Chương trình gặp mặt, tri ân đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chủ đề: '50 năm toàn thắng về ta': Trào dâng ký ức hào hùng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tại Thành phố mang tên Bác kính yêu, Chương trình gặp mặt, tri ân đại biểu tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chủ đề '50 năm toàn thắng về ta' đã diễn ra trong không khí xúc động.

Chương trình do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, nhà đồng hành tổ chức sáng 16-4 tại Hội trường Thống Nhất (Di tích quốc gia đặc biệt dinh Độc Lập) - nơi ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng 50 năm trước toàn thắng về ta.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đồng chí Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tham dự chương trình còn có các Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Nguyễn Thị Hữu Tài, Phan Thị Tám; các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu chiến binh; đại biểu một số cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị Quân đội và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, sinh viên... trên địa bàn. Về phía Báo QĐND có Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập, Trưởng ban tổ chức chương trình; Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập, Phó trưởng ban tổ chức chương trình.

 Trung tướng Trương Thiên Tô trao quà tặng các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân tham gia chương trình.

Trung tướng Trương Thiên Tô trao quà tặng các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân tham gia chương trình.

Xúc động, nghĩa tình ngày gặp mặt

TP Hồ Chí Minh những ngày tháng Tư rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu... Không khí rộn ràng, tưng bừng lan tỏa khắp các con phố, tuyến đường, ngõ hẻm, từ trung tâm đô thị đến những khu dân cư yên bình hay những xóm nhỏ, khu vực vùng ven. Thành phố đang khoác lên mình một diện mạo mới khi ngày đại lễ 30-4 đến gần. Trong niềm hân hoan ấy, lời bài hát "Đất nước trọn niềm vui" cứ văng vẳng bên tai: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi/ Một ngày vui giải phóng...”. Trước giờ giao lưu, các tướng lĩnh, cựu chiến binh dạn dày trận mạc, dũng cảm, can trường mừng vui gặp mặt, dành cho nhau những cái ôm rất chặt. Ai cũng lắng lòng xúc động, lâng lâng niềm tự hào!

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu, 97 tuổi, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Để cắm được lá cờ trên dinh Độc Lập và để chúng ta được vinh dự đứng tại nơi đây, biết bao chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Trong niềm vui chiến thắng, chúng ta phải trân trọng, khắc ghi những mất mát, hy sinh đó”. Các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức chương trình, xem đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, thể hiện tình cảm tri ân và là cơ hội lưu truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ mai sau; tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ toàn quân hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

 Các đại biểu tham gia chương trình giao lưu.

Các đại biểu tham gia chương trình giao lưu.

Hào hùng khúc khải hoàn ca

Phát biểu chỉ đạo chương trình, Trung tướng Trương Thiên Tô khẳng định: “Ngày 30-4-1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc mốc son chói lọi. Đó là ngày toàn dân tộc tưng bừng trong niềm vui chiến thắng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc non sông liền một dải, chấm dứt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh và nỗi đau non sông chia cắt.

Đó là ngày mà các thế hệ cha anh- những người lính Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh đang có mặt ở đây, đã khẳng định trước toàn thế giới rằng, ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất non sông là bất diệt, không một thế lực nào có thể khuất phục. Tinh thần ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy... mãi là bầu nhiệt huyết sục sôi, kết thành niềm tự hào, niềm tin son sắt, động lực tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời đại mới...

Phát biểu khai mạc chương trình, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Để đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là nhờ hun đúc của lịch sử mấy nghìn năm, là nhờ võ công hiển hách, văn nghiệp sáng ngời của tiền nhân, đặc biệt là nhờ có sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ, của các anh hùng, dũng sĩ, cựu chiến binh trong thời đại ngày nay.

Phần giao lưu diễn ra trong chương trình đã đánh thức ký ức hào hùng sống động như vừa hôm qua với những nhân chứng lịch sử 50 năm trước nơi tuyến lửa. Kể lại những năm tháng hào hùng ấy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không giấu nổi niềm tự hào. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12).

Đêm 29-4-1975, khi hành quân đến khu vực cách Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) khoảng 10km, nhờ sự giúp đỡ tận tình của một bà má miền Nam, sáng 30-4-1975, ông đã chỉ huy đơn vị tiến công mục tiêu nhanh chóng, chiếm được Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng; sau đó, bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn, giành thắng lợi hoàn toàn. “Chúng tôi đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự hào khẳng định.

Trưởng thành từ người chiến sĩ tham gia giải phóng miền Nam, rồi trở thành nhà giáo, nhà khoa học quân sự, Thượng tướng Võ Tiến Trung chia sẻ: “Kinh nghiệm chiến đấu và thực tiễn chiến trường giúp tôi viết tài liệu, giáo án sâu sắc hơn, lý luận gắn liền với thực tiễn. Tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng, kinh nghiệm máu xương vô cùng quý giá! Các cán bộ, chiến sĩ hôm nay hãy trân trọng và tiếp tục tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để không ngừng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình gặp mặt.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình gặp mặt.

