Chương trình mục tiêu quốc gia: Chủ động xây dựng kế hoạch với sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có thể triển khai ngay khi được Quốc hội phê duyệt về vốn và Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: Chủ động xây dựng kế hoạch với sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Chương trình MTQG) đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định sơ bộ; Ủy ban Dân tộc (UBDT) đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện báo cáo giải trình, nghiên cứu khả thi về Chương trình.

Hiện các cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến kế hoạch vốn của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch 2021; thành lập Văn phòng Điều phối chương trình để tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo và lãnh đạo cơ quan Thường trực (UBDT) triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG họp bàn, báo cáo về tiến độ thực hiện chương trình

Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG họp bàn, báo cáo về tiến độ thực hiện chương trình

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về Đề án tổng thể và Chương trình MTQG ngay khi được Quốc hội phê duyệt về vốn và Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo hoàn thiện cơ bản hệ thống chính sách dân tộc.

Theo đó, đã ban hành mới Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ, 1 Nghị định, 3 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng số vốn bố trí giai đoạn 2021 - 2025 hơn 134.000 tỷ đồng và 41 chương trình, chính sách mang tính chiến lược, có ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động đến sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi. Trong đó có 15 chính sách trực tiếp và 26 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, giáo dục đào tạo, văn hóa - xã hội...

Theo báo cáo của UBDT - cơ quan quản lý Chương trình - về cơ bản các nhiệm vụ đều đang các bộ, ngành triển khai bảo đảm tiến độ. Văn phòng điều phối Chương trình MTQG, các vụ, đơn vị thuộc UBDT cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Để Chương trình MTQG có thể thực hiện từ năm 2021 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải: “Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện rất nhuần nhuyễn, ăn khớp, chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các nội dung, cơ chế, chính sách, nguồn lực để có thể triển khai thực hiện ngay khi được Quốc hội phê duyệt về vốn và Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư”. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức triển khai thực hiện, có tiến độ cụ thể.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực cho Chương trình MTQG, tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có thư gửi UBDT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bên liên quan thông báo chính thức về việc Ban Thư ký Quỹ Hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) đã chấp thuận Thư đề xuất kỹ thuật của UBDT và sẽ dành cho Chính phủ Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại 25 triệu đô-la Mỹ. Theo đó, UBDT chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan, các địa phương trình triển khai việc đề xuất với Chính phủ phương án huy động và sử dụng khoản vay theo quy định.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-chu-dong-xay-dung-ke-hoach-voi-su-chuan-bi-ky-luong-154832.html