Chuyện ăn mặc của người nổi tiếng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi… vẫn sai

Chuyện các nghệ sĩ, người nổi tiếng bị chỉ trích vì ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh đã nhiều lần được nói đi nói lại, phạt có, nhắc nhở có, phê bình cũng có, nhưng vẫn là chuyện… biết rồi, nói mãi… vẫn sai. Chẳng phải vì công chúng quá khắt khe, mà có những hoàn cảnh, mọi sự biện minh đều khó thông cảm.

Mới đây, Phương Mỹ Chi cùng cha nuôi và một số đồng nghiệp cúng Tổ nghề tại nhà của Quang Lê. Tuy nhiên giọng ca trẻ vấp phải tranh cãi vì mặc crop top hở eo trong ngày được coi là quan trọng với giới nghệ sĩ. Nhiều khán giả cho rằng trang phục cô mặc có phần hở hang, không phù hợp để cúng Tổ nghề.

Không ít tài khoản mạng vào nhắc nhờ Phương Mỹ Chi là trang phục cô ăn mặc chưa phù hợp với dịp có tính chất trang nghiêm như vậy. Phương Mỹ Chi giải thích: “Dạ vì em đang đi học ạ. Ba gọi qua bất chợt, em đi liền chứ không biết hôm nay thắp hương Tổ nghiệp ạ". Nhiều tài khoản cũng cho rằng, phải chăng mọi người đang quá khắt khe với một cô gái đang trong tuổi ăn tuổi lớn, vì cô bé cũng phải thay đổi , cũng phải thoát mác cô bé dân ca nữa chứ.

Đúng là sự trưởng thành của mỗi cá nhân kéo theo đó nhiều sự thay đổi, Phương Mỹ Chi từng được biết đến là một giọng ca nhí hát dân ca, dễ thương, nhiều cảm xúc, vì thế, đôi lần thấy Phương Mỹ Chi trang điểm quá già dặn, ăn mặc có tính chất người lớn là khán giả đã… hốt hoảng quá mức. Nhưng cũng có những tình huống cô bé được bênh vực, ví như đi biển thì chuyện mặc áo trễ vai, quần cộc đâu có gì … không bình thường.

Tuy nhiên, với ngày giỗ Tổ nghề, dù lý do này hay lí do khác thì giải thích nào về trang phục không phù hợp cũng rất khó thông cảm, nhất là hình ảnh đó còn được đăng tải phổ biến tới rất nhiều người. Chính vì Phương Mỹ Chi còn trẻ, còn đang trưởng thành, nên ý kiến của nhiều khán giả cũng rất thẳng thắn: Cái gì được góp ý đúng thì nên lắng nghe để tốt hơn.

Cũng không phải chỉ riêng mình Phương Mỹ Chi bị chê trách chuyện ăn mặc trong lễ giỗ Tổ nghề, trước đó những cái tên như Đào Bá Lộc, Trấn Thành, Lâm Khánh Chi, Trương Quỳnh Anh… cũng bị chỉ trích vì đến lễ giỗ Tổ nghiệp ăn mặc thiếu phù hợp: Người thì diện trang phục như ở nhà, người quá hở hang, người giống trang phục đi diễn… Tất cả đều ở chỗ… không hợp hoàn cảnh, và với người nổi tiếng, sự không phù hợp đó càng bị để ý hơn nữa, bởi hình ảnh của họ có tác động đến nhiều người.

Cũng có rất nhiều những người đẹp như Hoa Hậu Kỳ Duyên, Hương Tràm, Angela Phương Trinh, Thảo Trang… khi đi chùa bị chê trách vì chọn trang phục thiếu tinh ý. Ở hoàn cảnh này, dù có giải thích thế nào, các người đẹp cũng khó được thông cảm, bởi ăn mặc không chỉ dừng lại ở chỗ thể hiện sự tinh tế của chủ nhân, còn thể hiện sự tôn trọng với văn hóa, tín ngưỡng của vùng miền mà họ đến. Nhất là với người nổi tiếng, một bức ảnh cũng có lượng theo dõi, lượt chia sẻ lên đến hàng chục nghìn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người nổi tiếng, còn có tác động ngược đối với những người đang quan tâm đến họ.

Phương Mỹ Chi, Đào Bá Lộc bị chỉ trích vì ăn mặc không phù hợp khi đi giỗ Tổ nghề. ẢNH TƯ LIỆU

Phương Mỹ Chi, Đào Bá Lộc bị chỉ trích vì ăn mặc không phù hợp khi đi giỗ Tổ nghề. ẢNH TƯ LIỆU

Phản ứng của những nghệ sĩ khi bị chỉ trích cũng rất khác nhau, người xin lỗi khán giả và công chúng, người cho rằng mình bị soi mói thái quá, người hoàn toàn ngó lơ nhận xét. Có lẽ vì những cách tiếp nhận phản hồi đó, nên chuyện cái áo, cái váy… mãi vẫn là chuyện tái đi tai lại, năm nào cũng có người bị chỉ trích và chê trách.

Thực tế là khi ở trên sân khấu, quy định về trang phục biểu diễn có những chế tài kèm theo, nếu nghệ sĩ mặc sai, không đúng quy định, họ sẽ bị phạt. Nhưng với các hoạt động cộng đồng, những sinh hoạt nghề nghiệp riêng, vấn đề trang phục rất khó nói đến cùng. Tuy nhiên trang phục phù hợp được xếp vào những quy tắc của văn hóa. Nhiều địa phương cụ thể những quy tắc này thành một nếp văn hóa ứng xử. Ví dụ theo quy định tại Điều 6 – Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10-3-2017 của UBND TP thì nên làm và không nên làm những điều sau tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Nên làm gồm có: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống; Chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự; Đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung. Còn trong những việc không nền làm có: Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm. Nghĩa là mọi công dân đều cần có ý thức về trang phục với hoạt động văn hóa cho phù hợp.

Người nổi tiếng, trước tiên và nhiều nhất là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí, cái giá của sự nổi tiếng tất nhiên đi kèm với việc sẽ bị để ý nhiều hơn, đồng nghĩa với việc phải giữ hình ảnh của bản thân nhiều hơn. Với chuyện trang phục, đằng sau đó là cả những ứng xử văn hóa có tác động đến nhiều người. Khán giả, nhiều khi cũng không phải vì rảnh quá mà ngồi soi, hay khó tính quá mà phán xét, chỉ đơn giản, yêu cầu về hình ảnh của người nổi tiếng với họ được nâng cao hơn mà thôi.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-an-mac-cua-nguoi-noi-tieng-biet-roi-kho-lam-noi-mai-van-sai-162334.html