Chương trình 'Sóng và máy tính cho em': Mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính và sóng ổn định để học trực tuyến.

Tối nay 12/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ phát động trực tuyến toàn quốc Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan tham dự buổi lễ. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự buổi lễ tại điểm cầu Quảng Trị.

 Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự Lễ phát động trực tuyến toàn quốc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị- Ảnh: ĐV

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự Lễ phát động trực tuyến toàn quốc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị- Ảnh: ĐV

Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và 1 điểm cầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) để các em có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn học trực tuyến. Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là: Thứ nhất, sẽ đảm bảo việc phủ sóng di động, hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9/2021. Đồng thời, chương trình cũng sẽ phủ sóng 100% toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Thời hạn hoàn thành trong năm 2021.

Thứ hai, hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến: Giai đoạn 1, trong năm 2021 huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2, từ năm 2022 - 2023, tiếp tục phát động chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để học trực tuyến.

Thứ ba, chương trình sẽ có các hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy và học trực tuyến. Cụ thể, sẽ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: Máy chủ, vị trí đặt máy chủ, đường truyền Internet đảm bảo việc dạy, học trực tuyến. Chương trình được tổ chức nhằm huy động nguồn lực tổng thể của các ban, bộ, ngành và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên cả nước đủ điều kiện học học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Chương trình cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố để hỗ trợ nguồn lực, điều kiện bảo đảm và thực hiện một số mô hình hỗ trợ điểm từ đó các địa phương nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của COVID- 19.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các em học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới đòi hỏi các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến thì Chương trình “Sóng và máy tính cho em” còn góp phần tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức, xã hội số việc học tập. Tiếp cận với máy tính và không gian mạng đối với trẻ em là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, mở ra chân trời mới với nhiều kiến thức rộng lớn, bổ ích và lý thú nhưng cũng cần có sự giám sát, định hướng, quản lý của gia đình, nhà trường. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; đồng thời biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” đã sẵn lòng hỗ trợ chương trình. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, các địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để cho các cháu, nhất là ở những vùng chưa có sóng hoặc sóng không đạt chất lượng học tập trực tuyến thuận lợi. Đồng thời, xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình học đảm bảo thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung, hoặc đáp ứng được yêu cầu hình thức truyền tải kiến thức thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, thiết kế chương trình thi, đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng và tạo tâm lý yên tâm cho các cháu và phụ huynh.

Tại lễ phát động, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã trao tặng kinh phí, thiết bị cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=160714&title=chuong-trinh-%E2%80%9Csong-va-may-tinh-cho-em%E2%80%9D-muc-tieu-100-hoc-sinh-sinh-vien-thuoc-ho-ngheo-can-ngheo-tren-toan-quoc-duoc-trang-bi-may-tinh-de-hoc-truc-tuyen