Chương trình mới lớp 1: Ép học nhanh tiếng Việt lớp 1, chương trình mới có nặng như đồn thổi?

Chương trình mới lớp 1 đã triển khai được 4 tuần, hiện đang có 2 luồng ý kiến tranh cãi khá gay gắt. Giáo viên và phụ huynh nói rằng chương trình lớp 1 mới quá nặng khiến học sinh áp lực, mệt mỏi nhưng vẫn không thể theo kịp yêu cầu.

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng, chương trình mới lớp 1 khá nặng với các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng, chương trình mới lớp 1 khá nặng với các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Báo TG&VN trích đăng góc nhìn cá nhân của một giáo viên về vấn đề này. Bài viết không thể hiện quan điểm của Tòa soạn.

Có ý kiến cho rằng, chương trình mới lớp 1 nặng có chăng do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học. Vậy ép học sinh lớp 1 học nhanh thì chương trình nặng hay nhẹ?

Mục tiêu của môn Tiếng Việt dù với chương trình cũ hay mới thì học sinh học hết lớp 1, các em sẽ phải đọc thông viết thạo.

Để đạt được mục tiêu, sách giáo khoa lớp 1 trước đây, chương trình môn Tiếng Việt có 10 tiết/tuần, 19 tuần là học sinh đọc xong phần âm, 24 tuần thì học xong phần vần, tuần 25 mới luyện đọc văn bản khoảng 4-5 câu hoặc khổ thơ ngắn.

Nghĩa là, 250 tiết thì học sinh mới biết đọc và giáo viên mới bắt đầu rèn cho các em viết chữ nhỏ, chữ hoa và cũng chỉ dừng lại ở việc viết tập chép (nhìn mẫu chép lại). Để trẻ làm quen với việc nghe-hiểu và viết thì thầy cô giáo cũng chỉ cho các em luyện viết những câu ngắn.

Vậy mà kết thúc chương trình lớp 1 vào tuần 35, các em đã đạt chuẩn căn bản là đọc thông và viết thạo. Tuy nhiên, chương trình mới hiện nay chỉ mới tuần 4, học sinh đã phải đọc 2 âm T và Th, đọc hiểu đoạn văn bản 4 câu “Thỏ và gà” và phải trả lời câu hỏi “Thỏ đi bẻ gì?”. Tuần 12, học sinh đã phải học 3 vần ươm, iêm, yêm và đọc hiểu một đoạn văn bản khá dài để trả lời câu hỏi với 3 đáp án.

Sang giữa học kỳ I, học sinh đã học gần hết âm, vần, gần hết học kỳ I, các em đã phải biết đọc lưu loát một đoạn văn dài, biết viết và phải nghe viết một bài chính tả (yêu cầu này với chương trình cũ phải đến cuối học kỳ II).

Đầu học kỳ II, học sinh lớp 1 đã phải đọc một bài tập đọc dài của lớp 2 chương trình hiện hành đưa vào chương trình mới. Bị ép phần đọc, phần viết cũng yêu cầu dạy rất nhanh. Nếu như chương trình cũ, tuần 25 học sinh mới viết chữ nhỏ, viết chữ hoa thì có bộ sách tuần 16 các em đã phải viết chữ nhỏ, chữ hoa.

Để học sinh đạt được những yêu cầu cuối học kỳ I đã biết đọc, biết viết đương nhiên giáo viên phải tích cực dạy dỗ và học sinh cũng phải cật lực, miệt mài học tập.

Một tiết học mà học sinh buộc phải thuộc 4 âm vần với vô số những từ mở rộng và kèm theo đoạn văn, đoạn thơ. Đọc và luyện viết để ghi nhớ ngay trong tiết học vì nếu để đến mai thì những âm vần mới, đoạn văn, đoạn thơ mới lại chất chồng, và mỗi ngày âm vần cũ chưa thuộc lại được bổ sung biết bao âm vần mới.

Lúc này, chắc chắn trẻ sẽ “lạc” vào rừng chữ mà không biết nên bắt đầu lại từ đâu. Học nhanh và học nhiều, viết nhiều như thế, nếu so với chương trình cũ đương nhiên là nặng hơn rồi.

Thế nhưng, có chuyên gia lại cho rằng, chương trình nặng do giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường và giáo viên đang kéo giãn chương trình học lớp 1 để khắc phục việc ép học sinh học quá nhanh của chương trình mới. Chương trình hiện nay là 12 tiết/tuần, tức thời lượng của môn Tiếng Việt đã tăng lên 20% so với chương trình hiện hành.

Trong thực tế, những trường học đang dạy 5 buổi/ngày, 10 buổi/tuần đã tăng thời lượng môn Tiếng Việt từ 10 đến 12 tiết/tuần. Nghĩa là, thời lượng học môn Tiếng Việt đã tăng gấp đôi (quy định chương trình mới là 12 tiết/tuần nhưng các trường vẫn đang dạy 23 tiết/tuần).

Việc kéo giãn chương trình của các trường tránh cho việc học của học sinh trong một tiết học không bị áp lực. Tuy thế, tránh áp lực này lại tạo ra áp lực khác. Đó là việc suốt ngày tới trường, học sinh phải cắm đầu vào việc học môn Tiếng Việt quả là không dễ chịu chút nào.

