Chương trình SGK mới ở Kon Tum: Điều chỉnh để phù hợp với HS dân tộc thiểu số
Để các em dễ dàng nắm bắt kiến thức theo sách giáo khoa mới, giáo viên tại vùng sâu, vùng xa tỉnh Kon Tum đã chủ động làm mô hình, chế tạo dụng cụ học tập.
Giờ học sôi nổi
Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: Nhà trường chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho tất cả môn học.
Theo cô Vân, đa số các em là đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thu chậm hơn so với học sinh ở khu vực thành thị. Do đó, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có nhiều hình ảnh bắt mắt, nội dung phù hợp nên học sinh dễ dàng tiếp thu.
Năm học này Trường Tiểu học Đăk Hà có 622 học sinh. Trong đó, học sinh lớp 1 là 139 em, được chia làm 6 lớp. Cô Vân cho biết: Học sinh lớp 1 có ít thời gian làm quen với trường lớp, sách vở nên còn bỡ ngỡ. Trong khi chương trình mới có nhiều điểm khác so với chương trình hiện hành, đòi hỏi nhà trường và giáo viên phải linh hoạt để có được những giờ dạy chất lượng. Trong quá trình dạy, giáo viên điều chỉnh để phù hợp với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ghé thăm lớp 1D (Trường Tiểu học Đăk Hà) trong giờ Toán do cô Y Hồng đứng lớp, không khí như sôi nổi hơn với bài “cộng – trừ” bằng những hình ảnh sinh động. Chương trình mới có nhiều thay đổi, do đó, giáo viên trong trường đã cắt, dán hình con ong, bông hoa… với nhiều màu sắc để các em hào hứng hơn trong giờ học.
Tiết học có nhiều màu sắc, vật dụng sinh động khiến các em vô cùng thích thú. Học sinh liên tục xung phong làm bài tập, sau khi trả lời đúng, tràng vỗ tay của cả lớp giòn giã vang lên, khích lệ tinh thần phát biểu cho câu hỏi tiếp theo. Các bạn được cả lớp vỗ tay cổ vũ cười “tít mắt” thích thú. Tiết học cứ thế diễn ra trong sự hào hứng, thoải mái, tự tin của cô và trò.
Cô Phan Thị Thỏa – giáo viên chủ nhiệm lớp 1E (Trường Tiểu học Đăk Hà) cho hay: Những ngày đầu tiếp cận bộ sách, nhiều em học sinh còn bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, bố mẹ bận làm nương rẫy, ít quan tâm đến việc học nên các em tiếp thu chậm hơn so với bạn bè cũng trang lứa ở vùng có điều kiện tốt hơn.
Theo cô Thỏa, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” mà nhà trường lựa chọn có nhiều hình ảnh bắt mắt, phong phú. Bên cạnh đó kiến thức nhẹ nhàng, phần đọc, viết ít hơn nên cuốn hút và khiến học sinh hào hứng.
Chủ động làm thiết bị
Cô Thái Thị Kim Truyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A (Trường Tiểu học Đăk Hà) cho biết: Tiếp cận Chương trình, sách giáo khoa mới, ban đầu giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng qua thời gian tập huấn, nghiên cứu tài liệu các cô quen và tự tin giảng dạy cho học sinh. Những ngày đầu, giáo viên thường xuyên cầm tay luyện chữ cho các em. Bên cạnh đó, dành nhiều thời gian tập đọc cho các em tránh tình trạng học sinh quên mặt chữ.
“Nhiều em nhà xa, đi học một buổi rồi nghỉ nên tiếp thu kiến thức chậm. Ngoài giờ dạy các em trên lớp, chúng tôi thường đến nhà để vận động phụ huynh, học sinh đến trường học con chữ”, cô Truyền tâm sự.
Cũng theo cô Truyền, chương trình mới có lượng kiến thức phù hợp với các em. Bên cạnh đó, sách có nhiều hình ảnh, màu sắc cuốn hút học sinh nhưng cũng gây khó khăn cho giáo viên về việc làm mô hình, dụng cụ học tập để phục vụ tiết học.
“Học sinh nơi đây tiếp thu chậm, trong các tiết học tôi cho các em khám phá kiến thức, hình ảnh trước, sau đó mới hướng dẫn các em làm bài tập. Như vậy học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ lâu hơn”, cô Truyền chia sẻ.
Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà tâm sự: Chương trình không chỉ thay đổi về mặt nội dung, phương pháp, mà còn đổi mới không gian lớp học, tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn về thiếu trang thiết bị, vật dụng giảng dạy cho các em. Để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức, giáo viên trong trường chủ động làm các vật dụng, đồ dùng để trang trí lớp học và phục vụ quá trình giảng dạy.