Chuyện 'bánh mì'

Ngày thứ 2 giãn cách...

Cơn mưa đêm qua vẫn còn ẩm ướt ở một góc vườn, những giọt nước đọng trên cành lá chưa kịp tan vì thiếu ánh mặt trời... Cơn bão số 3 khiến các tỉnh miền Đông của tôi bị ảnh hưởng, nhiều nơi mưa to... Sài Gòn chiều tối qua cũng giông gió lớn, cuốn bay nhiều góc nhà và quật ngã những bảng hiệu quảng cáo trên đường khiến nhiều người hốt hoảng... May là ngoài đường vắng, vì mọi người “ở nhà” để phòng chống dịch...

Pha gói cà phê pha nhanh và ấm trà nóng ra ngồi góc vườn, chợt thèm một ổ "bánh mì nhận”. Ở miền Nam, "bánh mì nhận" dùng để phân biệt với “bánh mì không” (không nhận thêm gì).

“Bánh mì nhận” là bánh mì được thêm vào thịt nguội kèm với đồ chua, dưa leo, rau thơm... thêm vài miếng ớt, rồi chan nước sốt, xịt nước tương, rắc ít muối tiêu. Nếu nhận vào nhiều thứ cùng lúc người ta thường nói là "một ổ đầy đủ”. Nếu không thì tùy nhưng bánh được nhận vào mà người ta gọi tên, như: bánh mì thịt, bánh mì heo quay, bánh mì pa tê; xíu mại; chả lụa hay bánh mì cá, bánh mì gà...

Nói đến bánh mì gà, tôi nhớ ngày trước khi còn bé ở Sài Gòn, mỗi sáng đi học, ba tôi hay dắt tay tôi qua bên đường đối diện nhà, có gánh bánh mì gà bán ngay góc ngã ba vào chợ Kiến Thiết (nay là góc đường Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh) rất đông khách. Ổ bánh mì gà nhỏ và thon tròn như cái đùi gà (loại bánh mì này bây giờ ít thấy) được dì bán bánh mì liền tay thoăn thoắt quệt lên ít bơ và nhận vào những miếng gà xé sợi, vài miếng dưa leo, lá xà lách, cà chua... thơm giòn và thật hấp dẫn.

Có lẽ quen ăn bánh mì từ nhỏ, sau này đi làm, tôi cũng hay ăn bánh mì. Không chỉ ăn sáng, mà có khi cả trưa, chiều tối cũng chỉ có bánh mì. Riết rồi anh em hay nói tôi là “đạo bánh mì”.

Thật ra, thời bao cấp lúc đó cũng rất khó, lương bổng “ba cọc, ba đồng”, “ăn trước, trả sau” và chuyện thiếu nợ quán là chuyện của nhiều người. Tôi thì “nợ bánh mì”. Mấy xe bánh mì gần cơ quan lúc đó, hầu như tôi đều có “sổ nợ”, chỉ đến khi tới tháng lương thì mới ra để “tính sổ”.

Nghĩ lúc khổ, tiền đâu ăn cơm, có ổ bánh mì bỏ bụng, uống ly trà đá đã là quý hơn vàng. Xe bánh mì mà tôi thiếu nợ ngày xưa đến giờ vẫn còn bán, có hôm chiều cuối tuần từ Bình Phước về, tình cờ ngang qua, thấy còn bánh mì nhiều, tôi vội quay lại mua cho chị một ít. Bánh mì ở đây rất ngon. Hôm rày dịch bệnh, rồi nay giãn cách, chắc chị cũng không buôn bán được gì.

Bánh mì ở Việt Nam được xem là món ăn “đường phố” vì tính tiện lợi, bình dân, rẻ tiền nhất mà lại rất ngon và được người phương Tây thích thú, ca ngợi, vinh danh.

Nhiều tài liệu ghi chép lại, bánh mì từng là lương thực mà Pháp mang theo khi sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 19. Thực ra, ban đầu mà người Pháp mang vào Việt Nam là loại bánh mì baguett cùng các nguyên liệu bột mì và cho xây dựng những lò bánh mì đầu tiên ở Việt Nam nhằm đáp ứng cho nhu cầu của họ. Họ thuê người Việt, người Hoa ở Việt Nam để làm bánh mì và đó cũng là khởi nguồn cho nhiều lò bánh mì của Việt Nam ra đời sau này, mà nổi tiếng từ xưa đến giờ vẫn là “bánh mì Sài Gòn”.

Ở Sài Gòn lúc nhỏ, tôi có anh bạn học khá thân, nhà có lò bánh mì sát vách nhà tôi. Tôi hay sang lò bánh mì chơi, thích nhất là rượt đuổi nhau, bay nhảy trên những bao bột mì chất chồng đầy kho bánh. Rồi còn được mấy người thợ cho vào xem làm bánh mì; được học làm bánh mì từ những cục bột mì nho nhỏ, được chỉ cách cầm chiếc đũa gắn lưỡi dao lam để rạch bánh sao cho khi bánh đưa vào lò nướng được nở đều và tạo đường gờ dọc thân bánh cho khéo, cho đẹp.

Rạch xong, lại phải xịt lên đường rạch ít nước bơ đường để khi nướng, bánh được thơm giòn. Những khay bánh ra lò nóng hổi được cho ngay vào những chiếc giỏ cần xé được lót vải hoặc giấy báo cũ và phủ trên miệng giỏ miếng vải bố để giữ nóng.

Mỗi lần qua lò bánh mì chơi, tôi còn thích được bạn “đãi” cho những lát bánh mì nướng tẩm bơ đường béo ngọt thơm ngon.

Cũng lạ là 2 tiếng “bánh mì” gắn liền với ký ức tuổi thơ của tôi khá lâu như vậy nên khi đọc báo thấy câu chuyện anh công nhân chỉ vì đi mua bánh mì mà bị “lên lớp”, bị phạt vì ra đường trong lúc phòng, chống dịch với “lý do không chính đáng”, để rồi còn bị mất việc, mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn... Nghe khôi hài mà cũng thật xót xa.

Dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Quy định người dân hạn chế ra đường là biện pháp cần thiết cũng nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân; đem lại cuộc sống yên bình như trước cho mọi người, mọi nhà.

Ở nhà lúc này đối với nhiều người là diễm phúc vì còn bao con người phải làm nhiệm vụ hiểm nguy trong tâm dịch...

Những ngày giãn cách còn đó và có thể còn kéo dài nếu mỗi chúng ta không cố gắng...

Với tôi, những ngày giãn cách ở nhà là sự cố gắng được sẻ chia cùng đồng nghiệp và những người nơi tuyến đầu chống dịch. Mong những ngày giãn cách khó khăn sẽ qua mau để cuộc sống lại bình thường, để được thưởng thức một ổ bánh mì giòn, thơm...

3 Auto
20-7-2021

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/125281/chuyen-banh-mi