Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Mở hướng phát triển mới cho Ba Vì

Ba Vì là một trong những địa phương ở Hà Nội sở hữu nhiều sản vật nổi tiếng. Những sản phẩm đặc trưng, mang đậm dấu ấn địa phương như chè búp khô, sữa bò, thịt và giò đà điểu, gà đồi, mật ong, miến dong... từ lâu đã trở thành thế mạnh riêng của vùng.

Đặc biệt, các sản vật này ngày càng được nâng tầm khi được đưa vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển bền vững.

Giò đậu xanh Tám Lập - sản phẩm OCOP 3 sao của xã Phong Vân, huyện Ba Vì được giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng.

Giò đậu xanh Tám Lập - sản phẩm OCOP 3 sao của xã Phong Vân, huyện Ba Vì được giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng.

Khẳng định giá trị nhờ OCOP

Xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) là một trong số rất ít địa phương mà người dân có nghề chăn nuôi đà điểu. Anh Phan Ngọc Tú, một hộ chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa chia sẻ, nghề này phát triển mạnh nhờ vào sự hiện diện của Trạm Nghiên cứu chăn nuôi Đà điểu Ba Vì, thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi). Nhờ trạm nghiên cứu này, người dân dễ dàng tiếp cận con giống và kỹ thuật để phát triển chăn nuôi tại gia đình. Khi nghề chăn nuôi đà điểu khởi sắc, người dân Vân Hòa đã mở rộng thêm dịch vụ bán thịt, trứng và giò đà điểu ra thị trường. Hiện nay, dọc tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài qua địa phận Vân Hòa đã hình thành hàng chục cửa hàng chuyên bán và giới thiệu thịt, giò đà điểu, thu hút sự chú ý của du khách.

Gia đình anh Phan Ngọc Tú đã liên kết với khoảng 10 hộ nuôi đà điểu ở xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm. “Trung bình mỗi ngày tôi thịt 1 con đà điểu có trọng lượng từ 100kg - 150kg vừa để bán thịt, vừa để làm giò. Sản phẩm giò đà điểu mang nhãn hiệu Tú Hường của gia đình tôi đã tham gia đánh giá, phân hạng và được chứng nhận sản phẩm OCOP” - anh Tú chia sẻ.

Vùng nguyên liệu dong riềng ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Vùng nguyên liệu dong riềng ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Không chỉ có lợi thế chăn nuôi đà điểu, nhắc tới Ba Vì là nhắc tới nghề chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa bò thành các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, bánh sữa... Chị Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Chị Vàng (xã Tản Lĩnh) chia sẻ: “Tiềm năng chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, đặc biệt là tại các xã miền núi như Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh là rất lớn, nhưng việc tiêu thụ sữa bò lại gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tôi quyết tâm theo đuổi lĩnh vực chế biến sữa để phát triển bền vững hơn”.

Hiện nay, mỗi ngày Công ty cổ phần Sữa Chị Vàng thu mua từ 5 - 6 tấn sữa tươi của hơn 100 hộ dân trong xã Tản Lĩnh để chế biến hơn 20 loại sản phẩm. Đến nay, đã có 20 sản phẩm của Công ty tham gia đánh giá, phân hạng và được chứng nhận OCOP.

Tại xã Ba Vì, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao, người dân đã tận dụng kinh nghiệm trồng, thu hái và chế biến dược liệu để phát triển các sản phẩm OCOP. Lương y Lý Thị Bích Phượng và Lý Thị Bích Huệ đã khuyến khích cộng đồng người Dao cùng chung tay thành lập Hợp tác xã Thảo dược Dân tộc Dao Phượng Huệ. Hợp tác xã đã thành công trong việc phát triển và bào chế 4 loại trà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Trà thìa canh, trà cà gai leo, trà lá khôi, trà dây gắm... Tại xã Ba Trại, nơi diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây chè, người dân đã phát triển sản phẩm OCOP chè búp khô...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, Ba Vì có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ở 7 xã miền núi có đất đai rộng, khí hậu mát mẻ. Những năm qua, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm OCOP địa phương. Đến nay, huyện có gần 200 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm là đặc sản của Ba Vì, như mật ong hoa rừng, tinh bột nghệ nếp đỏ, bưởi Yên Bài, rượu mơ Tản Viên, các sản phẩm thịt - giò đà điểu, gà đồi, sữa bò, dê...

Làm giàu cho người dân

Chương trình OCOP đã hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, cho biết xã hiện có 2 sản phẩm OCOP là bưởi và chè. Đặc biệt, thôn Phú Yên của xã có 200 hộ dân, mỗi gia đình đều sở hữu một vườn bưởi. Nhiều hộ gia đình còn kết hợp xen canh, trồng bưởi trên, chè dưới, giúp thu nhập mỗi năm của mỗi hộ lên tới hàng trăm triệu đồng.

Anh Bùi Văn Lập, chủ vườn bưởi 7.000m² với 300 cây sai trĩu quả ở thôn Phú Yên, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng bưởi Tam Vân (chín sớm) và bưởi Diễn (chín muộn) theo quy trình VietGAP. Tôi tự ủ phân bón từ phân chuồng hoai mục, ngâm các loại đỗ tương, ngô, cá... để bổ sung đạm hữu cơ cho cây. Vì trồng nhiều giống bưởi nên từ tháng Tám âm lịch, gia đình đã bắt đầu thu hoạch bưởi bán dần cho đến Tết Nguyên đán, tránh tình trạng dồn ép vào cuối năm. Quá trình tiêu thụ không gặp áp lực như khi chỉ trồng một giống”.

Mới đây, Minh Quang là xã đầu tiên trong 7 xã vùng dân tộc miền núi của huyện Ba Vì được Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha, người dân trong xã phát triển nhiều nghề, trong đó có nghề trồng dong riềng và làm miến. Đây là mô hình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị kinh tế, văn hóa và môi trường. Hiện nay, diện tích trồng dong riềng ở Minh Quang lên tới 180ha, thu hút 175/289 hộ ở thôn Minh Hồng tham gia. Sản phẩm miến dong Minh Hồng đã được thành phố và huyện Ba Vì công nhận OCOP năm 2020 và đánh giá lại năm 2023. Từ khi được chứng nhận, miến dong Minh Hồng được hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, bao bì đẹp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có kênh phân phối ổn định. Theo đánh giá của xã, thu nhập của các hộ trồng dong riềng và làm miến cao hơn 15 - 20 lần so với trồng lúa.

Ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định, Chương trình OCOP không chỉ tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng, mà còn góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. OCOP giúp thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới, từ đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất, định hướng người dân tham gia vào nền kinh tế thị trường, mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm truyền thống địa phương, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Ông Trần Quang Khuyên đề nghị các chủ thể có sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP tiếp tục đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đẩy mạnh quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Ba Vì vẫn còn rất nhiều sản phẩm nông sản và đặc sản gắn liền với các làng quê, đó là tiềm năng lớn để phát triển chương trình OCOP. Trong thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết và phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm OCOP. Huyện cũng sẽ chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, phấn đấu đưa sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường xuất khẩu.

Mai Nguyễn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-ocop-mo-huong-phat-trien-moi-cho-ba-vi-687685.html