Chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về chi tiêu ngân sách sang cơ quan điều tra

Qua 214 cuộc kiểm toán năm 2019, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng do các bộ ngành, địa phương thu chi sai quy định, chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra...

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội

Chiều nay, 28-5, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, tổng hợp kết quả chính từ 268 báo cáo kiểm toán của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng.

Cùng đó, đã chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

2 vụ việc mà Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý gồm: dự án sử dụng nguồn vốn tập đoàn, tổng công ty đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) và nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước.

Về các nội dung cụ thể, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, qua quyết toán thu ngân sách nhà nước cho thấy nhiều địa phương lập dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định. Cá biệt, 10 địa phương lập dự toán thu nội địa thấp hơn ước thực hiện năm 2017.

Về quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2018, tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Kết quả kiểm toán xác định số phải nộp tăng thêm 8.151 tỷ đồng.

Về chi ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước cho biết, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.

Đặc biệt, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư. Qua kiểm toán 2.013 dự án, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này…

Cũng qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016-2018 còn vướng mắc; tình trạng thu vượt trần học phí, thu vượt, thu sai viện phí và thu các khoản chưa có trong quy định diễn ra khá phổ biến.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-4-vu-viec-co-dau-hieu-toi-pham-ve-chi-tieu-ngan-sach-sang-co-quan-dieu-tra/855496.antd