Chương trình OCOP là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, đời sống người dân ở nông thôn sẽ cải thiện.

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện đồng loạt trên cả nước, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%, cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo báo cáo của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm, vượt 1,86 lần so với mục tiêu, cho thấy sức sáng tạo và tích cực của nhân dân trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Số sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh chiếm 98,3%.

Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải-may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; du lịch) không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.

Về nguồn lực triển khai, Chương trình huy động 22.845 tỷ đồng (kế hoạch dự kiến 45.000 tỷ đồng), trong đó các tổ chức OCOP huy động nguồn lực và vay tín dụng chiếm trên 93% (tăng 6,6% so với kế hoạch đề ra là 86,6%); ngân sách các cấp (cả nguồn lồng ghép) chiếm 7% (giảm 6,4% so với kế hoạch đề ra là 13,4%).

Công tác xúc tiến thương mại được các bộ, ngành, địa phương triển khai rất tích cực và hiệu quả.

Đáng chú ý là trong bối cảnh mới triển khai thời gian rất ngắn so với quốc tế, Việt Nam đã có đề xuất và thúc đẩy Sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế về phong trào OCOP/OVOP/OTOP trong phát triển ngành nghề nông thôn khối ASEAN và một số nước triển khai Phong trào Mỗi làng một sản phẩm OVOP được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Phó Thủ tướng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ thực hiện các đột phá chiến lược để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho sản xuất kinh doanh. Đây là điều kiện thuận lợi về thể chế, môi trường, hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Với mục tiêu đó, việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, đời sống người dân ở nông thôn sẽ cải thiện. Đây cũng là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm một gian hàng trưng bày sản phẩm.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.

Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Quá trình triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không được làm theo phong trào, thậm chí xảy ra tình trạng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.

Chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuong-trinh-ocop-la-hat-nhan-de-day-manh-cac-san-pham-co-chat-luong-cao-post124545.html