Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng: Kết nối các miền di sản
Tối nay, 21/4 (tức 2/3 âm lịch), chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023 mang chủ đề 'Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương' sẽ diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ).
Được dàn dựng công phu theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, chương trình là khúc tráng ca góp phần làm nổi bật vẻ đẹp, giá trị, sức sống của di sản văn hóa Đất Tổ nói riêng và những miền di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo nội dung; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện; Thạc sĩ, Nhà biên kịch Lê Thế Song viết kịch bản và tổng đạo diễn.
Trong thời lượng khoảng 90 phút, chương trình đưa người xem đến với không gian nghệ thuật được kết cấu theo ba phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; Tinh hoa di sản; Khát vọng Lạc Hồng. Ở đó, các hình thức di sản văn hóa được lựa chọn làm ngôn ngữ chủ đạo.
Bên cạnh phần hợp diễn với các ca khúc, điệu múa đặc sắc ca ngợi văn hóa Đất Tổ Hùng Vương, ca ngợi Tổ quốc và những miền di sản Việt Nam như: Phong Châu mở hội, Linh thiêng một cõi Tiên Rồng, Ánh trăng Bản Giốc, Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Ngồi tựa mạn thuyền, Ví ghẹo, Mời trầu…, khán giả còn được thưởng thức nét đẹp trong thực hành di sản do các nghệ nhân dân gian trình diễn.
Thạc sĩ, Nhà biên kịch Lê Thế Song chia sẻ, nhắc đến vùng Đất Tổ Phú Thọ, không thể không nhắc đến hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan. Vì thế, chương trình khai mạc muốn làm nổi bật vẻ đẹp của hai di sản này, đặc biệt với màn trình diễn ấn tượng của 100 nghệ nhân và 200 em học sinh tiểu học ở bốn phường Xoan Phú Thọ. Qua đó, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về sức sống cũng như ý nghĩa của sự gìn giữ, trao truyền di sản qua các thế hệ.
Bên cạnh đó, để khẳng định sự giàu có, đa dạng của di sản đất nước cũng như thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của những vùng di sản, chương trình cũng mang đến nhiều màn trình diễn đặc sắc về các loại hình di sản văn hóa nổi tiếng như: hát then, ca trù, xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, ví, dặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, bài chòi, đờn ca tài tử Nam Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…
Hệ thống những di sản này đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng có cũng như niềm tự hào mang tên Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Dịu Hương, Nghệ nhân Văn Tuấn, Khánh Hồng, các ca sĩ: Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên… Cùng với đó là sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, nghệ nhân dân gian của các đơn vị tham gia trình diễn trên sân khấu các di sản đến từ: Phú Thọ (hát xoan), Yên Bái (xòe Thái), Hà Tĩnh (ví dặm), Thừa Thiên Huế (nhã nhạc cung đình), Quảng Nam (nghệ thuật bài chòi), Bà Rịa-Vũng Tàu (đờn ca tài tử) Đắk Lắk (cồng chiêng Tây Nguyên)…