Chương trình khuyến công góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

PTĐT - Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống nhân dân; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp nông thôn.

Dây chuyền sản xuất ngói ở Công ty CP TaKao Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất ngói ở Công ty CP TaKao Việt Nam.

Trong tỉnh, công nghiệp nông thôn (CNNT) vẫn còn là khu vực kinh tế có năng suất lao động thấp; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế, phát triển chưa đồng đều. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020, góp phần tích cực phát triển CNNT.

Hàng năm, tỉnh đã cân đối nguồn ngân sách địa phương ổn định để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo quy định của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất CNNT; hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư phát triển sản xuất, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thông qua Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành, thị; các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề gắn với giải quyết việc làm cho 2.100 lao động gồm đào tạo nghề may công nghiệp, sản xuất giày, chế biến chè, mây tre đan, chế biến tương truyền thống, đan lát hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.Kết thúc đào tạo nghề, lao động được các cơ sở CNNT nhận vào làm việc với thu nhập bình quân đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thông qua Chương trình đã tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cho 16.186 người; hỗ trợ tư vấn, thành lập 40 doanh nghiệp CNNT tại các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong tỉnh.Chương trình khuyến công cũng đã hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, nhân rộng 30 mô hình về sản xuất, chế biến nông, lâm sản, sản phẩm phụ trợ và vật liệu xây dựng không nung. Qua hỗ trợ các mô hình đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1.400 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.5 năm qua đã có 79 cơ sở CNNT được hỗ trợ đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực như: Cơ khí, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng không nung và sản xuất tiểu thủ công nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 700 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Tạ Hùng Sinh- Giám đốc Công ty cổ phần TaKao Việt Nam chia sẻ: “Năm 2018 là thời điểm, Công ty mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, nhờ có chương trình khuyến công, Công ty được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng và tập huấn kiến thức cho doanh nghiệp. Đến nay, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất ngói gốm tráng men cao cấp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp góp phần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nhiên liệu, nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng”. Cũng thông qua chương trình khuyến công, nhiều cơ sở CNNT đã được tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố có dịp giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đã có sức lan tỏa lớn, các doanh nghiệp khác dù không được hỗ trợ cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiêu biểu và các làng nghề truyền thống là tiền đề, điều kiện cần thiết để phát triển sản phẩm đủ điều kiện tham gia hệ thống thương mại hiện đại, tham gia chương trình OCOP. Thông qua chương trình khuyến công cũng đã hỗ trợ tư vấn khuyến công, lập báo cáo đánh giá sản xuất sạch hơn, kiểm toán năng lượngvà hướng dẫn thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hướng dẫn thực hành 5S cho 199 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Nhằm khuyến khích phát triển các cụm CN trên địa bàn tỉnh, chương trình đã hỗ trợ lập đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) cho 2 cụm công nghiệp: Bãi Ba, huyện Thanh Ba, Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho 2 Cụm công nghiệp gồm: Kinh Kệ - Hợp Hải, huyện Lâm Thao và Cụm công nghiệp thị trấn Hạ Hòa, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả đầu tư vào cụm công nghiệp.Ông Nguyễn Ngọc Anh- Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển cả về số lượng, quy mô cơ sở sản xuất, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường; phát huy được lợi thế, tiềm năng và các nguồn lực cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thời gian tới ngành Công thương tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án khuyến công có hiệu quả, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.

Huy Công

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202102/chuong-trinh-khuyen-cong-gop-phan-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon-175540