Chút sự thật về ông Chu Ân Lai (Kỳ II)

Ngoài thông tin từ cuốn 'Mộ bia' của nhà báo Dương Kế Thằng, bài viết trên trang mạng Bowen của blogger Chung Sơn Tiều Phu, tờ New York Times cũng dẫn thông tin của các nhà sử học phương Tây đề cập tới con số hàng chục triệu người chết đói tại Trung Quốc trong thời kỳ 'Đại nhảy vọt'.

Kỳ II: Đâu là thông tin chính xác

Còn theo tờ Wall Street Journal, có từ 15 triệu đến 76 triệu người Trung Quốc chết đói trong giai đoạn 1958-1961. Điều đáng nói là Trung Quốc không đề cập tới những con số kể trên, chỉ gọi đó là “3 năm khó khăn”, còn cộng đồng quốc tế gọi đó là “nạn đói lớn”.

Theo cuốn "Mộ bia", lãnh đạo cấp cao biết chuyện người chết đói từ năm 1958, nhưng năm 1959, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cảnh báo: “Tái phân phối nguồn lực sẽ dẫn công cuộc “Đại nhảy vọt” đến thất bại. Khi không đủ ăn, người dân đói đến chết. Nhưng thà để một nửa số dân chết đói, những người còn lại có thể ăn khẩu phần của họ”.

Và hậu quả của quyết định này vô cùng khủng khiếp bởi chỉ riêng tại một thành phố ở tỉnh Hồ Nam, trong vòng 3 năm đã có hơn 1 triệu người chết đói, và tại một vùng nọ, chỉ trong 9 tháng có 12.000 người chết đói. Tại một làng có 45 người thì 44 người chết, người còn sống là một phụ nữ ở độ tuổi 60 thì hóa điên...

Chủ tịch Mao Trạch Đông (bên trái).

Chủ tịch Mao Trạch Đông (bên trái).

Theo tờ The Guardian, “Đại nhảy vọt” chủ trương tăng sản lượng công nông nghiệp bằng hình thức hợp tác xã kết hợp với ý chí cách mạng. Nhưng ngay từ khi phát động, “Đại nhảy vọt” đã thất bại và cán bộ địa phương sợ cấp trên trách mắng, lại hám thành tích nên đã thổi phồng các con số, khiến số nông sản cần thiết ở nông thôn bị đưa lên thành thị, đem đi xuất khẩu.

Người nông dân chỉ được phát hai khẩu phần nhỏ mỗi ngày, trẻ con 1 tuổi chỉ nhận chút cháo ngô vào mỗi bữa ăn trưa và tối, trong khi thiếu niên 13 tuổi chỉ được phát một nửa khẩu phần này.

Ngày 29-11-2012, bộ phim mang tên “Năm 1942” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương được công chiếu ở Trung Quốc Đại Lục, mặc dù phim lấy bối cảnh từ nạn đói ở tỉnh Hà Nam năm 1942. So với nạn đói ở tỉnh Hà Nam năm 1942, nạn đói trong giai đoạn 1958-1961 đã khiến bao nhiêu người chết ở Trung Quốc không thấy chính quyền công bố chính thức.

Và một trong những nguyên nhân khiến không có số liệu thống kê thời kỳ 1958-1961 bởi Thủ tướng Chu Ân Lai đã ra lệnh tiêu hủy tất cả những tài liệu đề cập tới vấn đề nhạy cảm này. Được biết, cuối năm 1961, Bộ trưởng Lương thực Trần Quốc Đống cùng Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Cổ Khải Doãn và Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Lương thực Chu Bá Bình đã tiến hành điều tra về số người chết đói trong 3 năm kể trên.

Và ông Chu Bá Bình đã có báo cáo về nhân khẩu tại Viện Khoa học Xã hội, nhưng sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai biết việc này đã lập tức ra lệnh tiêu hủy ngay số tài liệu kể trên. Thậm chí ông Chu Ân Lai còn liên tục truy hỏi xem họ đã thực hiện lệnh tiêu hủy hay chưa.

Chu Ân Lai

Chu Ân Lai

Theo thông tin của ông Đinh Trữ, chuyên gia về lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đưa ra nhiều chủ trương bừa bãi, bị Chủ tịch Mao Trạch Đông nghiêm khắc phê bình.

Và để bảo vệ ghế Thủ tướng, ông Chu Ân Lai đã tìm cách che giấu sự thật, không báo cáo bất cứ thông tin xấu nào lên Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Còn theo ông Nguyễn Minh, người từng làm cố vấn cho Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang cũng có bài viết cho rằng, Thủ tướng Chu Ân Lai đã “múa trên vũ đài” và trong điều tra về tội ác của “bè lũ 4 tên” người ta phát hiện nhiều vụ án oan trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” đều thấy chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai.

Và tư liệu lịch sử đã vạch rõ bộ mặt thật của Thủ tướng Chu Ân Lai - là kẻ đạo đức giả, ích kỷ, tàn nhẫn và giảo hoạt. Ông Chu Ân Lai từng đổ tội cho Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ là “kẻ phản bội, nội gián, làm tay sai cho tư sản” và phê duyệt “người này phải giết!”. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Nguyên soái Hạ Long, Bành Đức Hoài... đều bị hại chết; những vụ án oan của Bành Chân, La Thụy Khanh, Trần Định Nhất, Dương Thượng Côn... đều thấy dấu tích của ông Chu Ân Lai.

Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, từ Chủ tịch nước đến Nguyên soái, Đại tướng đều bị đánh thê thảm, nhưng Thủ tướng Chu Ân Lai là ngoại lệ. Để bảo vệ bản thân, ông Chu Ân Lai đã ra lệnh bắt cả người em ruột Chu Đồng Vũ, kể cả cảnh vệ theo sát Thủ tướng mười mấy năm trời cũng bị bán đứng.

Nhà nghiên cứu Tống Vĩnh Nghi tại Đại học Dickinson (Mỹ) từng viết bài “Góc khuất của Chu Ân Lai trong Cách mạng Văn hóa” cũng cho rằng, Thủ tướng Chu Ân Lai là người nhiệt tình ủng hộ Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”.

Đặng Tiểu Bình cũng từng đề cập tới bộ mặt thật của ông Chu Ân Lai trong một buổi nói chuyện kín - Thủ tướng đã ủng hộ tích cực để Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa”.

(Còn tiếp)

Đông Ngàn - Từ Sơn

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/chut-su-that-ve-ong-chu-an-lai-ky-ii-387701.html