Chương trình 'Sinh kế cộng đồng': Mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc

Với sự phối hợp của ba nhà gồm: Nhà khoa học, nhà bán lẻ, nhà nước trong việc triển khai Chương trình 'Sinh kế cộng đồng' với sản phẩm rau trái vụ được triển khai tại bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được cải thiện, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Không còn tình trạng 'được mùa, mất giá', mô hình rau trái vụ của Vân Hồ, là bài học tốt để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Chắp cánh cho rau trái vụ Mộc Châu

Những ngày này, trên các vựa rau trái vụ ở bản Bó Nhàng 2 (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), bắp cải, su hào, cà chua… đang được đồng bào người dân tộc H’Mông thu hoạch, đóng gói và vận chuyển về kho hàng tại Hưng Yên, sau đó, được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị BigC và GO! tại Hà Nội.

Cầm trên tay những cây bắp cải xanh nhưng không mướt, những củ su hào vẫn còn nguyên cả phấn, anh Vàng A Sa- Tổ trưởng tổ hợp tác Vàng A Sa (bản Bó Nhàng 2)- chia sẻ: Trước đây, tôi khởi nghiệp bằng nghề trồng các loại rau truyền thống như đậu cô ve, bí đao… trên khoảng đất 1.000 m2. Chủng loại ít, sản lượng thấp, chất lượng kém do cách thức canh tác lạc hậu, theo kinh nghiệm nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đầu ra không ổn định do chỉ bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá. Không tiếp cận được thị trường.

Anh Vàng A Sa- Tổ trưởng tổ hợp tác Vàng A Sa- vui mừng giới thiệu thành quả đến khách thăm quan mô hình dự án tại xã Vân Hồ.

Anh Vàng A Sa- Tổ trưởng tổ hợp tác Vàng A Sa- vui mừng giới thiệu thành quả đến khách thăm quan mô hình dự án tại xã Vân Hồ.

Cứ loay hoay với tình trạng “được mùa, mất giá”, bản thân Vàng A Sa và 5 hộ gia đình khác nảy ra ý định liên kết thành nhóm tổ hợp tác Vàng A Sa để có được nguồn sản lượng lớn, bán về thị trường Hà Nội, nhằm giúp có được mức giá cả ổn định. Sự đổi thay chỉ bắt đầu từ năm 2015 trở đi, khi dự án ACIAR (do Australia tài trợ) được Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai hỗ trợ cho bà con ở các địa phương có lợi thế về trồng rau tại các huyện Vân Hồ và Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, dự án mới dừng lại ở thay đổi tập quán thói quen canh tác của người dân nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó, người dân nơi đây vẫn chỉ sản xuất cầm chừng.

Đến tháng 9/2017, Tập đoàn Central Retail hợp tác với chính quyền địa phương, các tổ chức của Chính phủ nước ngoài và tổ chức phi chính phủ… triển khai chương trình “Sinh kế cộng đồng” tại đây. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, giá thành tốt phù hợp với khí hậu của Vân Hồ.

Anh Vàng A Sa cho hay, nếu như trước đây chúng tôi chỉ trồng đậu cô ve thì nay đã trồng rất nhiều loại rau củ như: bắp cải, su hào, cà chua… Tính đến nay, đã có khoảng gần 250 tấn nông sản của tổ hợp tác Vàng A Sa được hệ thống bán lẻ hiện đại của Big C và GO!, với doanh thu trung bình mỗi tháng của tổ hợp tác khoảng 300 triệu đồng. Cuộc sống thay đổi, thu nhập tăng trên dưới 200% so với trước đây. Giá trị sản xuất tăng gấp đôi từ 25-30 triệu đồng/ha lên 50-60 triệu đồng/ha. “Tham gia Chương trình “Sinh kế cộng đồng” sản phẩm của chúng tôi được bán ở ở những thị trường xa hơn như Hà Nội, nhờ đó mỗi người trong gia đình có thể thu nhập từ 7-8 triệu/tháng, cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây" anh Vàng A Sa cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phương- Phó Tổng giám đốc Central Retail- chia sẻ, khi bắt tay vào triển khai Chương trình, chúng tôi định hướng cho các hộ nông dân, HTX ở đây canh tác sản phẩm trái vụ. Bởi lẽ, với sản phẩm trái vụ, người nông dân được hưởng lợi giá trị canh tác tăng 3-4 lần so với chính vụ. “Trước đây, thị trường miền Bắc phải nhập rau trái vụ từ Đà Lạt chuyển ra, từ khi có rau trái vụ Vân Hồ đã giúp cho thị trường rau miền Bắc giảm được chi phí vận chuyển từ miền Nam ra, chất lượng hàng hóa tươi ngon hơn, giá thành hợp lý so với trước đây”, bà Phương nói.

Ông Vũ Đức Thuận- Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La- cho biết:

Chương trình “Sinh kế cộng đồng” là chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa hệ thống siêu thị với hộ nông dân hết sức ý nghĩa. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C, GO! tại địa bàn Hà Nội mà đây còn là kênh quảng bá quan trọng, thúc đẩy xuất nông sản Sơn La nói chung và của huyện Vân Hồ nói riêng ra thị trường nước ngoài.

