Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ

Ngày 5-12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức Hội nghị 'Kết nối tiêu thụ sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)'.

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

 Cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Thực hiện các quyết định của Thủ tướng về chương trình OCOP, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Trao đổi tại hội nghị, các ý kiến nhấn mạnh, Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Nhiều biên bản thỏa thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được ký kết tại hội nghị.

Nhiều biên bản thỏa thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được ký kết tại hội nghị.

Với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa-du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Hội nghị tập trung thảo luận giải pháp gia tăng tiêu thụ và đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP; gắn kết phát triển du lịch với tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tin, ảnh: LÊ THANH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chuong-trinh-ocop-da-tao-phong-trao-khoi-nghiep-manh-me-754235