Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' - điểm tựa của trẻ em mồ côi
Sau hơn hai năm thực hiện, Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ em mồ côi, tạo sức lan tỏa sâu rộng trên toàn quốc. Bằng tình thương, trách nhiệm, những người 'mẹ đỡ đầu' đã trở thành điểm tựa, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện.
Gieo yêu thương
Căn nhà nhỏ của bé gái Trần Hà Bảo Châu, 8 tuổi, ngụ tại tổ 17, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) gần hai năm nay đã đầm ấm hơn bởi sự quan tâm, giúp đỡ của các “mẹ đỡ đầu” trong Hội LHPN phường Nguyễn Thị Minh Khai. Bảo Châu có hoàn cảnh đặc biệt khi 3 tuổi đã chịu nỗi đau mất cha và chỉ hơn một tháng sau thì phát hiện bé mắc bệnh u não. Trước hoàn cảnh của bé Bảo Châu, năm 2020, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho mẹ con bé; từ đầu năm 2023, bé được Hội LHPN phường nhận đỡ đầu cùng nhiều sự quan tâm, chia sẻ.
Đồng chí Phan Thị Na, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hiện nay, có 163 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp hội LHPN trong tỉnh nhận đỡ đầu. Các cấp hội LHPN thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ, chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn các em học tập, dạy kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân, tư vấn pháp luật, định hướng lựa chọn nghề nghiệp, khám chữa bệnh...”. Đây là nguồn động viên kịp thời giúp các em nỗ lực, vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 10-2021 với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi do dịch Covid-19; trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện.
Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện đối với từng cấp hội, đơn vị, các tỉnh trên cả nước. Đồng thời phối hợp với mạng lưới ủy viên ban chấp hành tổ chức các buổi lễ hưởng ứng chương trình. Chỉ đạo các cấp hội tổ chức các hoạt động truyền thông; ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí vận động; phân công quản lý, điều hành việc sử dụng quỹ bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai chương trình ở các cấp hội, đơn vị trực thuộc.
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: “Sau hơn hai năm triển khai, Chương trình đã được hầu hết hội LHPN tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã thực sự trở thành điểm tựa đầy yêu thương của các con mồ côi trên khắp mọi miền đất nước”.
Nhiều tỉnh, thành, hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do dịch Covid-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác. Nhiều “mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Đặc biệt, qua kết nối của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đến nay, đã có 34 “mẹ đỡ đầu” tại châu Âu cam kết hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.
Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo
Theo đánh giá, điểm nhấn trong triển khai, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đó là các cấp hội LHPN đã chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao. Nhiều đơn vị đã khai thác thế mạnh của mạng xã hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện. Hoặc đưa nội dung thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một tiêu chí thi đua của các cấp hội. Một số cấp ủy phân công ban thường vụ huyện ủy, thành ủy nhận hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu con mồ côi; kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức chăm sóc sức khỏe, đào tạo dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp...
Nhiều tỉnh, thành phố đã phát huy được vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, Việt kiều để kết nối hiệu quả “mẹ đỡ đầu” ở xa với “mẹ đỡ đầu” trực tiếp và trẻ mồ côi. Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để được hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ, miễn học phí, mua bảo hiểm y tế... giúp trẻ mồ côi nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn lực.
Tiêu biểu trong các hoạt động đó là năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Trại hè “Hoa hướng dương” dành cho trẻ mồ côi quy mô cấp toàn quốc. Hơn 100 cặp mẹ - con tiêu biểu từ 39 tỉnh, thành, hội tham dự trại hè. Nhiều nội dung có ý nghĩa cho các con mồ côi và các mẹ đỡ đầu được tổ chức thành công như: Vào Lăng viếng Bác Hồ; giao lưu với các cầu thủ bóng đá Viettel; tập huấn kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, gala tổng kết trại hè... Ở mỗi hoạt động, các em luôn có sự đồng hành của “mẹ đỡ đầu”; giúp các em có điểm tựa vững chắc vượt qua hoàn cảnh, phát triển toàn diện. Chương trình tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Các địa phương cũng đã khai thác thế mạnh với cách làm riêng, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Đồng chí Nguyễn Viết Dũng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho hay: “Hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, cấp ủy huyện Hương Sơn đã huy động các cán bộ gương mẫu đi đầu thực hiện. Đồng chí bí thư, phó bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiên phong nhận đỡ đầu 14 cháu mồ côi”.
Cấp ủy, chính quyền huyện còn đồng hành với Hội LHPN kêu gọi, kết nối doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê, trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em của huyện để triển khai chương trình hiệu quả. Đến nay 59 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu với số tiền cam kết hỗ trợ gần 800 triệu đồng; sức lan tỏa và hiệu ứng chương trình để lại dấu ấn thật sự mạnh mẽ.
Còn ở tỉnh Khánh Hòa, bắt đầu thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội LHPN chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, rà soát, nắm hoàn cảnh của 23 cháu mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 và hơn 1.900 cháu mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do nhiều nguyên nhân khác. Để vận động các nguồn lực hỗ trợ, các cấp hội LHPN đã gửi thư ngỏ đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; phát động Chương trình “Kết nối mẹ đỡ đầu” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage và YouTube của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, fanpage của hội LHPN cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở... Qua đó đã vận động nguồn lực, kết nối những tấm lòng nhân ái đến với trẻ mồ côi.
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Các cấp hội LHPN tỉnh còn kêu gọi các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân, Quỹ Khuyến học - Khuyến tài tỉnh, nhóm “Nắng Sài Gòn”... Đặc biệt Hội LHPN tỉnh ký kết với Công ty Cổ phần Y tế Nha Trang UNI CARE thực hiện Chương trình bảo trợ khám chữa bệnh miễn phí cho 1.100 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh trong 10 năm (trị giá hơn 20 tỷ đồng). Các cấp hội phối hợp với các trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, nhà thiếu nhi tại địa phương hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em khó khăn được tham gia miễn phí các lớp học võ, bơi, vẽ... qua đó giúp các em được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực”.
Với quyết tâm cao, sáng tạo cùng với phương châm “góp gió thành bão”, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã có gần 1.500 trẻ mồ côi được các tổ chức, “mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ kinh phí, học bổng thường xuyên, liên tục với tổng trị giá gần 30 tỷ đồng... Bằng tình thương yêu, trách nhiệm, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều trẻ em thiếu may mắn đã có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau hơn hai năm phát động, đến nay Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn có “mẹ đỡ đầu”.
PHẠM KIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.