Sau 3 năm triển khai, với sự hợp sức của ba nhà gồm: Nhà khoa học từ tổ chức Phi chính phủ ACIAR (Úc), nhà bán lẻ Central Retail và nhà nước (chính quyền địa phương hỗ trợ), chương trình “Sinh kế cộng đồng” đã thực sự phát huy tác dụng mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên cương của tổ quốc. Đến nay, đã có 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, H’Mông) tại huyện Vân Hồ tham gia Chương trình. Các hộ đã biết sản xuất theo nhu cầu thị trường, biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu logo "Rau an toàn Vân Hồ"; hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp… “Nếu chúng ta so sánh với các nhà sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thì chưa được, nhưng gần như các đơn hàng của họ khi giao đến Big C và không bị trả về thì đó là sự thay đổi rất lớn từ chính đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Phương nói.

Cần chính sách đặc thù để nhân rộng mô hình

Trong chuyến khảo sát đánh giá của Ban điều hành chương trình "Sinh kế cộng đồng" cùng các cán bộ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sau 3 năm triển khai dự án trồng rau an toàn thuộc chương trình "Sinh kế cộng đồng" tại xã Vân Hồ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/9, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp Hội Các nhà bán lẻ Việt Nam- đánh giá, chương trình thực sự có ý nghĩa rất lớn, bởi lẽ chương trình đang đưa cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số “cái cần câu” chứ không chỉ cho bà con “con cá”.

Ở khía cạnh các nhà bán lẻ, nếu như trước đây, họ chỉ chăm lo đến giai đoạn thu mua, bảo đảm cho sản phẩm hàng hóa về hệ thống bán lẻ của mình, thì nay, đã vươn xa hơn, đã có những hỗ trợ thực chất, giúp đỡ cho bà con nghèo, bà con vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chăm lo sản phẩm ngay còn khi đang bắt đầu manh nha từ cây giống, đất đai, cơ sở, nhà xưởng, thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ cũng như có bao bì thích hợp đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng hiện nay.

Ban điều hành chương trình "Sinh kế cộng đồng" cùng cùng các cán bộ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tham quan mô hình trồng rau an toàn tại xã Vân Hồ

Ban điều hành chương trình "Sinh kế cộng đồng" cùng cùng các cán bộ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tham quan mô hình trồng rau an toàn tại xã Vân Hồ

Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý lại được trồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận, ủng hộ. Tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), có một khu gian hàng riêng bày bán các sản phẩm Chương trình “Sinh kế cộng đồng” với đa dạng các sản phẩm. Lựa chọn nhiều loại rau củ quả, trong đó có bắp cải trái vụ của huyện Vân Hồ, chị Trần Thị Liên (Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết: “Rau củ quả của Vân Hồ rất tươi ngon, bắp cải chẳng hạn, không ngon bằng rau chính vụ, nhưng so với những nơi khác thì tôi cảm nhận là ngon hơn. Bao bì được đóng gói đẹp mắt, được truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng yên tâm”.

Dưới góc độ thị trường, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện về địa hình, giao thông vận tải, trình độ dân trí của người dân vẫn còn đang có nhiều hạn chế thì việc triển khai chương trình “Sinh kế cộng đồng” là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để tạo việc tạo việc làm, tạo thu nhập cho bà con, đặc biệt là hàng hóa của bà con dân tộc đã đưa được vào với thị trường. Mở ra cơ hội thị trường cho các mặt hàng nông sản sạch trong nước. Từ đó, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trong hệ thống phân phối hiện đại.

Người tiêu dùng Thủ đô mua sản phẩm rau an toàn của xã Vân Hồ tại siêu thị Big C Thăng Long

Người tiêu dùng Thủ đô mua sản phẩm rau an toàn của xã Vân Hồ tại siêu thị Big C Thăng Long

Khẳng định đây là mô hình cần được nhân rộng, tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cho rằng, việc nhân rộng như thế nào thì cần có các chính sách đặc thù hơn nữa ví dụ như Chương trình đưa hàng của đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống phân phối tương tự như Chương trình “Sinh kế cộng đồng”.

Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng một hợp phần nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự kiến cuối tháng 9 này sẽ bảo vệ với Hội đồng của Chính phủ và khoảng tháng 10/2020 sẽ trình bày trước Quốc hội và mong được Quốc hội phê duyệt.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, thời gian tới, các chính sách mới được đưa ra cũng cần quan tâm nhiều hơn vào các khâu như: tổ chức vùng sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện phát triển nông thôn mới về đường xá để việc tiếp cận thị trường được thuận tiện; tổ chức ra được thị trường cho những hàng hóa đặc trưng theo mô hình sinh kế cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, mua và sử dụng các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo, thoát nghèo và làm giàu trên quê hương của họ….

Hiện Central Retail đang triển khai chương trình “Sinh kế cộng đồng” với 7 dự án: Sơn Hà (Quảng Ngãi), Vân Hồ (Sơn La), Bình Định (Bình Định), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Sa Pa (Lào Cai), Mường Khương (Lào Cai), Bắc Kạn (Bắc Kạn). Chương trình “Sinh kế cộng đồng” chủ yếu tập trung cho các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Tùy từng huyện, Central Retail sẽ lựa chọn sản phẩm để phát triển cho phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân. Dự kiến, tháng 9/2020, Central Retail sẽ ra mắt chương trình sinh kế cộng đồng ở huyện K’bang (Gia Lai) và từ nay đến cuối năm nay sẽ ra mắt dự án sinh kế cộng đồng ở Nghệ An.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-sinh-ke-cong-dong-mang-lai-cuoc-song-am-no-cho-dong-bao-dan-toc-143583.html