Chuyện 75.765 hạt gạo và bàn cờ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Tại Đại hội thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ nhiều câu chuyện ấn tượng liên quan đến giá trị của hạt gạo, với mong muốn xóa bỏ định kiến 'người trồng lúa là khổ'.

Hạt gạo nhẹ nhưng nặng nghĩa tình

Mở đầu phần chia sẻ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề, một cân gạo có bao nhiêu hạt gạo, mỗi hạt gạo nặng bao nhiêu?.

"Có người chịu khó cân đo đong đếm, kết quả ước lượng khoảng 75.765 hạt gạo sẽ được 1 cân. Tất nhiên có hạt lớn, hạt nhỏ, nhưng trung bình, mỗi hạt gạo nặng 0,029grams", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng ví dụ, ngày xưa có bài toán về số học liên quan hạt gạo. Một người tặng cho nhà vua bàn cờ (64 ô), nhà vua rất thích, nên muốn ban thưởng. Người này bảo không cần chức tước, chỉ cần được tặng lúa. Ô đầu tiên đặt 1 hạt, ô thứ 2 đặt 2 hạt, cứ ô sau gấp đôi ô trước. Nhà vua nói, ước muốn sao nhỏ mọn vậy, nhưng các đại thần can ngăn, nói nếu tính như vậy sẽ lên tới con số rất lớn, không đủ để trả...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trường Phong.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trường Phong.

"Trọng lượng của 1 hạt gạo, 0,029 grams, là nhẹ hay nặng?. Bộ trưởng Hoan đặt câu hỏi, rồi trả lời: "tùy ở cách nhìn". Nếu tính quá trình dựng nước, giữ nước, khai phá, bồi đắp hình thành những bờ xôi, ruộng mật để kết tinh lại thành hạt gạo mỗi ngày chúng ta ăn, là nhẹ hay nặng? Rồi bao lớp trầm tích, văn hóa lúa nước, công sức tổ tiên có trong hạt gạo, là nặng hay nhẹ. Ông Hoan cũng nói về những công trình lớn như đào kênh Trung ương khai phá Đồng Tháp Mười; công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé... để có đồng bằng phì nhiêu... nên "nặng tình, nặng nghĩa để hình thành 1 hạt gạo".

"Chúng ta cứ nghĩ là "tiền trao cháo múc", có tiền thì mua gạo. Có người nghĩ là phải trân quý, cám ơn những người làm ra hạt gạo, nhưng cũng có người bảo, người nông dân phải biết ơn người tiêu dùng, nếu không có người mua gạo là các ông chết đói", Bộ trưởng Hoan chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh quan điểm "xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết ơn lẫn nhau".

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói, để hình thành 1 hạt gạo phải có một hệ sinh thái, và trong hệ sinh thái đó, thành phần nào cũng quan trọng: người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, những người nghiên cứu các thiết bị hỗ trợ nông dân... để hiện nay gạo Việt Nam vươn ra thế giới, trở thành một biểu tượng, được vinh danh.

Ông Hoan kể, bản thân ông bị ám ảnh bởi xưa nay vẫn có thông tin "ai chơi với nông dân cũng giàu, trừ ông nông dân"; cần thiết phải thay đổi cách nghĩ này. Theo ông Hoan, hiện nay doanh nghiệp cũng khổ, thương lái cũng khổ, nhà khoa học cũng khổ, chính quyền cũng khổ khi đang phải đối diện với sự thay đổi khốc liệt trên thương trường, khi ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo đang phải đứng trước những khó khăn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế sang tiêu dùng xanh.

"Những biến chuyển đó là động lực để chúng ta phải thay đổi. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Hoan dẫn lại câu nói của lãnh đạo Ngân hàng thế giới Việt Nam. Thế giới đã chuyển sang tiêu dùng xanh, không chỉ mua sản phẩm mà người ta còn mua cách tạo ra sản phẩm đó, xem nó có thuận thiên không, có đánh đổi môi trường không, có làm mất đa dạng sinh học hay không, tạo hiệu ứng nhà kính hay không.

Trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, thành tựu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay khiến thế giới ngả mũ kính phục, bởi từ một đất nước chạy ăn từng bữa, thậm chí độn khoai, độn sắn đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh về giá trị của ngành lúa gạo tại Đại hội thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Trường Phong.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh về giá trị của ngành lúa gạo tại Đại hội thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Trường Phong.

Ông Hoan nhấn mạnh, thế giới thay đổi nhanh, ngành nông nghiệp cũng đang hướng tới trồng lúa hạn chế phát thải, xây dựng nông nghiệp tuần hoàn... nên phải tư duy, cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo. Phải họp lại toàn bộ các thành viên của hệ sinh thái lúa gạo để làm sao kết tinh giá trị của người Việt, tinh thần Việt trong thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Hạt gạo Việt Nam hình thành từ hệ sinh thái không phải chỉ vì lợi nhuận, mà vì trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh xanh.

"Đã đến lúc chúng ta phải đi chung với nhau", Bộ trưởng Hoan nói, đồng thời dẫn chứng về một cuốn sách của Trung Quốc, đại ý nói, họ không hẳn là người giỏi nhất, nhưng thành công bởi có tinh thần cố kết cộng đồng, khẳng định thành công của mỗi người phụ thuộc vào vòng tròn các mối quan hệ. Sự thành công của mỗi người tỷ lệ thuận với đường kính vòng tròn các mối quan hệ.

