Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm': Sức bật cho nông thôn mới

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh ý nghĩa và cách làm của TP nhằm đạt mục tiêu của Chương trình OCOP.

Chế tạo sản phẩm đồ gỗ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Trọng Tùng

Chế tạo sản phẩm đồ gỗ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Trọng Tùng

Hà Nội có lợi thế ở 2/6 nhóm sản phẩm OCOP

Theo kế hoạch của Chương trình OCOP vừa được ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ có 1.000 sản phẩm được đánh giá, trong đó, có 500 sản phẩm được xếp loại cấp TP và 100 sản phẩm cấp Quốc gia. Mục tiêu này liệu có quá cao không, thưa ông?

- Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ xác định 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gồm: Thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống (có cồn và không cồn); thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi); lưu niệm – nội thất – trang trí (các sản phẩm từ mây, tre, gốm sứ, gỗ, kim loại…).

Nhìn vào danh mục những nhóm sản phẩm trên, chúng ta có thể thấy Hà Nội đang có lợi thế lớn ở 2 nhóm sản phẩm là: Thực phẩm và lưu niệm – nội thất – trang trí. Sở dĩ nói vậy là bởi hiện nay, trên địa bàn TP có tới 1.350 làng có nghề và 308 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh đó là khoảng 5.000 mặt hàng nông sản, thực phẩm đã được cấp mã QR code truy xuất nguồn gốc. Với tiềm năng về sản phẩm rất lớn như vậy, mục tiêu có ít nhất 1.000 sản phẩm được đánh giá là hoàn toàn khả thi.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Hà Nội cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là tập trung xây dựng các làng nghề hiện có ở các địa phương thành những làng văn hóa – du lịch, phấn đấu thành các làng đạt 5 “sao” trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Điều này đồng nghĩa, trước mắt, Hà Nội sẽ phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở các sản phẩm hiện có, thay vì đi sâu phát triển ý tưởng sản phẩm mới?

- Đúng vậy, trước mắt, TP sẽ tập trung nâng tầm cho các sản phẩm hiện có, tập trung vào 2 nhóm chính vừa được đề cập ở trên. Mục tiêu trong năm 2019 của Hà Nội là sẽ có 300 sản phẩm được đánh giá; năm 2020, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn có được, sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất cho 700 sản phẩm khác. Từ sau năm 2020, Hà Nội mới bắt đầu phát triển các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở cải tiến sáng tạo, nâng cấp những mặt hàng hiện có.

Việc phát triển các sản phẩm hiện có là cách làm đang được nhiều tỉnh, TP trên cả nước thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của từng địa phương. Điều này cũng phù hợp với trình độ sản xuất hiện nay của đại bộ phận lao động nông thôn, qua đó, mang lại lợi ích thiết thực và cao nhất cho người dân trên cơ sở phương thức sản xuất truyền thống.

Những bước đi cụ thể

Trên cơ sở kế hoạch đã được TP ban hành, với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có những bước đi cụ thể nào để hiện thực hóa mục tiêu Chương trình OCOP?

- Phải nói rằng, TP đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Cùng với kế hoạch, TP cũng đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP TP Hà Nội đến năm 2020. Đồng thời, phê duyệt nguồn ngân sách trị giá 265 tỷ đồng để thực hiện Chương trình trong hai năm 2019 – 2020. Sự quan tâm của TP là một yếu tố hết sức thuận lợi để các sở ngành triển khai thực hiện kế hoạch.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã rà soát, đánh giá, phân loại 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong đó, tập trung chủ yếu vào 2 nhóm sản phẩm Hà Nội đang có lợi thế (đã được đề cập phía trên). Chỉ đạo các địa phương rà soát, có đánh giá ban đầu đối với các sản phẩm theo các tiêu chí được nêu tại Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, quan tâm, đầu tư để nâng chất cho các sản phẩm theo hướng: Chưa đạt “sao” thì phấn đấu đạt được “sao”; đã đạt “sao” rồi thì đạt nhiều “sao” hơn. Đối với 100 sản phẩm phấn đấu đạt sản phẩm OCOP cấp Quốc gia, TP sẽ hỗ trợ nâng tầm, hướng tới đáp ứng mục tiêu xuất khẩu và thúc đẩy phát triển du lịch trong nước.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tổ chức một số đoàn công tác đi trao đổi, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, TP đã triển khai Chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn triển khai của Hà Nội. Đồng thời, chỉ đạo nâng cấp phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản và thủy sản của TP (hn.check.net.vn); và trang thông tin www.nongthonmoihanoi.gov.vn phục vụ công tác quản lý Nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP.

Hà Nội là một trong 12 tỉnh, TP của cả nước được T.Ư lựa chọn làm điểm thực hiện Chương trình OCOP. Làm thế nào để Hà Nội có thể tạo nên “sự khác biệt” đối với mục tiêu, nhiệm vụ mà T.Ư giao?

- Trên cơ sở chỉ đạo của T.Ư, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND TP một số giải pháp, cách làm cụ thể. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức những tuyến phố đi bộ. Ở đó, sẽ tiến hành trưng bày, triển lãm và bày bán các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước.

Thứ nữa, Hà Nội đang nghiên cứu phát triển 3 điểm du lịch làng nghề gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Việt Nam đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Một ý tưởng lớn khác cũng đang được đề xuất là Hà Nội sẽ thành lập “Trung trâm Thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch sinh thái của Việt Nam”.

Trung tâm sẽ có chức năng hỗ trợ, nâng tầm cho các sản phẩm OCOP của cả nước thông qua việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Là điểm dừng chân cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô có thể tiếp cận với những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng tốt nhất của Việt Nam. Chức năng lưu trú cũng sẽ được tính đến khi xây dựng Trung tâm này nhằm tạo thuận lợi cho du khách trong việc nghỉ ngơi kết hợp mua sắm.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của TP, những định hướng cụ thể về cách làm nêu trên, chúng tôi tin tưởng Chương trình OCOP của Hà Nội sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Qua đó, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” và tạo sức bật mới cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình OCOP sẽ tạo ra một hệ thống đánh giá cao nhất cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền trên cả nước, thay vì phải theo đuổi một loạt những tiêu chí chất lượng lẻ tẻ như hiện nay. Điều này sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất cũ, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao, bền vững và từng bước hội nhập.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí

Trọng Tùng thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-suc-bat-cho-nong-thon-moi-353705.html