Chương trình xóa nhà ở tạm: Góp phần nâng cao đời sống đồng bào nghèo
Huyện Sông Hinh hỗ trợ xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo. Ảnh: HOÀNG LÊ
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Đặc biệt, chương trình xóa nhà ở tạm đã góp phần thay đổi, nâng cao đời sống của đồng bào nghèo.
Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có hơn 37.600 hộ thoát nghèo. Đầu năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 12,62%; đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ, chiếm 3,93% và hiện tại chiếm 2,54%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
An cư cho người nghèo
Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, mặc dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong những năm qua không thật sự thuận lợi: hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường biến động…, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương cơ sở, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xóa gần 10.000 nhà ở tạm cho hộ nghèo và hộ chính sách. Chương trình xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo đạt được nhiều kết quả khá tốt. Đây là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, được quần chúng nhân dân tích cực tham gia và đồng tình ủng hộ, vừa thể hiện tình cảm nhưng đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người nghèo. Công tác huy động nguồn lực ngoài ngân sách tiếp tục được phát huy và có hiệu quả, đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà từ thiện. Chương trình đã từng bước đi vào xã hội hóa. Chất lượng nhà ở được nâng lên so với những năm trước đây. Diện tích nhà bình quân khoảng 32m2, số tiền hỗ trợ xây dựng từ 40-50 triệu đồng/nhà.
Khó có thể diễn tả được niềm hân hoan của gia đình anh Ksor Y Lôi ở buôn Bầu, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh khi về nhà mới. Nhiều năm qua, gia đình anh với 5 người phải sống trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, chật hẹp. Cuộc sống của gia đình càng khó khăn khi các con anh đến tuổi ăn, tuổi lớn nhưng ước mơ về một ngôi nhà mới vẫn rất xa vời. Đầu năm 2020, anh được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo để xây nhà. Giờ đây, chuẩn bị đón năm mới 2021, gia đình anh được sum vầy trong ngôi nhà mới khang trang. Nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt vì vui sướng, anh Ksor Y Lôi xúc động bày tỏ: “Được hỗ trợ xóa nhà ở tạm, tôi rất vui. Từ nay gia đình tôi không phải sống trong căn nhà dột nát nữa. Gia đình tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận và những tấm lòng hảo tâm”.
Trong căn nhà còn thơm nồng mùi vôi mới và tràn ngập tiếng cười của hai đứa con nhỏ, chị Đỗ Thị Ngọc (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Tôi lao động vất vả và luôn cố gắng nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Ước mơ có một ngôi nhà đủ để che nắng, che mưa sẽ mãi chỉ là mơ ước, nếu không có sự quan tâm của Mặt trận và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như người thân trong dòng họ, bà con lối xóm ủng hộ, giúp đỡ, chắc tôi không có được ngôi nhà khang trang như vầy. Tôi vui lắm. Có ngôi nhà này, gia đình tôi an tâm làm ăn, cố gắng thoát nghèo”.
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Theo ông Võ Văn Binh, có được những kết quả giảm nghèo như thời gian qua, đó là nhờ tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay cơ bản bảo đảm tính thống nhất và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: tín dụng, dạy nghề, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội; quan tâm trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân về ăn ở, đi lại, học tập, vui chơi, giải trí, chữa bệnh và nâng cao thể chất, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và cộng đồng xã hội.
Anh Nay Y Nen ở buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, chia sẻ: “Trước đây, tôi không có nghề gì cả, chỉ quanh quẩn làm nông, nên đời sống khó khăn. Nhà nghèo nên cũng không có điều kiện để học nghề. Năm 2013, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, tôi được học nghề sửa chữa máy kéo công suất nhỏ. Qua 3 tháng học, tôi vừa có nghề, vừa được Nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn, mở cửa tiệm nhỏ. Từ đó, tôi có thu nhập, cuộc sống ổn định hơn”.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác giảm nghèo, theo ông Binh cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững. Theo đó, thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ huyện đến cơ sở. Xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo với những giải pháp phù hợp, đúng hướng, giúp người nghèo, xã nghèo, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo với phương châm mỗi địa phương có một mô hình hiệu quả; hướng dẫn cách làm ăn... để người dân có cơ hội thoát nghèo.
Được hỗ trợ xóa nhà ở tạm tôi rất vui. Từ nay gia đình tôi không phải sống trong căn nhà dột nát nữa. Gia đình tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận và những tấm lòng hảo tâm.