"Chúng ta có vòng tròn mối quan hệ là Hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Mọi người bình đẳng với nhau. Chúng ta tham gia nhiều vòng các mối quan hệ, nhưng làm sao các vòng tròn mối quan hệ đồng tâm, hội tụ lại ở tinh thần dân tộc, tinh thần Việt Nam", ông Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng dẫn lại ý nói của một lãnh đạo tổ chức quốc tế ở Việt Nam, đại ý chúng ta thường đắn đo về cái giá phải trả cho sự thay đổi mà ít khi nào đắn đo cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi. Bởi, thay đổi những suy nghĩ, thị trường quen thuộc không phải là điều dễ dàng. Nhưng, với ngành hàng lúa gạo, tất cả cần phải thay đổi để tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong một dịp tham quan hoạt động sản xuất lúa. Ảnh: PV.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong một dịp tham quan hoạt động sản xuất lúa. Ảnh: PV.

"Khi tôi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - tỉnh đầu tiên xin tái cơ cấu ngành nông nghiệp - có doanh nghiệp xung phong làm, tôi xúc động lắm. Họ nói, tôi xung phong nhưng nhỏ quá, anh phải vận động cả cộng đồng doanh nghiệp cùng làm", ông Hoan nói, đồng thời cho rằng, tất cả phải hợp lực, cộng sinh, mở vòng tròn của mình ra, ngồi chung cùng một vòng tròn, kết nối với nhau.

"Không thay đổi sẽ còn gặp những khó khăn, bởi những thành quả ngày hôm nay không có gì bảo đảm chắc chắn sẽ thành công mãi mãi. Ở một thế giới đổi thay như hiện nay, chúng ta vượt lên, biết đâu có người khác cũng sẽ vượt lên", ông Hoan nói thêm.

Xóa đi lời nguyền "người trồng lúa là khổ"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lấy ví dụ cách đây 10 năm, điện thoại Nokia là đẳng cấp, không ai nghĩ sau này bị thâu tóm, mất đi thương hiệu. Trên mạng vẫn còn video CEO của Nokia đứng lên nói 'chúng tôi biết vì sao thất bại, vì chúng tôi không làm gì cả'".

Theo Bộ trưởng Hoan, Nokia giữ kiểu điện thoại truyền thống có nút bấm, trong khi các đối thủ đã nghiên cứu điện thoại cảm ứng màn hình lớn. Hiện nay, ở đâu cũng dùng điện thoại thông minh như của Apple, Samsung...

"Tôi muốn nói là thế giới thay đổi nhanh tới mức cái mới ra đời chưa kịp định hình đã có cái mới ở phía sau rồi. Vì thế, mỗi người phải có động lực cải tiến, cải tiến và cải tiến - đổi mới, đổi mới và đổi mới", ông Hoan nhấn mạnh.

Quay trở lại câu chuyện lúa gạo, ông Hoan bảo, việc thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo là thực hiện việc cấu trúc lại tính bền vững các mắt xích trong chuỗi ngành hàng trở nên đầy đặn, chặt chẽ hơn. Ông Hoan quan điểm, các mắt xích dù là tốt nhất, nhưng rời rạc cũng không ổn; trái lại, có thể không phải là tốt nhất, nhưng gắn chặt với nhau sẽ phát triển bền vững.

"Hiệp hội ngành hàng ra đời bên lề Festival lúa gạo để truyền đi thông điệp chúng ta đi chung. Một chiến lược phát triển nông thôn bền vững là vừa đi chúng ta vừa tìm đường, tìm kiếm cái mới, vừa uốn nắn lại cái cũ, vì người trồng lúa của chúng ta, tìm câu trả lời xóa đi lời nguyền là người trồng lúa là khổ", Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Trường Phong.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Trường Phong.

Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT nhắc ví dụ, có cuốn hồi ký của doanh nhân người Nhật, trong đó có câu, đại ý: doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, bởi không lợi nhuận thì không thể điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là dứt khoát, nhưng theo tôi, doanh nghiệp phải tạo ra giá trị cộng đồng, giá trị cho xã hội và trên con đường tạo ra giá trị đó chúng ta thu về lợi nhuận, lợi ích cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, doanh nghiệp hoạt động phải có lợi nhuận, nhưng xét trên ý nghĩa của nhận định trên, doanh nghiệp đang góp phần tạo giá trị cho cộng đồng, cho xã hội - làm việc cho quốc gia, cho quê hương, dân tộc. Ông Hoan nhắn nhủ, nếu hiểu thông điệp như vậy, các doanh nghiệp có động lực trong đối mặt với khó khăn để chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam - dù đang đứng trên đỉnh cao, nhưng đòi hỏi phải thay đổi theo xu thế nền kinh tế xanh.

"Không có con đường nào trải hoa hồng, nhưng mà nếu có tâm thế như vậy rồi, nếu làm vì ngành lúa gạo, vì người nông dân, vụ này chưa đạt lợi nhuận thì cần tiếp tục, bởi mục tiêu không chỉ là lợi nhuận của doanh nghiệp, mà cao hơn là gửi thông điệp đến thế giới về thương hiệu gạo Việt...", Bộ trưởng Hoan nói.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-75765-hat-gao-va-ban-co-cua-bo-truong-le-minh-hoan-post1594853.tpo