Chuyến bay giải cứu: Bản án nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan hồng, nhân đạo
Các luật sư đánh giá tòa sơ thẩm tuyên 4 bị cáo mức án chung thân thể hiện sự nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe đối với tội phạm tham nhũng.
Bốn án chung thân là rất nghiêm khắc
Bản án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu được Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội công bố chiều qua (28/7); Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) không bị tử hình như đề nghị của Viện kiểm sát (VKS), mà lĩnh mức án chung thân về tội nhận hối lộ.
Cùng tội này, tòa phạt tù chung thân đối với Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục Quản lý XNC, Bộ Công an). Người thứ tư lĩnh án chung thân là Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra), với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, 10 bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp được hưởng án treo, thấp hơn mức hình phạt mà đại diện VKS đưa ra, đề nghị áp dụng trước đó.
Theo dõi phiên tòa với vai trò người bào chữa, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) đánh giá bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo với nhiều bị cáo. Đặc biệt đối với Phạm Trung Kiên.
“
Trong 21 bị cáo nhận hối lộ, người lĩnh án cao nhất là chung thân, thấp nhất 30 tháng tù.
Ở nhóm 23 bị cáo đưa hối lộ, bản án cao nhất là 11 năm tù, thấp nhất 15 tháng án treo.
Luật sư phân tích: Để tránh khỏi án tử hình như VKS đề nghị, ông Kiên đã tác động gia đình khắc phục gần hết số tiền mà bị cáo nhận hối lộ.
Theo luật sư, để động viên tội phạm về tham nhũng ăn năn hối cải, có ý thức trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, HĐXX áp dụng khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, không áp dụng hình phạt cao nhất của tội danh này.
Cũng theo luật sư Cường, bản án còn rất nghiêm khắc đối với một số bị cáo khác. Điển hình là Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Văn Hưng. Mức án này khá bất ngờ đối với nhóm luật sư bào chữa, với dư luận và nhiều bị cáo khác.
Tuy nhiên, các bị cáo này có quyền kháng cáo xin giảm hình phạt, xuất trình thêm các tình tiết mới, đặc biệt là vấn đề khắc phục hậu quả hay lập công chuộc tội. Khi đó, tòa cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm hình phạt để bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
10 án tù treo thể hiện sự khoan hồng
Cũng là người bào chữa trong vụ án, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận vụ chuyến bay giải cứu có nhiều nhóm bị cáo bị xét xử với 5 tội danh khác nhau. Trong đó, Hội đồng xét xử tuyên 10 bị cáo ở tội đưa hối lộ mức án tù nhưng cho hưởng án treo, điều này thể hiện sự phân hóa rõ nét, phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi.
Theo luật sư, nhiều bị cáo đưa hối lộ nhưng số tiền không lớn. Nhiều bị cáo khai không ai muốn mang tiền để đi đưa hối lộ và đưa ra nhiều lý do để giải trình cho hành vi này.
“Tôi đánh giá các bản án này vừa đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung, nhưng cũng thể hiện tính khoan hồng để các bị cáo có cơ hội sửa sai”, ông Tú nêu quan điểm và đánh giá đây là một bản án nhân văn.
Đối với nhóm bị cáo lĩnh các hình phạt cao hơn mức mà VKS đề nghị, luật sư Trương Anh Tú khẳng định đó là những bản án nghiêm khắc và đủ sức răn đe. Theo ông, chế tài hình sự ở Việt Nam rất nghiêm khắc, là một trong những chế tài nghiêm khắc nhất trên thế giới.
Nói về hình phạt dành cho Phạm Trung Kiên, luật sư đánh giá mức án chung thân là phù hợp. Bản án dành cho những bị cáo khác cũng đã phân hóa rõ mức độ hành vi của từng cá nhân.
“Nhà nước đã có hướng dẫn về việc mở đường để các bị cáo trong các vụ án về kinh tế, chức vụ thoát án tử khi họ tác động gia đình khắc phục được quá 3/4 số tiền”, ông Tú nói và cho rằng sự lượng hình này phù hợp với luật định.
>> Video HĐXX nêu căn cứ trước khi tuyên án Phạm Trung Kiên