Chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chung sức khai thác những tiềm năng, lợi thế

Từ năm 2003, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã thực hiện chương trình phối hợp kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP, AN) nhằm khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế của lực lượng vũ trang và ngành NN-PTNT trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ, công tác phòng, chống thiên tai, tổ chức tăng gia sản xuất (TGSX)... Chương trình phối hợp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt và công tác phối hợp ngày càng được tăng cường.

Hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại hội nghị ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ NN-PTNT về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: Chương trình phối hợp giữa hai Bộ có rất nhiều cái “nhất”, đó là chuẩn bị kỹ nhất, nội dung phối hợp nhiều nhất, địa bàn phối hợp rộng nhất, nhiều cơ quan, đơn vị tham gia nhất...

Minh chứng cho nhận định này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, thời gian qua, lực lượng BĐBP đã ký quy chế phối hợp riêng với Bộ NN-PTNT trên nhiều lĩnh vực. Chỉ trong lĩnh vực quản lý hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hai bên đã thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động của các loại phương tiện khai thác, nuôi trồng hải sản và ngư dân Việt Nam trên các vùng biển; số lượng tàu cá ra, vào các cửa sông, cửa lạch, cảng cá, bến cá có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng BĐBP và lực lượng kiểm ngư, thanh tra thủy sản.

Hai bên cũng thường xuyên cung cấp thông tin liên quân đến công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện nghề cá, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho các ngư dân hoạt động, đánh bắt thủy sản trên biển, nhất là vào mùa mưa bão... Ngoài ra, hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên về tình hình liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phối hợp tổ chức ứng cứu khi xảy ra cháy rừng trên vùng biên giới; thông tin về tình hình các dự án lâm nghiệp liên quan đến QP-AN trong khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý nhà nước của hai bên...

Tổ chức tăng gia sản xuất của Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) ngày càng hiệu quả.

Tổ chức tăng gia sản xuất của Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) ngày càng hiệu quả.

Theo Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của ngành NN-PTNT các địa phương, phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Mới đây, Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do Quân chủng chỉ đạo Vùng 4 Hải quân thực hiện với mục tiêu trồng cây phủ xanh các đảo, củng cố vườn tăng gia, bảo đảm rau xanh cho bộ đội đã nhận được sự quan tâm rất lớn của chính quyền các địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành NN-PTNT. Từ sự quan tâm ấy, đến cuối năm 2022, Vùng 4 Hải quân đã nhận được hơn 100.000 cây xanh các loại kèm theo hàng chục nghìn tấn giá thể, đất màu, phân hữu cơ và các vật chất che chắn để trồng cây...

Là người gắn bó với chương trình phối hợp giữa hai Bộ suốt nhiều năm, đồng chí Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện chương trình phối hợp với các đơn vị Quân đội, chúng tôi rất yên tâm vì nhận được sự hợp tác hết sức trách nhiệm, chuyên nghiệp của các cơ quan, đơn vị. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, kỷ luật, các dự án, chương trình nhánh do hai bên phối hợp thực hiện luôn được triển khai nhanh chóng, bài bản, hiệu quả”.

Những kết quả có thể kể đến như: Từ năm 2003-2011, trong lĩnh vực TGSX, hai bên đã tổ chức tập huấn kỹ thuật và triển khai 135 mô hình trình diễn tại các đơn vị với nguồn kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2013, hai bên đã phối hợp xây dựng và triển khai thành công 4 dự án khuyến nông, trong đó, nổi bật là thực hiện thành công dự án sản xuất rau mầm trên đảo và triển khai 27 mô hình trình diễn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014-2023, hai bên phối hợp triển khai thành công 6 dự án khuyến nông, tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức mới với kinh phí do Bộ NN-PTNT hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng. Năm 2020, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan, đầu mối hỗ trợ các đơn vị đóng quân trên địa bàn Quân khu 4 và Quân khu 5 hàng trăm nghìn con gà giống, hơn 30 tấn thức ăn, hơn 100.000 liều vaccine cho gia súc, gia cầm, hơn 20.000 con vịt giống để khôi phục sản xuất...

Ngoài những nội dung trên, những năm qua, hai Bộ đã phối hợp ban hành nhiều văn bản, quy chế, chương trình phối hợp; tăng cường phối hợp trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ với nhiều dự án thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố QP, AN, tạo thuận lợi cho các địa phương phát triển KT-XH. Hai Bộ còn tăng cường phối hợp trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp; bảo vệ, phòng, chống buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và các công trình nước sạch nông thôn...

Công tác phối hợp trong bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Tiếp tục nâng tầm công tác phối hợp

Những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp giữa hai Bộ thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tiềm năng để hai bên tiếp tục khai thác còn rất nhiều; nếu các cơ quan, đơn vị của hai bên chủ động, tích cực, triển khai bài bản, kết quả đem lại còn khả quan hơn nữa.

Đưa ra giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc, sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo để các đơn vị hai bên làm căn cứ xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN trong thời gian tới. Đây là cơ sở quan trọng nhằm thực hiện chương trình phối hợp bài bản, bảo đảm cả tính trước mắt cũng như lâu dài.

Về phía Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lồng ghép nội dung chương trình phối hợp vào kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với khả năng và tình hình thực tế.

Cơ quan thường trực của hai Bộ cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, giúp lãnh đạo ban hành văn bản, quy chế, chương trình phối hợp trên tất cả các nội dung; phối hợp tham mưu để hai Bộ xây dựng kế hoạch tổng thể, làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hiệu quả.

Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, định kỳ hằng năm, hai bên cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề ra các biện pháp hoàn thiện kế hoạch năm sau, bổ sung chương trình thực hiện phù hợp với từng giai đoạn cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nội dung chương trình đã ký kết, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN trên các địa bàn trong tình hình mới.

Chương trình phối hợp giữa hai Bộ về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo vừa được ký kết có 9 nội dung chính, gồm: Ban hành các văn bản, quy chế, chương trình phối hợp; xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ; công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; tăng gia sản xuất và thực hiện công tác khuyến nông; bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng như cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển; phối hợp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và nước sạch nông thôn; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư, khu kinh tế quốc phòng, xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuong-trinh-phoi-hop-giua-bo-quoc-phong-voi-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-chung-suc-khai-thac-nhung-tiem-nang-loi-the-739226