Chương trình hành động và kế hoạch của MTTQ Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết 23-NQ/TW

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản và nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, ở mỗi thời kỳ, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng Đảng ta đã đề ra những chủ trương cụ thể về đại đoàn kết dân tộc, Nghị quyết 07, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VII về 'Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất', đặc biệt là Nghị quyết số 23, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì 'dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh' là những văn kiện quan trọng đã tổng kết thực tiễn và đề ra những quan điểm cơ bản của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước.

TS. Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam

TS. Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa IX kết thúc, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 khóa IX với 7 nhóm công việc được quán triệt và triển khai sâu rộng trong hệ thống MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân.

I. Nghị quyết 07, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VII

1. Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề đại đoàn kết dân tộc, ngày 17/11/1993 Bộ Chính trị khóa VII đã ra Nghị quyết 07 Về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nghị quyết này đã phản ánh tập trung nhất sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Trong Nghị quyết bao gồm các nội dung lớn, đó là:

- Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài… Đại đoàn kết chủ yếu phải lấy mục tiêu chung là "tán thành công cuộc đổi mới, giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sơm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

- Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đại đoàn kết phải được thể hiện trong mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại nhằm đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp xã hội, gắn quyền lợi với trách nhiệm, lợi ích riêng của mọi người với nghĩa vụ công dân, lấy lợi ích dân tộc làm trọng;… phát huy truyền thống nhân nghĩa của cha ông.

- Xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân...

- Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc bằng các hình thức tập hợp đa dạng. Tổ chức và phát triển các phong trào quần chúng từ thấp đến cao, sáng tạo thêm nhiều hình thức hoạt động phù hợp với từng thành phần xã hội. Phát huy vai trò tích cực của những người tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo. Hướng hoạt động tới địa bàn dân cư xã phường và hộ gia đình...

2. Ban Bí thư Trung ương đã ra Chỉ thị số 30/CT-TW (ngày 24/12/1993) về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW (ngày 17/11/1993) của Bộ Chính trị. Theo Chỉ thị, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết quan trọng nói trên, tập trung vào những viếc sau đây:

- Phối hợp tổ chức nghiên cứu Nghị quyết trong các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy các khối Trung ương và các cán bộ chủ chốt.

- Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc cụ thể hóa Nghị quyết bằng các văn bản pháp quy của Quốc hội và Chính phủ trên các lĩnh vực.

- Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận tiến hành kế hoạch bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách.

Các đoàn thể và Mặt trận các cấp; xem xét, sửa đổi, bổ sung một bước các chế độ chính sách đối với cán bộ các đoàn thể và Mặt trận nhằm ổn định và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở.

- Tuyên truyền giới thiệu Nghị quyết trên báo, đài, phản ánh, giới thiệu kinh nghiệm của những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết có kết quả; tổ chức giới thiệu nội dung Nghị quyết trong các trường đảng, đoàn thể và trường đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; triển khai nghiên cứu tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Phối hợp phát động phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện phương hướng nhiệm vụ năm 1994, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, huy động mọi nguồn lực và tiềm năng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, tạo ra một bước chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IX và Nghị quyết hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng sắp tới.

Trong lịch sử Mặt trận, đây là bản Nghị quyết chuyên đề thứ hai về công tác Mặt trận của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (bản Nghị quyết lần thứ nhất ra đời ngày 9/5/1962). Nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ đặt cơ sở lý luận, thực tiễn mà còn là bước đột phá mới trong quan điểm nhận thức về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Đoàn kết, hòa hợp dân tộc, một chủ trương lớn đã được đề ra từ hơn hai thập kỷ trước, nhưng còn nhiều nhận thức khác nhau, đến Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, những quan điểm đúng đắn đã được khẳng định dứt khoát. Nghị quyết này của Bộ Chính trị có ý nghĩa chiến lược, giải quyết những vấn đề cơ bản lâu dài, đồng thời cũng chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Những luận điểm mới của Nghị quyết là việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất cần phải được tiến hành đồng bộ về nhận thức, về cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức cán bộ; đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất phải được mở rộng về tổ chức và phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Nghị quyết còn khẳng định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với việc tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

3. Đại hội lần thứ IV MTTQ Việt Nam đã tổ chức tại Hà nội (17 và 18/8/1994). Đây là Đại hội quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới, một sinh hoạt chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân.

Đại hội lần thứ IV MTTQ Việt Nam đã trịnh trọng công bố trước đồng bào cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài Chương trình Đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gồm 12 điểm. Chương trình này đã thể hiện tư tưởng cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị (ngày 17/11/1993), nói lên truyền thống đoàn kết dân tộc, chứng tỏ sự trưởng thành của nhân dân ta với những thành tựu to lớn mọi mặt của công cuộc đổi mới đất nước, là thông điệp với toàn dân và bạn bè quốc tế về cương lĩnh hành động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới thực hiện CNH, HĐH đất nước.

4. Sau gần một thập kỷ thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Mặt trận các cấp đã phối hợp tiến hành tổng kết một cách sâu rộng từ địa phương cơ sở và các ngành, các cấp. Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo tổng kết Tình hình thực hiện Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, với nhiều ưu, khuyết điểm được rút ra và nhiều kiến nghị, giải pháp được đề xuất nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết này trong thời gian tới.