Thời lượng học Tiếng Việt tăng gấp đôi, tối đến, nhiều em còn phải học thêm ở nhà cô hoặc cha mẹ phải trở thành giáo viên cho đến tận 22 giờ. Việc học đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh là vì thế.

Đã có những em dù mới đi học được vài ngày đã về mếu máo, từ chối việc đến trường: "Con không muốn đi học đâu, con chỉ muốn ở nhà thôi, đi học mệt lắm". Đã có những phụ huynh dùng đến roi vọt và những lời lẽ hăm dọa buộc con phải đến lớp. Thế là, mỗi ngày đến trường của các em trở thành một cực hình chứ không còn "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" nữa.

Thật buồn khi tôi nghe một phụ huynh có con học lớp 1 tại tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Cải cách giáo dục, giảm tải chương trình kiểu gì khi mà con tôi phải học sáng học chiều, học thêm học bớt thì còn đâu là tuổi thơ? Cái lớp 1 mục tiêu là biết đọc biết viết mà các ông nhét vào cặp chúng tới trên dưới 20 quyển sách các loại.

Sáng học, chiều học, có lẽ khoảng thời gian con được chơi duy nhất là 2 tiếng đồng hồ tôi nấu cơm tối. Tôi giục con ăn nhanh, tắm nhanh để còn viết bài, đọc chữ. Khi mà bài chưa hoàn thành thì đồng hồ đã chỉ 22 giờ. Con mệt mỏi, bố cũng áp lực rồi giục con đi ngủ cho đủ giấc kịp 6 giờ sáng hôm sau dậy chuẩn bị cắp sách tới trường.

Chương trình mới lớp 1: Ép học nhanh Tiếng Việt gây áp lực cho trẻ? (Ảnh: Yến Nguyệt)

Chương trình mới lớp 1: Ép học nhanh Tiếng Việt gây áp lực cho trẻ? (Ảnh: Yến Nguyệt)

Giảm tải hay áp lực khi mà mỗi ngày bọn trẻ phải học 2 chữ cái đồng thời ghép thành chục tiếng khác nhau với đủ thanh sắc. Chưa kịp nhớ chữ hôm nay, ngày mai đã phải nhồi thêm chữ khác, tiếng khác. Chúng phải đọc thuộc những câu văn, đoạn thơ ngắn khô khan, gượng ép do phải dùng những tiếng đã học tạo nên, nghe con trẻ đọc vanh vách tưởng giỏi thế nhưng hỡi ơi là đọc cho thuộc chứ đã nhớ đâu, 3 ngày sau cho đọc lại 9/10 đứa im thin thít. Tối tối con với bố như trở mặt thành thù mỗi khi ngồi vào bàn học.

Nhớ ngày xưa ấy, sáng đi học, chiều chăn trâu, sách có Toán, Tiếng Việt. Mẫu giáo không biết trước chữ. Ấy vậy mà lớp 1 xong ai cũng biết đọc biết viết, cũng học hết phổ thông, cũng học đại học”.

Nghe tâm sự và hằng ngày tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp lớp 1, tôi thấy thương cho các cô. Nhiều buổi ra chơi, giờ ra về cũng phải ngồi nán lại để kèm học trò vì nhiều em học đến hết tiết học nhưng vẫn không thể đọc lại những câu vừa học.

Một đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng, những học sinh đi học trước thì tiếp thu bài tốt nhưng "nhóm học sinh chưa biết gì" lại vô cùng đuối do kiến thức của một bài quá nặng. Nếu so với sách Tiếng Việt 1 năm 2000 thì sách giáo khoa chương trình phổ thông mới có tốc độ dạy học chữ rất nhanh. Một bài học gồm nhận biết mặt chữ cái, ráp âm, đọc vần, đọc tiếng, học thuộc chữ, viết chữ, phân biệt chữ hoa, chữ thường và đọc hiểu đoạn văn cuối bài...

Thời lượng mỗi tiết học chỉ có 30-35 phút không đủ để các em vừa đọc vừa viết. Nếu em nào cũng được đọc thì chỉ đọc thôi cũng chưa đủ giờ. Vậy mà nhiều kiến thức lại được tích hợp trong cùng một bài dạy, cô cũng đuối nói gì đến học trò.

Do vậy, những phản ứng của giáo viên, của phụ huynh về chương trình mới là hoàn toàn có căn cứ. Chúng tôi nghĩ, các nhà biên soạn chương trình, biên soạn sách giáo khoa cần ngồi lại suy ngẫm để rút kinh nghiệm cho những bộ sách lớp 2, lớp 6 trong năm học tới để bớt đi những gánh nặng, áp lực như thế này. Chứ không phải cứ đổ hết cho giáo viên là không biết dạy, không biết đổi mới phương pháp, là nhà trường không biết chỉ đạo chuyên môn, phụ huynh không biết gì “cứ nhắm mắt là kêu” để chối bỏ trách nhiệm của mình.

Cô giáo Phan Tuyết

(Trường Tiểu học Tân An I - Thị xã La Gi - Bình Thuận)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuong-trinh-moi-lop-1-ep-hoc-nhanh-tieng-viet-lop-1-chuong-trinh-moi-co-nang-nhu-don-thoi-125597.html