Chương trình OCOP là chương trình 'mở'
Sáng ngày 8-8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (gọi tắt là Chương trình OCOP).
Điểm cầu tỉnh tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh với sự tham dự của các đồng chí: Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Thạch Thal - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh phù hợp với các tiêu chí OCOP…
Tại hội nghị, các địa biểu được nghe đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương triển khai Chương trình OCOP quốc gia; PGS. TS Võ Thành Danh - Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu tóm tắt Đề án OCOP Sóc Trăng; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND, ngày 10-7-2019 ban hành Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 10-7-2019 ban hành Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Chương trình OCOP là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, việc triển khai thực hiện chương trình phải bảo đảm phù hợp và thích ứng các yếu tố, quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm các nguyên tắc “Sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; tự lực, tự tin và sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể thực hiện là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Chuyện nhấn mạnh: “Cần nhận thức rõ Chương trình OCOP là chương trình “mở”, luôn tạo ý tưởng cho những sáng tạo, khởi nghiệp nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở các địa phương. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành, các địa phương cần tổ chức quán triệt sâu rộng, tổ chức tuyên truyền, tập huấn thật cụ thể, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp... nhằm đạt mục tiêu bao quát của đề án là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; đồng thời vẫn phải phát huy được giá trị truyền thống của địa phương và không sản xuất theo phong trào”.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chuong-trinh-ocop-la-chuong-trinh-mo-29335.html