'Chuyến bay tháng 3' và lối viết độc đáo về đề tài chiến tranh
'Chuyến bay tháng 3' thể hiện cuộc sống tinh thần đa chiều, phức hợp của thực tại hậu chiến được hiện ra một cách tự nhiên. Các tiêu bản chiến tranh đã có lý do để được trưng bày trong tập truyện khác biệt của một cây bút mới giàu nội lực: Lê Khải Việt.
13 truyện ngắn trong Chuyến bay tháng 3 liên kết mật thiết với nhau như những truyện liên hoàn, tạo nên một bối cảnh tinh thần của thời hậu chiến. Mỗi một câu chuyện là một lát cắt lịch sử sắc nét, những cảnh huống của sự kiện, hồi ức đồng hiện trên văn bản đa chiều.
Sự linh hoạt phong cách kể chuyện: khi êm đềm, lúc khốc liệt, sự ám ảnh và cả mê hoặc đi vào một mê cung của ký ức. Một cuộc khảo sát tổng thể, đi sâu lý giải những phỏng đoán nhằm bóc tách, truy vấn những sự kiện lịch sử tưởng chừng còn bị che phủ dưới vết sương mờ ảo mang tên thời gian.
Dưới ngòi bút lạnh lùng, tỉnh táo, tinh tế và khúc chiết, Lê Khải Việt không làm thay công việc của các sử gia, mà văn chương hóa các dữ kiện lịch sử (hình ảnh, tài liệu, thông tin sự kiện…). Như trong lời giới thiệu: “Cuốn sách này như thể là một bảo tàng cá nhân được dựng lên để khảo sát quá khứ, để xuyên thấu những tình huống phân tranh tồn đọng và truy vấn vì sao chúng có thể tồn đọng, không ngừng tái chiếm thực tại (dẫu trên thực tế, bằng những uyển ngữ, có thể gọi đó là những vết thương đã liền da!)” (Phanbook).
Với vốn kiến thức về chiến tranh khá phong phú, người viết trình bày một ngõ vào văn chương độc đáo và đầy hứa hẹn trong bối cảnh sáng tác về chiến tranh vẫn còn thiếu vắng, dù cuộc chiến đã đủ khoảng lùi sau gần 50 năm.
Chuyến bay tháng 3 là tác phẩm đầu tay của Lê Khải Việt. Tác giả làm việc trong ngành xuất bản và có nhiều năm đọc các tài liệu biên khảo chiến tranh.