Chuyển biến trong chính sách Syria của EU

Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ, Tổng thống al-Assad sẽ hành động để giảm thiểu tình trạng người Syria rời đất nước đến EU.

Các nhà lãnh đạo châu Âu và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) đang chịu áp lực mới về việc xem xét lại lập trường của họ đối với Syria, thậm chí là nối lại quan hệ với chính quyền ở Damacus.

Trong bối cảnh nhập cư tiếp tục là vấn đề chính trị nóng bỏng hàng đầu ở châu Âu, và một phần cũng là do sự trỗi dậy của phe cực hữu, các chuyên gia cho rằng chuyển biến trong chính sách của Brussels đối với Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad dường như là không thể tránh khỏi.

Italy, dưới sự lãnh đạo của đảng cực hữu có quan điểm chống nhập cư Những người anh em Italy (Fratelli d’Italia – FdI) của Thủ tướng Giorgia Meloni, đã đi đầu và quyết định nối lại quan hệ ngoại giao với Syria.

Ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ), cho biết rằng cuối cùng châu Âu cũng sẽ đi theo xu hướng này và bình thường hóa quan hệ với chính quyền của ông al-Assad. "Sẽ không sớm đâu, nhưng rồi sẽ đến thôi", ông Landis nói với DW.

"Chuyển sự chú ý" trở lại Syria

Hồi tháng 7, lo sợ nguy cơ về làn sóng tị nạn mới từ Syria tràn vào châu Âu, Ngoại trưởng của 8 quốc gia thành viên EU đã gửi thư kêu gọi Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell bổ nhiệm một phái viên EU-Syria.

"Người Syria tiếp tục rời quê hương với số lượng lớn, gây thêm căng thẳng cho các nước láng giềng, trong thời điểm căng thẳng trong khu vực đang lên cao, có nguy cơ tạo ra làn sóng người tị nạn mới", bức thư nêu rõ.

Bức thư kêu gọi khối này "xem xét và đánh giá" lập trường và chính sách của mình đối với Syria, nhấn mạnh rằng "mục tiêu là một chính sách Syria tích cực hơn, hướng đến kết quả và có hiệu lực hơn".

Nhiều người vừa trở về Syria đã lại chạy sang các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lebanon. Ảnh: Getty Images

Nhiều người vừa trở về Syria đã lại chạy sang các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lebanon. Ảnh: Getty Images

Italy là một trong những bên ký vào bức thư. Hiện tại, Rome có động thái nối lại quan hệ chính thức với Damascus. Ông Stefano Ravagnan, hiện là Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Italy về Syria, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Italy tại quốc gia Trung Đông này.

Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết ý tưởng này là nhằm "chuyển sự chú ý" trở lại Syria. Italy đã cắt đứt quan hệ với Syria vào năm 2012, cùng với Đức, Pháp và các nước khác, để phản ứng trước vai trò của ông al-Assad trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria.

"Người Italy chắc chắn hy vọng các nước châu Âu khác sẽ noi gương họ, vì họ đang cố gắng tạo động lực để điều chỉnh chính sách của EU", ông Aron Lund, một chuyên gia về Trung Đông của tổ chức tư vấn The Century Foundation có trụ sở tại New York, cho biết.

"Tôi nghĩ rằng theo thời gian, áp lực tái hợp tác với chính quyền ở Damascus sẽ gia tăng", ông Lund nói thêm.

Có thể các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng rằng, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ, ông al-Assad sẽ thực hiện những bước để giảm thiểu tình trạng người Syria rời đất nước đến EU và tạo điều kiện tiếp nhận những người Syria bị trục xuất sau khi đơn xin tị nạn của họ bị các quốc gia thành viên EU từ chối.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ra tín hiệu rằng chính phủ của ông ủng hộ việc trục xuất những người Syria đã bị kết án là tội phạm. Lập trường cứng rắn này càng được củng cố sau vụ đâm dao khiến 3 người ở Solingen thiệt mạng cuối tuần qua, với nghi phạm được cho là người Syria.

Lập trường đã thay đổi

Nhưng ông Scholz không phải là người đầu tiên ủng hộ động thái như vậy. Vào năm 2021, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã quyết định thu hồi giấy phép cư trú vĩnh viễn của những người tị nạn Syria đến từ khu vực Damascus, coi đó là nơi an toàn để họ trở về.

Ông Bernd Parusel, một chuyên gia về di cư tại Viện Nghiên cứu Chính sách châu Âu của Thụy Điển, cho biết mặc dù chính phủ bảo thủ của Thụy Điển, vốn liên minh với cánh hữu, không có chính sách chính thức nào để trục xuất những người xin tị nạn, nhưng đã gây khó khăn cho việc những người này ở lại quốc gia Bắc Âu.

"Họ đã cố gắng hạn chế giấy phép cư trú, chỉ cung cấp quyền cư trú tạm thời chứ không phải thường trú và khiến việc đoàn tụ gia đình trở nên khó khăn hơn. Và họ cố gắng ngăn chặn những người mới đến", ông Parusel nói với DW, đồng thời lưu ý rằng chính sách đó không chỉ áp dụng cho những người Syria xin tị nạn.

Hiện trường vụ đâm dao khiến 3 người thiệt mạng ở Solingen, miền Tây nước Đức, ngày 23/8/2024. Ảnh: Getty Images

Hiện trường vụ đâm dao khiến 3 người thiệt mạng ở Solingen, miền Tây nước Đức, ngày 23/8/2024. Ảnh: Getty Images

Theo Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu, 1,14 triệu đơn xin tị nạn đã được nộp vào năm ngoái tại EU và các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Na Uy và Thụy Sĩ. Người Syria vẫn là nhóm người xin tị nạn lớn nhất, với hơn 181.000 người nộp đơn xin tị nạn tại châu Âu.

Cơ quan này cho biết, "Vào năm 2023, người Syria đã nộp nhiều đơn xin tị nạn hơn đáng kể, tăng 38% so với năm 2022, nhưng vẫn chưa bằng 1/2 số đơn đăng ký được nộp vào năm 2015" đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư mà "cựu lục địa" trải qua vào thời điểm đó.

Trong một báo cáo gần đây, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, nhiều người vừa trở về Syria đã lại chạy sang các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lebanon, và rằng "điều kiện chung ở Syria vẫn không cho phép họ trở về một cách an toàn, đàng hoàng và bền vững".

Cho đến nay, Brussels vẫn giữ nguyên chính sách chính thức của mình là kêu gọi bầu cử tự do và công bằng cũng như chuyển giao quyền lực dân chủ ở Syria. Chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Landis cho rằng khối này có thể sẽ chờ tín hiệu từ Mỹ để xác định xem họ có muốn sửa đổi chính sách của mình hay không và khi nào. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy lập trường ở một số quốc gia thành viên EU đã thay đổi.

Minh Đức (Theo DW, Anadolu)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-bien-trong-chinh-sach-syria-cua-eu-204240827154938752.htm