Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên: Mức cho vay tăng vẫn không theo kịp tốc độ tự chủ đại học

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa giải ngân vốn cho vay HSSV tại điểm giao dịch xã Hòa Trị. Ảnh: LÊ HẢO

Từ năm học 2022-2023, mức cho vay chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV. Mặc dù vậy, so với tốc độ tăng học phí như hiện nay, sinh viên khó có thể trang trải đủ chi phí học tập, sinh hoạt với mức vay này.

Năm học 2022-2023, thực hiện lộ trình theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhiều trường đại học công bố mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gấp đôi so với năm trước.

Học phí tăng, thêm gánh nặng

Phan Vĩnh Tiến (lớp 12QT3, Trường phổ thông Duy Tân) vừa đỗ thủ khoa khối khoa học tự nhiên của tỉnh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cậu học trò quê ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) này có nguyện vọng học Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, nhưng gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện nên em đành gác lại giấc mơ để chọn một nguyện vọng khác phù hợp hơn.

Không riêng trường hợp Phan Vĩnh Tiến, lộ trình tăng học phí mà các trường công bố cho năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo khiến các bậc phụ huynh có con đang theo học hoặc chuẩn bị nhập học đại học gặp không ít áp lực, nhất là những gia đình ở nông thôn, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 7 vừa qua, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh công bố quyết định ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 dành cho sinh viên trúng tuyển và nhập học các năm 2020, 2021, 2022; trong đó, học phí nhiều ngành tăng 10% so với các năm học trước. Cụ thể, học phí đại học hệ chính quy từ 37-77 triệu đồng/năm học, tùy ngành. Cao nhất là ngành Răng hàm mặt với 77 triệu đồng/năm học, kế đến là Y khoa 74,8 triệu đồng/năm học, Dược học là 55 triệu đồng/năm học…

Tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mức học phí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm học, gần gấp đôi đến gấp đôi so với năm 2021. Còn Trường đại học Khoa học tự nhiên có mức học phí tăng từ 21,5-47,3 triệu đồng/năm học, so với mức học phí chương trình đại trà năm học trước thì có ngành tăng hơn hai lần.

Năm học 2022-2023, Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh cũng tăng học phí theo lộ trình, sau một năm giữ ổn định theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, một số ngành hệ đại trà có mức học phí từ hơn 31 triệu đồng đến 39 triệu đồng/năm học, tăng khoảng 13 triệu đồng/năm học so với năm học trước. Hệ chất lượng cao có ngành mức học phí từ hơn 62 triệu đồng đến hơn 74 triệu đồng/năm học, tăng 17 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh, mức học phí lên tới 165 triệu đồng/năm học.

“Con trai tôi vừa trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh của Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, học phí được thông báo là 31,25 triệu đồng/năm học. Khi mới vào nhập học phải lo đủ thứ chi phí, lại thêm học phí nộp một lần cho cả học kỳ nữa thì rất nặng nên tôi dự định vay vốn sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho con đi học”, chị Trần Thị Thùy Trang ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho hay.

Chưa kham nổi chi phí

Chính sách tín dụng cho HSSV vay vốn học tập là một chủ trương của Chính phủ được thực hiện suốt 15 năm qua kể từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg được ban hành, góp phần tạo chỗ dựa, niềm tin cho các gia đình HSSV nghèo, khó khăn. Từ đó đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức cho vay 9 lần, từ 800.000 đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV, áp dụng từ ngày 19/5/2022. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, chi phí học tập bình quân hiện nay rơi vào khoảng 6,5-9,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy rõ ràng, mức cho vay 4 triệu đồng/tháng/HSSV vẫn không đủ để hỗ trợ HSSV nghèo, khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lành ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa có con trai đang học năm ba Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Năm học 2022-2023, trường này cũng điều chỉnh học phí lên 33,8 triệu đồng/năm, tăng khoảng 10% so với năm học trước. Theo bà Lành, gia đình thuộc hộ cận nghèo nên từ ngày con vào đại học, bà đã vay vốn HSSV cho con đi học. Thông thường, tiền vay đủ đóng học phí, còn lại hàng tháng, ngoài số tiền 1,5-2 triệu đồng bà dành dụm gửi cho con, con bà còn phải đi làm thêm mới đủ trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. “Thương con vất vả nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi động viên con cố gắng. Tôi cũng rất cảm ơn NHCSXH cho vay vốn, tạo điều kiện cho con tôi tiếp tục đến trường”, bà Lành chia sẻ.

Việc nâng mức cho vay chương trình tín dụng đối với HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV là kết quả đề xuất của nhiều bộ, ngành liên quan dựa trên lộ trình tăng học phí của các trường, khả năng huy động vốn của NHCSXH, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách Nhà nước. Mặc dù mức cho vay này không theo kịp tốc độ tự chủ của các trường, nhưng đó đã là một sự nỗ lực lớn. Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài nguồn vốn cho vay HSSV theo chủ trương của Chính phủ, các trường đại học cần có các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên, phối hợp với các ngân hàng thương mại có chương trình vay vốn ngắn hạn giúp sinh viên khó khăn có điều kiện đóng học phí, không phải bỏ học giữa chừng…

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281952/chuong-trinh-tin-dung-hoc-sinh-sinh-vien--muc-cho-vay-tang-van-khong-theo-kip-toc-do-tu-chu-dai-hoc.html