Còn Trung tướng Phùng Khắc Đăng xúc động chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến TP Hồ Chí Minh năm 1979; lần thứ hai là năm 2005, khi chủ trì một hội nghị tại Hội trường Thống Nhất. Và hôm nay, tôi lại có mặt ở hội trường này. Có lẽ vì mang tên Bác Hồ kính yêu nên trong mọi khó khăn của đất nước, thành phố đều tiên phong sẻ chia, hỗ trợ. Trở lại TP Hồ Chí Minh lần này, tôi vô cùng xúc động trước sự phát triển lớn mạnh và nghĩa tình của thành phố mến yêu”.

Chương trình càng trở nên sôi nổi, hào hứng khi MC giới thiệu 3 thành viên kíp xe 390, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 từng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, lên sân khấu tham gia giao lưu. Đó là 3 nhân chứng lịch sử trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390: Đại úy Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe, nguyên Chính trị viên Đại đội; Nguyễn Văn Tập, lái xe; Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ. Đại úy Vũ Đăng Toàn kể: “Khi được giao nhiệm vụ tiến vào dinh Độc Lập, chỉ huy đại đội hội ý, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quá trình tiến công vào dinh Độc Lập, xe tăng 390 do tôi chỉ huy tiếp cận cổng dinh ngay sau xe tăng do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy. Nhưng lúc đó, xe đồng chí Thận dừng lại. Thấy vậy, đồng chí Tập, lái xe, hỏi tôi giờ tính sao? Tôi liền nói “Chú cứ đâm thẳng vào cổng dinh”. Vậy là, chiếc xe tăng 390 lao lên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập tiến thẳng vào trong”.

Những tràng pháo tay vang lên không ngớt như lời tri ân của thế hệ hôm nay gửi tới những nhân chứng trong thắng lợi vĩ đại thu non sông về một mối. Đúng như lời phát biểu của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ: “Chúng ta đều thấm thía một điều: Cái quý nhất của con người là thân thể, là mạng sống của mình. Trong đời người, thời tuổi trẻ là đẹp đẽ nhất và quý báu nhất. Thế mà với anh Giải phóng quân, khi Tổ quốc lâm nguy, họ đã sẵn sàng, vô tư dâng hiến những cái quý giá nhất ấy cho Tổ quốc. Đó là sự cống hiến tuyệt đối, không thể cân đong đo đếm được. Thiêng liêng vô cùng! Cao cả vô cùng!”.

Bạn Trần Khánh Linh, sinh viên ngữ văn năm thứ 2, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Em từng đọc tư liệu lịch sử về chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, nhưng đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy và nghe các nhân chứng trong kíp xe ấy kể về sự kiện hào hùng 50 năm trước. Quả là một cơ hội hiếm có! Chúng em nguyện ra sức học tập, noi gương thế hệ cha anh cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước”.

Tri ân và tiếp nối

Đã 50 năm non sông thống nhất, nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn âm ỉ. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ để bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của các gia đình luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta quan tâm.

Trong phần giao lưu, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện là cố vấn của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh chia sẻ về tuổi thơ và trong thời gian tham gia quân ngũ, ông chứng kiến rất nhiều nỗi đau mất mát, hy sinh. Những khoảnh khắc đó khiến ông đau buồn, trăn trở. Bởi vậy, khi nghỉ hưu, ông dành hết thời gian, tâm huyết tham gia hoạt động tìm kiếm hài cốt đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, coi đó là sự tri ân thiết thực.

Còn Trung tá Ngô Trường An, Chính ủy Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) xúc động chia sẻ: “Sự “truyền lửa” của các bác, các chú thôi thúc chúng cháu phải tiên phong trong học tập, huấn luyện, công tác, tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh; đồng thời thực hiện tốt công tác chính sách “đền ơn đáp nghĩa” góp phần làm sáng đẹp đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc”. Đây cũng là tâm nguyện của giảng viên Nguyễn Thị Trang, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh: “Thế hệ trẻ hôm nay xin ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của thế hệ cha anh. Chúng cháu xin nguyện sẽ ra sức học tập, tu dưỡng để đủ sức, đủ tài tiếp bước cha anh dựng xây đất nước trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc”...

Tại chương trình, Ban tổ chức đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp và tặng quà tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân và cựu chiến binh đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Biết bao cung bậc cảm xúc, sâu nặng nghĩa tình và cả niềm tự hào về ký ức hào hùng, Chương trình gặp mặt, tri ân với chủ đề “50 năm toàn thắng về ta” khép lại trong tiếng nhạc và lời ca rộn rã trên Thành phố mang tên Người: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/chuong-trinh-gap-mat-tri-an-dai-bieu-tuong-linh-anh-hung-llvt-nhan-dan-ba-me-viet-nam-anh-hung-chu-de-50-nam-toan-thang-ve-ta-trao-dang-ky-uc-hao-hung-824282