Chuyển biến tích cực trong công tác gia đình ở Vĩnh Linh

Xác định Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tiếp nối, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội. Bám sát nội dung của chiến lược, huyện Vĩnh Linh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, triển khai toàn diện các giải pháp để thực hiện hiệu quả từng mục tiêu của chiến lược, đạt được những kết quả quan trọng về công tác gia đình.

 Biểu dương các gia đình tiêu biểu ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh. Ảnh: NT

Biểu dương các gia đình tiêu biểu ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh. Ảnh: NT

Từ năm 2012- 2019, hằng năm, trung bình toàn huyện Vĩnh Linh giảm khoảng 30% hộ có bạo lực gia đình; giảm hơn 13% số hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, giảm trên 13% (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn) hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định; tăng 10% hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục. Đến cuối năm 2019, 95% người dân được phổ biến, cam kết thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. 90% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa…

Để có được những kết quả này, thời gian qua việc triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010- 2020 gồm: Quyết định số 629 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 81, Nghị định số 02/2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư được huyện Vĩnh Linh đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ xã, thị trấn đến huyện thường xuyên được kiện toàn, củng cố. Các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, đưa các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được chăm lo đúng mức.

Chất lượng, hiệu quả truyền thông đảm bảo sâu rộng về nội dung, đa dạng về hình thức, phong phú về đối tượng. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng và các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình. Nhiều chương trình trọng tâm, trọng điểm, hoạt động ý nghĩa vào các dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, như: Hội thi gia đình hạnh phúc, sinh hoạt CLB, gặp mặt gia đình văn hóa tiêu biểu… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đã đẩy mạnh giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho mọi người, nhất là giới trẻ. Trong đó, chú trọng những nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Dân số; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đến năm 2020…

Các CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển bền vững”; những mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại nhiều địa phương được duy trì nền nếp, được nhân rộng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” diễn ra sôi nổi. Hầu hết các làng, khu dân cư đều xây dựng hương ước, quy ước. Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ. Mặt khác, tác động trực tiếp đến việc hình thành nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, tạo động lực to lớn cho các phong trào thi đua ở địa phương, tăng cường trách nhiệm giữa gia đình và cộng đồng. Đặc biệt nhiều ngành, đoàn thể chủ động vào cuộc, có cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng gia đình văn hóa như: Phong trào “Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN; “Gia đình nông dân hạnh phúc” của Hội Nông dân; “Gia đình hội viên gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh; Hội Người cao tuổi với phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…không ngừng phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam.

Nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án về công tác gia đình ở huyện Vĩnh Linh góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Tính đến năm 2019, 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, cha mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. 95% hộ được cung cấp thông tin về chính sách pháp luật phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó thiên tai, khủng hoảng kinh tế, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Khởi cho biết: “Giai đoạn 2020- 2030, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 629 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 81 của Chính phủ, Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư, Nghị định số 02/2013 của Chính phủ và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chỉ đạo phối hợp trợ giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình do kinh tế khó khăn. Duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình; huy động, sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, ưu tiên vùng nông thôn, vùng khó, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tập trung kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới… Từ đó xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, môi trường văn hóa lành mạnh làm nền tảng vững chắc thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.”

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149330