Chuột tàn phá mùa màng ở Đak Tơ Pang

Gần 1 năm nay, chuột tàn phá mùa màng tại xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Sự việc khiến chính quyền xã này phải phát động phong trào 'Người người diệt chuột, nhà nhà diệt chuột'.

Chuột tàn phá cây trồng

Chỉ cần nghe nhắc đến chuột là anh Đinh Văn Giác (làng Kpiêu Kông) đã thấy ngán ngẩm. Anh cho hay, xã có 3 làng thì làng nào cũng có tổ diệt chuột. Chỉ trong 1 ngày đêm, mỗi tổ diệt chuột (20 người/tổ) đã bắt được khoảng 1.000 con. Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, các làng đã tiêu diệt gần 20.000 con chuột. Tuy nhiên, chuột vẫn sinh sôi theo cấp số nhân.

“Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, đám bắp 3 ha của tôi bị chúng ngốn sạch; 2,2 ha mì trồng thay thế giờ cũng đã bị chuột cắn phá, thiệt hại quá nửa”-anh Giác nói.

Anh Đinh Tí (làng Brăng, xã Đak Tơ Pang) cho biết, dù thu hoạch sớm hơn 1 tháng nhưng 1 ha mì của gia đình anh thu chưa đầy 6 tấn, bị thiệt hại quá nửa do chuột phá hoại. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Đinh Tí (làng Brăng, xã Đak Tơ Pang) cho biết, dù thu hoạch sớm hơn 1 tháng nhưng 1 ha mì của gia đình anh thu chưa đầy 6 tấn, bị thiệt hại quá nửa do chuột phá hoại. Ảnh: Minh Nguyễn

Trên đường dẫn chúng tôi vào nơi đặt bẫy chuột, anh Giác dừng xe trước đám bắp ven đường, bẻ cho chúng tôi xem từng trái bắp chỉ còn lại cùi do bị chuột cắn nham nhở.

Đi cùng chúng tôi, anh Đinh Poch (làng Kpiêu Kông) thở dài ngao ngán: “Lúc mới gieo thì chúng ăn hạt giống, cây lớn lên khoảng 3-4 lá thì chúng cắn ngang thân, cây nào ra được trái thì càng trở thành món khoái khẩu của chúng, không cách nào giữ nổi. Rình bắt đến 2-3 giờ sáng may mắn lắm thì 1 ha còn thu được vài bao. Giờ đã đến mùa đậu xanh, bắp, lúa mà chẳng nhà nào dám xuống giống. Đến cả cây keo non, keo già chúng cũng gặm tất”.

Còn anh Đinh Tí (làng Brăng) đang nhổ mì bên đường chia sẻ: Gia đình anh còn may mắn vì chỉ bị chuột phá hơn phân nửa diện tích. Sợ để lâu chẳng còn gì để thu hoạch nên vợ chồng anh tranh thủ nhổ sớm gần 1 tháng so với mùa vụ. Nhưng với 1 ha này, năm nay, anh chỉ thu chưa đầy 6 tấn mì thay vì 12-13 tấn như vụ trước.

Không chỉ đào bới gốc ăn củ, chuột còn cắn phá đọt mì non. Ảnh: Minh Nguyễn

Không chỉ đào bới gốc ăn củ, chuột còn cắn phá đọt mì non. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Võ Trọng Khương-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Tơ Pang-cho hay: Cách đây hơn 4 tháng, 6,5 ha keo lá tràm của gia đình ông cũng bị lũ chuột “viếng thăm”. Nhìn hơn 7.000 cây giống bị chuột cắn ngang không sót một cây, ông vừa tức giận vừa xót xa. Tính tiền công đào hố, thuê nhân công trồng và mua cây giống, ông thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Hiện giờ, ông đang tiếp tục bỏ ra 12 triệu đồng đặt mua cây giống mới nhưng chưa dám trồng.

Nhà nhà diệt chuột

Anh Poch kể, chỉ cần lấy miếng mì khô làm mồi nhử thì chắc chắn chuột sẽ dính bẫy. Sau khi gỡ hết 40 chiếc bẫy đặt quanh rẫy, anh Poch đổ đống chuột trong túi ra đếm. Kết quả là có đến 33 xác chuột lớn, nhỏ. “Nếu buổi tối vừa đặt bẫy vừa đi gỡ thì số chuột sẽ nhiều hơn nữa chứ không chỉ bấy nhiêu”-anh Poch cho hay.

Chỉ với 40 cái bẫy, anh Đinh Poch (bìa phải; làng Kpiêu Kông, xã Đak Tơ Pang) đã gỡ được 33 con chuột dính bẫy. Ảnh: Minh Nguyễn

Chỉ với 40 cái bẫy, anh Đinh Poch (bìa phải; làng Kpiêu Kông, xã Đak Tơ Pang) đã gỡ được 33 con chuột dính bẫy. Ảnh: Minh Nguyễn

Từ cuối năm 2019 đến nay, chuột sinh sôi trên địa bàn xã Đak Tơ Pang theo cấp số nhân, tàn phá cây trồng của bà con. Ủy ban nhân dân xã đã thành lập 3 tổ diệt chuột tại các làng: Đak Hway, Kpiêu Kông, Brăng. Chính quyền xã đã phát động phong trào diệt chuột trong toàn dân với phương châm: “Người người diệt chuột, nhà nhà diệt chuột”. Số đuôi chuột nộp về xã ngày một nhiều. Tuy nhiên, vẫn không thấm tháp vào đâu so với sự bùng phát, sinh sôi của chúng. Cây trồng trên rẫy của người dân vẫn bị lũ chuột phá hoại từng ngày.

Thầy Nguyễn Văn Hào-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi-bộc bạch: “Từ khi xã phát động phong trào diệt chuột đến nay, các em học sinh đã nộp hơn 700 đuôi chuột, nhưng nhà trường chưa có tiền trả cho các em (1.000 đồng/đuôi). Dù vậy, chúng tôi vẫn động viên các em tiếp tục bắt chuột để bảo vệ ruộng rẫy của gia đình”.

Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Pang-thông tin: Vụ mùa 2020 và Đông Xuân 2020-2021, chuột gây hại 135,9 ha cây trồng các loại như: bắp, điều, xoài, mít, mì. Mức độ thiệt hại khoảng 30-70%, thậm chí nhiều diện tích thiệt hại 100%.

Mới đây, UBND xã tiếp tục phát động phong trào diệt chuột từ ngày 15-3 đến 31-3. Cụ thể, mỗi đoàn viên, thanh niên phải nộp về xã ít nhất 30 đuôi chuột; học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 mỗi em nộp ít nhất 10 đuôi chuột; các thành viên phụ trách thôn, làng vận động người dân bắt chuột, mỗi nhà nộp 20 đuôi. Qua đợt phát động, xã đã thu gom và tiêu hủy gần 20.000 đuôi chuột.

“Để chiến dịch diệt chuột hiệu quả hơn, xã đã bố trí kinh phí hỗ trợ người dân bằng hình thức thu mua với giá 1.000 đồng/đuôi chuột. Ngoài kinh phí của địa phương, xã cũng đề nghị huyện hỗ trợ 30 triệu đồng để thu mua đuôi, mua bẫy, bả diệt chuột sinh học nhằm hỗ trợ người dân tiếp tục diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích diệt chuột”-ông Cường cho biết.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202104/chuot-tan-pha-mua-mang-o-dak-to-pang-5730125/