Chuyến bay đón 120 bệnh nhân Covid-19 ở Guinea Xích đạo đã cất cánh
Sáng nay 28-7, máy bay đã rời sân bay Nội Bài đi Bata (Guinea Xích đạo) đón 219 người Việt hồi hương, trong đó có tới 120 người được xác định mắc Covid-19.
Sáng nay, 28-7 đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng mang theo các thiết bị y tế đi trên chuyến bay đón người lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - bác sĩ tham gia chuyến này , cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, mọi trang thiết bị để sẵn sàng đi đón bệnh nhân.
Theo kế hoạch, lúc 7 giờ ngày 28-7 chuyến bay thẳng 12 tiếng từ sân bay Nội Bài (TP Hà Nội) đến sân bay quốc tế thành phố Bata của Guinea Xích đạo, dừng khoảng 3 tiếng để đón công dân rồi quay lại luôn Nội Bài. Dự định trưa 29-7 sẽ về đến Việt Nam.
"Chuyến bay đón 219 công dân, trong đó có 120 bệnh nhân Covid-19. Đây là chuyến bay đầu tiên đón bệnh nhân Covid-19 từ nước khác về, chưa từng có tiền lệ. Do đó, các phương tiện chúng tôi mang theo cũng đặc biệt hơn, trong đó có 2 máy thở, 2 máy khí rung kèm theo motor máy theo dõi, bình oxy... những thiết bị chuyên dụng trong cấp cứu. Ngay tại khoang dành cho người bị Covid-19 cũng được chuẩn bị 2 cáng để nếu có bệnh nhân nặng cần xử lý, ê-kíp có thể thực hiện được các thao tác cấp cứu"- bác sĩ Hùng thông tin.
Theo bác sĩ Hùng, trên chuyến bay, bệnh nhân sẽ phân chia, sàng lọc bệnh nhân nặng-nhẹ để đưa ra các ưu tiên khác nhau, bệnh nhân nặng sẽ cho ngồi lên trên. Và trên chuyến bay cũng sẽ có lưu ý đến các bệnh nhân nặng để kịp thời can thiệp khi có biến cố. Trên máy bay được chia làm các khu: Khu bệnh nhân, khu thứ 2 là người chưa bị bệnh, khu thứ 3 dành cho nhân viên y tế và khu thứ 4 là phi hành đoàn.
Chuyến bay chiều đi kéo dài khoảng 12 tiếng, chiều về khoảng 15 tiếng. Nguy cơ 12-15 tiếng trong 1 không gian hẹp trên máy bay cùng với 120 bệnh nhân được đánh giá là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao do mật độ virus trong không khí và các bề mặt có thể rất đậm đặc. "Chúng tôi đã làm việc rất kỹ với Cục Hàng không Việt Nam, nhất là bộ phận kỹ thuật, nên đã có các giải pháp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nhất. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của các kỹ sư ĐH Bách Khoa Hà Nội, trên máy bay sẽ lắp 1 buồng áp lực dương, trong đó không khí sẽ được lọc sạch, có thể lọc cả virus để phục vụ một số nhu cầu thiết yếu cho nhân viên y tế, phi hành đoàn khi phải cởi khẩu trang, thiết bị bảo hộ" - bác sĩ Hùng thông tin thêm.
Toàn bộ số người lao động này sẽ được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cách ly, theo dõi. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ khi xảy ra đại dịch đến nay tại Việt Nam.
Mệnh lệnh từ trái tim
Được biết, chuyến bay lần này là VN5022 của Vietnam Airlines, tổ bay được bố trí 5 phi công, 8 tiếp viên, 4 nhân viên kỹ thuật, cân bằng tải trọng máy bay. Thành viên tổ bay mặc đồ bảo hộ cấp 4 và hạn chế dùng nhà vệ sinh. Máy bay lắp rèm bằng nhựa dẻo để chia thành 3 khoang, có máy lọc không khí ở mỗi khoang. 325 ghế trên máy bay Airbus A350 đều được bọc kín nilông và cài vào mỗi lưng ghế 5 khăn ướt tẩm cồn, 1 túi rác và 1 tờ hướng dẫn hành khách trên chuyến bay...
Các hành khách âm tính với Covid-19 ngồi ở khoang phía trên, tiếp đó là phòng đệm và phía cuối máy bay chở hành khách dương tính với Covid-19. Hành khách được cung cấp đồ bảo hộ, mặc trong suốt chuyến bay.
Khoang chở hành khách mắc Covid-19 được bố trí 2 tiếp viên, 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hai tiếp viên của Vietnam Airlines sẽ tình nguyện ở khu vực khoang cuối máy bay, không di chuyển lên khoang khác.
Tiếp viên trưởng Trương Anh Tú 21, một trong 8 tiếp viên được lựa chọn từ hàng trăm tiếp viên tình nguyện đăng ký tham gia chuyến bay chưa từng có này cho biết ngay khi nhận được thông tin về chuyến bay, anh đã không ngần ngại xung phong làm nhiệm vụ trên chuyến bay này bởi anh cảm nhận đây là mệnh lệnh từ trái tim.
"Thực sự đối với tôi, đây không phải là một chuyến bay gian khổ, mà sẽ là một hành trình tuy nhiều thử thách nhưng đầy tự hào, và sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất, ý nghĩa nhất đối với mỗi người tiếp viên chúng tôi"- anh chia sẻ.
Anh Tú cũng cho biết các thành viên tham gia chuyến bay đã tích cực rèn luyện thể lực, tăng cường sức đề kháng để luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi nhìn những hình ảnh đồng bào Việt Nam mắc Covid-19 tại Guinea Xích đạo phải sinh hoạt trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khẩu phần ăn chỉ là bánh mì cho bữa sáng, khoai và sắn cho các bữa ăn còn lại, anh càng tin tưởng sự xung phong tham gia chuyến bay của mình là quyết định đúng đắn. Nghĩ đến cảm xúc lo âu của những người cha, người mẹ, những người vợ, người con có người thân sinh sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt và nguy hiểm, anh càng mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình đưa đồng bào Việt Nam, đặc biệt là những bệnh nhân Covid-19, về nước chữa trị càng sớm càng tốt, phần nào giảm bớt gánh nặng lo lắng cho gia đình của họ.
Hình ảnh các bác sĩ lên đường đón đồng bào từ Guinea Xích đạo trở về nước (tác giả ảnh: Đặng Thanh):