II. Nghị quyết số 23, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX)

1. Nhằm cụ thể hóa Văn kiện Đại hội IX của Đảng, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ bảy khóa IX (phần II) họp từ ngày 13 đến 21-1-2003 đã bàn và ra Nghị quyết : "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; "Về công tác dân tộc"; "Về công tác tôn giáo".

Nghị quyết đánh giá tình hình khối đại đoàn kết dân tộc, nêu các ưu điểm, đồng thời nhận định: khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới và chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nghị quyết xác định mục tiêu: Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng đề ra năm nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh: Xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Ngay sau khi Nghị quyết vừa được ban hành, với tính chủ động và sáng tạo cao, ngày 20/2/2003, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 5 (khóa V) đã họp bàn và thông qua Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 khóa IX của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 7 nhóm công việc và được quán triệt, triển khai sâu rộng tới hệ thống Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân. Chương trình xác định rõ các nhiệm vụ: Tham gia tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân các nội dung cơ bản về mục tiêu, quan điểm, những chủ trương và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Phát huy vai trò chủ động, tích cực của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ, giữ gìn kỷ cương, động viên nhân dân xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch vững mạnh; Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về Đại đoàn kết dân tộc và MTTQ Việt Nam; Xây dựng và đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tương xứng với vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình cần có sự lựa chọn, ưu tiên cho những việc cần làm ngay, để dồn sức thực hiện dứt điểm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội của các tầng lớp nhân dân ở từng cơ sở, từng cộng đồng dân cư.

Cùng với việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp thống nhất hành động 7 điểm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức 2 Hội nghị lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu và quán triệt cho hơn 400 đại biểu tiêu biểu trong nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số và chức sắc các tôn giáo. Ngay sau Hội nghị, Ban Thường trực đã có báo cáo số 24/BC/MTTW ngày 4-6-2003 kèm theo băng ghi hình toàn bộ 2 hội nghị gửi Ban Bí thư và các ngành liên quan. Ban Bí thư đã đánh giá cao cách làm và hiệu quả việc quán triệt Nghị quyết của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ủy ban MTTQ tất cả các tỉnh, thành phố cũng đều phối hợp với các cơ quan hữu quan mở nhiều hội nghị phổ biến Nghị quyết tới các thành phần trên và các cán bộ chuyên trách của Mặt trận. Đây là việc làm thể hiện tính chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của Mặt trận nhằm phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, các chức sắc tôn giáo và hệ thống Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiều tổ chức thành viên như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam… đã tổ chức phổ biến, học tập các Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, đoàn viên, hội viên; đồng thời xây dựng chương trình hành động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua của tổ chức mình. Các tổ chức thành viên khác cũng đều triển khai quán triệt, học tập Nghị quyết.

Qua các hội nghị phổ biến, giới thiệu Nghị quyết Trung ương 7 ở các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, hầu hết các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số và các chức sắc tôn giáo khi phát biểu đều thể hiện rõ sự vui mừng, phấn khởi trước việc Đảng ra các Nghị quyết rất quan trọng này; bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối của Đảng, mong muốn đường lối của Đảng nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống; đồng thời đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức các Hội nghị; mong được Mặt trận thường xuyên phổ biến các nghị quyết lớn của Đảng cho các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động kiến nghị và tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đời sống của đông đảo nhân dân để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đấu tranh với các hành động xuyên tạc các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

3. Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 03-11-2009 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo”, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua công tác, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tham gia xây dựng một số cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm kiến nghị giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo về đất đai, cơ sở thờ tự; đồng thời, không ngừng phát huy vai trò người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Ủy ban MTTQ các cấp không ngừng đa dạng hóa các hình thức vận động tập hợp, củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường vai trò chủ trì và từng bước nâng cao chất lượng công tác phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; các tổ chức thành viên tiếp tục mở rộng tổ chức thông qua việc kết nạp thành viên mới và công tác củng cố, phát triển đoàn viên, hội viên, thành viên.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”, trọng tâm là hoàn thiện về cơ chế, phương thức, củng cố phương tiện, lực lượng làm công tác thông tin, truyền thông từ trung ương đến cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, nhóm nòng cốt nắm tình hình, dư luận trong Nhân dân được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn. Các trang thông tin điện tử của Mặt trận được nâng cấp, xây dựng mới và khai thác hiệu quả ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Hệ thống báo chí của Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương, bản tin công tác Mặt trận ở các địa phương được nâng cao về chất lượng và phát hành đến khu dân cư. Thông qua hệ thống truyền thông và lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận và các tổ chức thành viên, kết hợp với các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác của Mặt trận đến với các tầng lớp nhân dân.

Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch, nổi bật là kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”; kết luận của Đoàn Chủ tịch về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam luôn lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đấu tranh với các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 03-11-2009 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo”.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”; “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”

Lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng và thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”, trọng tâm là hoàn thiện về cơ chế, phương thức, phương tiện, lực lượng làm công tác thông tin, truyền thông từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và thực hiện “Chương trình hành động tăng cường, vận động, tập hợp, đoàn kết Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” .

Các nghị quyết về đại đoàn kết dân tộc được ban hành trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo và thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tăng trưởng nhanh, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Công cuộc đổi mới đã tạo ra môi trường thuận lợi để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc chung của đất nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động cách mạng; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc .

TS. Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/chuong-trinh-hanh-dong-va-ke-hoach-cua-mttq-viet-nam-trong-thuc-hien-nghi-so-07nqtw-va-nghi-quyet-23nqtw-52473.html