Chương trình OCOP gia tăng giá trị tài nguyên bản địa
Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần đưa kinh tế khu vực nông thôn tỉnh nhà sang trang mới. Phát huy kết quả đạt được, Đồng Tháp tích cực triển khai chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' - OCOP tạo nên'điểm nhấn' trên hành trình xây dựng NTM khi gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, nâng cao thu nhập cho người dân.
CHƯƠNG TRÌNH OCOP - “VỰC DẬY” KHU VỰC KINH TẾ NÔNG THÔN
Theo ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, năm 1979, Nhật Bản thực hiện thành công phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) và lan tỏa ra hơn 40 nước trên thế giới, đưa kinh tế khu vực nông thôn phát triển vượt bậc. Điểm nhấn của chương trình này là chú trọng phát triển khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, sử dụng các nguồn lực tại chỗ. Thái Lan là đất nước thực hiện thành công theo tinh thần mô hình trên với tên gọi chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm”.
Học tập kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế trong phát triển khu vực nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP. Định hướng chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Trong “chiến lược” mới này, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tín dụng...
Soi rọi từ những kinh nghiệm thành công của các nước và các tỉnh, thành đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP bước đầu thành công, ông Ngô Tất Thắng cho rằng, Đồng Tháp sở hữu nguồn tài nguyên bản địa phong phú, cộng với tinh thần năng động chính quyền địa phương và sự sáng tạo của người dân, việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ có nhiều thuận lợi.
Với mong muốn tạo nên những giá trị mới cho khu vực nông thôn, Đồng Tháp ban hành kế hoạch thực hiện OCOP giai đoạn từ quý IV năm 2018 - 2020. Tỉnh phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có của tỉnh (tương ứng khoảng 31 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Trong đó, phấn đấu có 18 sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, lưu niệm nội thất trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn) đạt 3 - 5 sao (sản phẩm đạt từ 70 - 100 điểm). Đồng thời phấn đấu phát triển mới khoảng 30 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP...
Ngoài công tác triển khai kế hoạch, hướng dẫn thực hiện chu trình Chương trình OCOP, tỉnh còn tiến hành kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP vào hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại... Cụ thể, tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở tham gia các Hội chợ Quốc tế OCOP năm 2019, Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre với các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh còn tổ chức Hội chợ triển lãm Nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đồng Tháp năm 2019 với chủ đề “Sản phẩm OCOP - Phát huy giá trị bản địa”. Chương trình này giúp các DN, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP của tỉnh giao lưu, liên kết hợp tác đầu tư, kinh doanh nhằm chắp cánh cho các tài nguyên bản địa của tỉnh vươn xa.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận định: “Dù là địa phương khởi động muộn hơn so với các tỉnh khác nhưng với kết quả đạt được từ chương trình khởi nghiệp, Hội quán, đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết thì Đồng Tháp đã có “bột”, tuy nhiên “gột được nên hồ” hay không là còn do thái độ thực hiện quyết định. Và, tôi tin tưởng Đồng Tháp sẽ thực hiện thành công Chương trình OCOP khi thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo các ngành, địa phương luôn tích cực hỗ trợ người nông dân tìm kiếm thị trường, kết nối với DN, nhà khoa học để tạo ra những giá trị mới”.
SẴN SÀNG VỚI OCOP
Nhận thấy tầm quan trọng của Chương trình OCOP, các địa phương trong tỉnh lựa chọn sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc trưng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi khi có 70 sản phẩm OCOP đầu tiên được chứng nhận, trong đó có 22 sản phẩm đạt 4 sao, 48 sản phẩm đạt 3 sao thuộc các nhóm sản phẩm thực phẩm tươi, chế biến; đồ uống, dược liệu và thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Là DN có 2 sản phẩm khô cá lóc và khô cá sặc rằn đạt 4 sao Chương trình OCOP, ông Đỗ Công Bình – Giám đốc công ty Cổ phần Tứ Quý (huyện Tam Nông) chia sẻ: “Dù mới tiếp cận thực hiện nhưng Chương trình OCOP đang mang lại ý nghĩa thiết thực cho DN vừa và nhỏ cùng bà con nông dân. Đặc biệt là hỗ trợ đưa đặc sản quê hương phát triển, vực dậy nền kinh tế nông thôn. Từ đó, giúp DN mạnh dạn hơn trong đầu tư sản phẩm để chinh phục thị trường”.
Đối với các sản phẩm đã có “chỗ đứng” trên thị trường thì Chương trình OCOP sẽ “chắp cánh” cho các DN đưa sản phẩm địa phương chinh phục thị trường xuất khẩu. Anh Đặng Quý Ngọc – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) cho hay: “Thông qua hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Lai Vung, tôi rất vui mừng khi công ty có 3 sản phẩm chế biến từ mãng cầu xiêm đạt tiêu chí tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Thế mạnh của các dòng sản phẩm này là mang tính đặc trưng của quê hương Lai Vung được nghiên cứu về khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng, không sử dụng chất bảo quản”.
Định hướng chiến lược của công ty là sẽ cho ra thêm các dòng sản phẩm mới từ mãng cầu xiêm, trong đó tập trung nâng cao hơn nữa giá trị dinh dưỡng. Riêng đối với phát triển thị trường, thông qua Chương trình OCOP cùng các chương trình khác, công ty sẽ tập trung phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...
Đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện Chương trình OCOP, các ngành hữu quan, địa phương sẵn sàng vào cuộc nhằm giúp nâng cao giá trị tài nguyên bản địa. Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, để chương trình phát huy đúng mục tiêu của Chương trình OCOP, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trước tiên, tuyên truyền, vận động trong đội ngũ đảng viên, công chức của huyện nắm và hiểu đúng chương trình. Sau đó sẽ tuyên truyền sâu rộng đến người dân thông qua các tổ tự quản, Hội quán...; đồng thời hỗ trợ phát triển một vài sản phẩm thế mạnh và tiếp tục nhân rộng sau khi đạt kết quả.
Nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đề nghị các ngành, địa phương lồng ghép OCOP vào các chương trình trọng tâm của tỉnh để tạo ra sức mạnh giúp chương trình đạt kết quả tốt, mong muốn cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, các địa phương rà soát lại các sản phẩm thế mạnh, chuẩn hóa sản phẩm OCOP không chỉ về số lượng mà còn ở chất lượng.
Chia sẻ hướng đi đối với Chương trình OCOP, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho biết, chương trình OCOP không chỉ tạo ra giá trị gia tăng từ tài nguyên bản địa sản phẩm OCOP còn chứa đựng giá trị văn hóa, sự tự hào của người dân địa phương. Vì vậy, khi hiểu được những giá trị từ chương trình mang lại thì lãnh đạo các ngành, địa phương sẽ thực hiện bằng tâm thế say sưa, đam mê, nhiệt tình. Các ngành hữu quan, hội, đoàn thể các địa phương cần “trở về làng” kích hoạt người nông dân thay đổi tư duy, gắn kết, xây dựng niềm tin, dẫn dắt người dân tạo ra những giá trị mới... Bí thư cũng cho rằng, cần đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết và chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.