi chỉ ít ngày nữa Mai xây dựng gia đình.

Với Nguyễn Thị Linh ở xóm Trại Mít, xã Đông Hưng (Lục Nam), cuộc sống của em vơi bớt khó khăn khi có sự quan tâm, hỗ trợ của Chương trình CCƯM và các thầy giáo, cô giáo. Thông qua chương trình, Linh được một nhà hảo tâm nhận đỡ đầu để hoàn thành ba năm THPT. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, mới đây Linh đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Không để trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, Chương trình CCƯM được duy trì liên tục năm nay là năm thứ 9 kể từ khi khởi xướng, bảo đảm đúng phương châm hành động “không để trẻ em nào vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau”.

 Các đại biểu trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình chắp cánh ước mơ năm 2023.

Các đại biểu trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình chắp cánh ước mơ năm 2023.

Chương trình thành công nhờ có sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ như: Công ty cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang; Công ty Bảo Minh Bắc Giang; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vinh Anh; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bắc Giang; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bắc Giang II; Công ty Bảo Việt Bắc Giang; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Giang, Công ty 45 - Tổng Công ty Đông Bắc, Liên đoàn Lao động tỉnh, Câu lạc bộ Nhịp nối yêu thương..., các cá nhân hảo tâm cùng nhiều tấm lòng nhân ái của mạnh thường quân ở mọi miền Tổ quốc.

Nhiều cá nhân như: Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch T.Ư MTTQ Việt Nam quê Bắc Giang khi còn công tác hay đã nghỉ hưu đều tích cực ủng hộ và kết nối, vận động nguồn lực cho chương trình. Nhà sư Thích Minh Quyết ở chùa Hòa Yên (TP Bắc Giang) luôn đồng hành hay bà Tường Vi ở TP Bắc Giang dù tuổi đã cao song mỗi năm vẫn nhận đỡ đầu 2 em nhỏ. Có những nhà tài trợ và cả gia đình tham gia đồng hành từ những ngày đầu của chương trình tới nay như gia đình ông Tuấn (quê xã Song Mai, TP Bắc Giang) mỗi năm ủng hộ ít nhất từ 70-80 triệu đồng.

Để vận động nguồn lực đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất là những người làm chương trình tạo được niềm tin với các nhà hảo tâm, nhà tài trợ theo phương châm “đối tượng cụ thể, hoàn cảnh rõ ràng, nhu cầu thiết yếu”; kết nối chặt chẽ, định hướng, tư vấn cho họ để món quà tặng thiết thực, phát huy được hiệu quả, đúng đối tượng đồng thời tôn trọng cách giúp đỡ của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm.

Với những người thực hiện chương trình, thành công lớn nhất là đã trao cơ hội học tập cho nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn để các em có niềm tin vào lòng nhân ái và những điều tốt đẹp trong cuộc sống, yên tâm đến trường; cùng đó là truyền cho các em nghị lực vượt khó và khát vọng vươn tới xây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn. Chương trình đã lan tỏa được tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội; xây dựng được nhiều gia đình nhân ái; ươm mầm và nối dài lòng nhân ái cho thế hệ trẻ.

Kim Hiếu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuong-trinh-chap-canh-uoc-mo-nam-thu-9-ket-noi-nhung-tam-long-nhan-ai-vi-tre-em-141759.bbg