Chuyển biến sau giám sát

Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các kết luận, cho thấy những chuyển biến tích cực sau giám sát.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Võ Nhai.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Võ Nhai.

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Chương trình GS năm 2023, trên cơ sở các nội dung kiến nghị tại Nghị quyết GS chuyên đề và kết luận, kiến nghị GS của Thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan giải quyết dứt điểm các kết luận, kiến nghị GS. 100% kiến nghị, kết luận đã được tiếp thu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giải quyết theo quy định.

Trong số 68 kiến nghị, kết luận chuyển đến UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND tỉnh đã tách thành 81 kiến nghị, kết luận để chỉ đạo thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành 73 văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã ban hành 183 văn bản triển khai đầy đủ, nghiêm túc đối với kiến nghị, kết luận của HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh xác định có 69/81 kiến nghị, kết luận đã giải quyết xong và đưa vào nhiệm vụ chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, bằng 85%; 12/81 kiến nghị, kết luận đang trong quá trình giải quyết, chiếm 15%.

Cụ thể, đối với kiến nghị về chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu (CSDL) về đất đai đảm bảo thống nhất, đồng bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, hoàn thiện hệ thống thông tin, CSDL về đất đai.

Đến nay đã hoàn thành CSDL đất đai của 9/9 huyện, thành phố. 8/9 địa phương cơ bản đã thực hiện đo đạc theo phương pháp hiện đại; đang tiến hành cập nhật, bổ sung CSDL của hệ thống thông tin đất đai để đảm bảo quản lý và theo dõi biến động của đất ở cả 3 cấp chính quyền địa phương.

Về nội dung kiến nghị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đối với 3 đơn vị và tổ chức, thanh tra đột xuất 2 đơn vị. Qua đó đã ban hành kết luận thanh tra đối với 1 đơn vị, truy thu tổng số tiền thuê đất và thuế đất phi nông nghiệp trên 884 triệu đồng. Thực hiện thu hồi các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đất đai trong giai đoạn 2019-2021 đối với Công ty CP Công nghệ môi trường Thái Nguyên, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, Doanh nghiệp tư nhân Tài Tiến, Công ty CP Khai khoáng miền núi, Hợp tác xã Vận tải Chùa Hang...

16 kiến nghị do Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh chuyển đến các cơ quan tư pháp đã được triển khai thực hiện đầy đủ, trong đó số kiến nghị đã được các cơ quan tư pháp xác định giải quyết xong là 14/16 kiến nghị bằng 87,5%; 2/16 kiến nghị đang được giải quyết theo quy định.

Tại Kỳ họp tháng 7-2023, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý. Việc ban hành chính sách này là một trong những giải pháp để tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học, góp phần đạt chỉ tiêu “Đến năm 2025, toàn tỉnh có 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến trường”.

Tại Kỳ họp tháng 7-2023, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh quản lý. Việc ban hành chính sách này là một trong những giải pháp để tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học, góp phần đạt chỉ tiêu “Đến năm 2025, toàn tỉnh có 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến trường”.

Về kiến nghị tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, nâng cao số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại, tòa án hai cấp trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Kết quả 9 tháng năm 2023, số đơn đề nghị hòa giải, đối thoại tại tòa án là 1.054 đơn, đã hòa giải, đối thoại thành 367 vụ; người khởi kiện rút đơn khởi kiện 76 đơn.

Kết quả giám sát cho thấy số vụ việc được thực hiện hòa giải, đối thoại được nâng lên, trong đó số vụ hòa giải thành chiếm 35% tổng số đơn đề nghị.

Với kiến nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án còn tồn đọng kéo dài chưa được đưa ra giải quyết, xét xử, đến tháng 12-2022 còn 30 vụ án phức tạp, kéo dài. Sau khi thực hiện kiến nghị của Đoàn GS, đến nay các đơn vị tòa án hai cấp trong tỉnh đã tập trung giải quyết, xét xử xong 13 vụ, còn 17 vụ hiện đang tích cực tiến hành các hoạt động tố tụng, thu thập chứng cứ, xác minh; thực hiện tống đạt, triệu tập đương sự đến tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải để giải quyết, trong đó 3 vụ đang tạm đình chỉ.

Tại phiên giải trình, GS của HĐND tỉnh mới đây, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá cao các nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tích cực triển khai thực hiện. Đối với những nội dung đang trong quá trình giải quyết, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thuộc tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND tỉnh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời giao các ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường GS việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh và cơ quan của HĐND tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202311/chuyen-bien-sau-giam-sat-52d1e64/