Chương trình mới cần đổi mới đánh giá chất lượng, tránh bội thực dự giờ thăm lớp

Trong giai đoạn thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa thì việc sinh hoạt chuyên môn cũng cần xoáy vào việc tìm hiểu sâu về chương trình mới, đọc, nghiền ngẫm

Ngành giáo dục hiện đang thực hiện công cuộc đổi mới được kỳ vọng là lớn nhất từ trước đến nay. Để góp phần đạt được mục tiêu to lớn ấy thì vai trò của nhà trường vô cùng quan trọng.

Một tiết dạy dự giờ VNEN (Báo Quảng Ngãi)

Một tiết dạy dự giờ VNEN (Báo Quảng Ngãi)

Tuy nhiên, không ít trường học hiện nay vẫn chưa thật sự chuyển mình, cách làm việc, cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học vẫn đang trung thành với kiểu xưa cũ, thể hiện rõ nhất là việc dự giờ thăm lớp giáo viên.

Bội thực với dự giờ

Không ít cán bộ quản lý trường học hiện nay vẫn thường mặc định, đánh giá một giáo viên phải thông qua dự giờ, để nâng cao chất lượng dạy và học cũng cần phải dự giờ...

Vì thế, một năm, giáo viên nhiều trường tiểu học phải dạy và dự giờ không hề ít. Hoạt động này, không chỉ tạo áp lực cho giáo viên mà cũng không mang lại lợi ích thiết thực như nâng cao chất lượng giảng dạy như nhiều người vẫn nghĩ.

Có thể kể đến dự giờ đột xuất, dự giờ giáo viên chuyển đến, dự giờ giáo viên chuyển khối, dự giờ chuyên môn tổ, dự giờ thao giảng trường, dự giờ thao giảng cụm, dự giờ thao giảng thị xã, hội giảng cấp trường chào mừng các ngày lễ…và chưa kể dự giờ thanh tra khi trường có kiểm tra.

Để chuẩn bị cho những tiết dạy dự giờ giáo viên phải bỏ ra rất nhiều thời gian chuẩn bị cho mình, cho học sinh. Nào là chuẩn bị đồ dùng dạy học, chuẩn bị trò chơi cho tiết dạy sinh động, rồi phải gà bài, mớm bài, dạy đi dạy lại không ít lần.

Vì thế tiết dạy nào cũng hoàn hảo, học sinh lớp nào học cũng tốt, cũng giỏi nên rất khó học tập cũng như đánh giá những khó khăn học sinh đang mắc phải để có biện pháp giúp đỡ.

Dự giờ thăm lớp nhiều, có nâng cao chất lượng dạy và học?

Nâng cao chất lượng chuyên môn đâu mỗi chỉ mỗi dự giờ?

Nếu dự một giờ học tự nhiên thì thông qua tiết dạy đó, giáo viên mới biết được những khó khăn học sinh đang gặp phải do chương trình quá nặng hay do giáo viên triển khai phương pháp dạy học chưa hợp lý?

Từ đó, các thầy cô giáo mới rút ra kinh nghiệm điều chỉnh kiến thức và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Thế nhưng trước một tiết dạy cái gì cũng hoàn hảo thì những lời góp ý sẽ trở nên dư thừa và vô ích.

Không chỉ thế, để đánh giá một phương pháp dạy học mới, một mô hình giáo dục mới mà chỉ căn cứ vào những tiết dự giờ như vậy sẽ làm cho những nhận xét không sát với thực tế.

Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao mô hình dạy học, hay những tiết dạy thực nghiệm chuyên đề, thực nghiệm sách giáo khoa trong thời gian thử nghiệm luôn được đánh giá tốt nhưng khi đưa vào dạy thực tế thường vấp phải những phản ứng trái chiều.

Có nhiều biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn

Một số cán bộ quản lý thường mặc định sinh hoạt chuyên môn là phải dự giờ để trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau. Bởi thế, giáo viên trong trường có bao nhiều đều phải lên tiết dự giờ cho toàn trường dự bấy nhiêu.

Thực hiện chương trình mới giáo viên dạy dự giờ sẽ không bị bắt bẻ?

Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn thường dự 2 tiết dạy, rồi góp ý, nhận xét cũng quá trưa chưa xong nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai học hỏi được gì nhiều. Bởi, ai cũng hiểu ở lớp mà dạy y chang những tiết dạy dự giờ thì nhiều học sinh sẽ không thể theo kịp.

Để nâng cao chất lượng dạy và học đâu chỉ mỗi dự giờ? Việc giáo viên ngồi lại với nhau trao đổi những kinh nghiệm, đưa ra những biện pháp bản thân đã và đang sử dụng hiệu quả sẽ bổ ích hơn nhiều.

Đó là biện pháp nào để giúp học sinh học yếu theo kịp chương trình? Biện pháp nào bồi dưỡng học sinh khá, giỏi đạt hiệu quả? Làm cách nào để học sinh hứng thú với học tập? Hay, cách nào để giáo dục học sinh cá biệt? Làm thế nào để học sinh ngoan hơn?...

Ngoài ra, cả tổ sẽ cùng nhau nghiên cứu một số bài học của các môn học trong tuần cùng đưa ra phương pháp dạy, hình thức tổ chức lớp học sao cho sinh động, cách vào bài gây hứng thú cho học sinh, cách tổ chức trò chơi học tập sinh động…

Những khó khăn vướng mắc trong khi dạy ở lớp, giáo viên có thể chia sẻ ra trong buổi sinh hoạt chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ…

Những điều này sẽ thiết thực hiệu quả hơn rất nhiều việc chỉ tập trung vào tiết dự giờ và cố tìm ra những lỗi sai của đồng nghiệp để còn góp ý.

Và, ngay trong giai đoạn thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa thì việc sinh hoạt chuyên môn cũng cần xoáy vào việc tìm hiểu sâu về chương trình mới, đọc, nghiền ngẫm những bài học trong sách để tự điều chỉnh, thay thế khi chưa thật hợp lý vẫn hiệu quả hơn ngàn vạn lần kiểu sinh hoạt chuyên môn nặng dự giờ như hiện nay.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-can-doi-moi-danh-gia-chat-luong-tranh-boi-thuc-du-gio-tham-lop-post213533.gd