Chuột rút khi bơi - nguyên nhân và cách xử lý

Chuột rút khi bơi là hiện tượng rất nguy hiểm. Nó làm giảm khả năng bơi lội và nghiêm trọng hơn là có thể khiến người bơi bị chết đuối.

Nội dung:

1. Tại sao lại bị chuột rút khi bơi?
2. Những đối tượng dễ bị chuột rút khi bơi
3. Cách phòng ngừa

Chuột rút là hiện tượng cơ co thắt đột ngột khiến người mắc phải đau dữ dội ở bắp thịt, việc cử động cũng khó khăn hơn. Hiện tượng này thường gặp ở bắp thịt đùi, bắp chân, bàn tay, bàn chân và cơ bụng cũng như đầu gối, cổ chân... Chuột rút khi bơi có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả những người giỏi bơi lội. Nó làm giảm khả năng bơi lội và có thể dẫn đến tình trạng đuối nước nguy hiểm đến tính mạng.

1. Tại sao lại bị chuột rút khi bơi?

Chuột rút khi bơi có thể xảy ra do một số nguyên nhân như không khởi động kỹ trước khi bơi, dùng sức quá mạnh hay cơ thể bị thiếu canxi.

Bên cạnh đó, trong nước lạnh, nhiệt độ cơ thể giảm rất nhanh. Để có thể tăng và duy trì nhiệt độ, vùng dưới đồi não kích hoạt cơ chế điều hòa. Do đó các mạch máu co lại để tránh mất nhiệt khiến các chi bị thiếu oxy từ đó tăng khả năng bị chuột rút.

Chuột rút khi bơi rất nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Chuột rút khi bơi rất nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Ngoài ra việc cố gắng quá sức khi bơi khiến cơ thể bị mất nước do đổ mồ hôi cũng dễ khiến người tập bị chuột rút hơn nhiều. Các động tác duỗi mũi chân cũng khiến chân tạo thành một đường căng cứng từ bắp chân đến ngón chân. Giữ tư thế như vậy trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân gây ra chuột rút.

2. Những đối tượng dễ bị chuột rút khi bơi

Những người mới bắt đầu học bơi là đối tượng dễ bị chuột rút nhất do kỹ thuật bơi chưa tốt. Độ nổi kém dẫn đến không có sự thăng bằng tốt trên mặt nước, từ đó sẽ phải đạp chân rất mạnh và gập gối nhiều. Do vậy khiến mất nhiều sức, tạo thêm gánh nặng cho cơ chân cộng thêm điều kiện nước lạnh rất dễ bị chuột rút.

Bên cạnh đó, những người không thường xuyên bơi khiến cơ thể phải mất nhiều thời gian làm quen. Cơ thể cần vận động nhiều hơn mới có thể nổi. Những người tập thể hình có nhiều khối cơ nặng cũng dễ bị chuột rút do cơ thể nhanh mệt hơn và dễ đuối sức.

Những người lớn tuổi thường ít vận động, do vậy cũng là đối tượng dễ bị chuột rút khi bơi. Các cơ ở người lớn tuổi cũng không phản ứng nhanh và hiệu quả, nhất là khi phải hoạt động thể chất đột ngột. Ngoài ra những người bị bệnh tiểu đường, tim mạnh thường mắc bệnh động mạch ngoại biên, khiến cho lưu lượng máu đến chân giảm, dẫn đến tình trạng chuột rút.

Người bị tiểu đường không nên tập bơi (Ảnh: Internet)

Người bị tiểu đường không nên tập bơi (Ảnh: Internet)

Người tập luyện với cường độ cao khi cơ thể chưa thích nghi được với lượng vận động lớn, lượng acid lactic bị ứ đọng khi gắng sức khiến họ dễ gặp tình trạng chuột rút hơn. Cuối cùng là những người không đánh giá đúng năng lực bơi lội của bản thân. Dùng sức quá nhiều trong khi khả năng chịu đựng của cơ thể kém, không đáp ứng đủ dẫn đến tình trạng thiếu oxy khiến người bơi dễ bị chuột rút.

3. Cách phòng ngừa

Chuột rút khi bơi là tình trạng rất nguy hiểm. Không những gây đau đớn, giảm hiệu quả tập luyện mà còn có thể gây đuối nước nguy hiểm đến tính mạng. Tuân thủ những lưu ý dưới đây để phòng ngừa chuột rút nhằm tăng độ an toàn cho bản thân:

- Cần khởi động kỹ trước khi xuống bơi, đặc biệt là khi trời lạnh và nhiệt độ nước lạnh.

- Nên uống đủ nước khi bơi dưới trời nóng, nhất là vào mùa hè.

- Cần khởi động cơ bắp và các khớp với các cường độ khác nhau. Nên chạy cự ly ngắn, nhanh chậm thay đổi và trở về trạng thái cân bằng.

- Không được quên khởi động khớp đốt sống cổ, khớp hông, khớp gối, cổ chân, ngón chân..., vận động các khớp theo kim đồng hồ và ngược lại.

Khởi động kỹ trước khi bơi là vô cùng cần thiết (Ảnh: Internet)

Khởi động kỹ trước khi bơi là vô cùng cần thiết (Ảnh: Internet)

- Tuyệt đối không bơi ở khu vực nước sâu nếu khả năng còn hạn chế.

- Không nên mang chân vịt khi chưa nhuần nhuyễn để bơi cho nhanh do để sử dụng chân vịt cần phải tăng tư thế mũi chân, khiến dễ bị chuột rút khi bơi.

- Cần phối hợp các bộ phận trên cơ thể nhẹ nhàng, chính xác và thoải mái khi đã thích nghi với môi trường nước.

- Không nên bơi quá xa, tránh các vùng nước xoáy hoặc dòng nước chảy xiết.

- Không nên cố bơi nếu cơ thể mệt mỏi. Cần giảm tốc độ và bơi chậm dần nếu các động tác không còn nhịp nhàng.

- Sau khi khởi động xong, nên thả mình xuống nước từ từ để cơ thể thích nghi.

- Không nên tập bơi hay đi tắm biển khi bụng đang đói hoặc no, cơ thể mệt mỏi. Bởi lúc này cơ thể bị thiếu oxy, không cung cấp đủ cho cơ bắp do đó rất dễ bị chuột rút khi đang bơi.

- Người bị tiểu đường hoặc mắc các bệnh tim mạch không nên tập bơi.

- Đối với các vận động viên bơi lội, những người luyện tập cường độ cao, cần phải kéo giãn cơ trước và sau buổi tập, luôn có bình nước bên cạnh để bù nước khi cần.

- Người lớn tuổi trước khi bơi cần kiểm tra sức khỏe tổng quát để chắc chắn tình trạng sức khỏe đáp ứng được nhu cầu tập luyện. Ngoài ra phải nghỉ ngơi thường xuyên, không bơi lội quá sức.

- Sau khi bơi nên nghỉ ngơi từ 10 đến 15 phút rồi tắm lại bằng nước ấm. Sau đó thực hiện các bài tập kéo giãn cơ để tránh tình trạng căng cứng cơ.

- Chuột rút khi bơi là hiện tượng xảy ra thường xuyên, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nó có ảnh hưởng tới sức khỏe, mục tiêu tập luyện và thậm chí đe dọa tới tính mạng. Do đó mỗi người cần trang bị những kiến thức xử lý sự cố cũng như kỹ thuật bơi lội tốt để tránh những điều không mong muốn xảy ra.

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuot-rut-khi-boi-nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-41202013813304361.htm